Chlamydia là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho loài gấu túi, hay gấu Koala ở Australia. Một nghiên cứu mới đã xác định được loại kháng sinh có thể kiểm soát nhiễm trùng với ít tác dụng phụ, mang lại tia hy vọng cho loài gấu đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Chlamydia lây truyền qua đường tình dục (STD) xuất hiện ở cả con người và gấu Koala. Tuy nhiên, dạng vi khuẩn gây bệnh ở người là vi khuẩn Chlamydia trachomatis, còn gấu túi nhiễm bệnh do vi khuẩn Chlamydia pecorum. Nếu không được điều trị, chlamydia có thể gây vô sinh và mù vĩnh viễn ở cả người và gấu túi. Thuốc kháng sinh điều trị chlamydia ở người cũng có tác dụng đối với gấu Koala, nhưng tỷ lệ thành công lại khác nhau. Một số loại kháng sinh có thể gây ra các phản ứng phụ có hại với gấu túi, chẳng hạn như gây gián đoạn hệ vi khuẩn đường ruột giúp tiêu hóa lá bạch đàn - loại thực phẩm thiết yếu của gấu túi.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích so sánh đầu tiên giữa hai loại kháng sinh phổ biến nhất dùng để trị chlamydia cho gấu túi: chloramphenicoldoxycycline. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng doxycycline không chỉ là thuốc điều trị nhiễm trùng đáng tin cậy hơn mà còn gây ít tác dụng phụ hơn ở gấu túi.

Hình minh họa. Nguồn:© Shutterstock

Gấu túi sống trong môi trường hoang dã thường mắc chlamydia qua đường tình dục, và gấu sơ sinh cũng có thể bị lây bệnh từ gấu mẹ. Đến nay vẫn không rõ lý do vì sao gấu túi lại có nguy cơ nhiễm bệnh này cao đến vậy. Tuy nhiên, một số phỏng đoán cho rằng chúng dễ nhiễm bệnh có thể là do một loại virus cùng họ với virus HIV ở người.

Phụ trách nghiên cứu là Elliot Grossman, một nghiên cứu sinh Trường Thú Y Cummings thuộc Đại học Tufts ở Massachusetts. Grossman hợp tác với chuyên gia thú y Rosie Booth, Giám đốc Bệnh viện Động vật Hoang dã Australia ở Beerwah. Mỗi năm, cơ sở tiếp nhận và điều trị từ 300 đến 500 con gấu túi, trong đó 40% nhiễm chlamydia.

“Các bác sĩ tại bệnh viện nghi rằng chloramphenicol gây nhiều tác dụng phụ và không cứu được nhiều gấu túi như doxycycline”, Grossman nói. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu được xuất bản nào so sánh hai loại thuốc này.

Grossman, cùng với Adam South, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trường Cummings, đã xem xét và phân tích 311 gấu túi mắc chlamydia và ghi chép lại phản ứng của con vật với loại thuốc được dùng trong điều trị. Khi trị bệnh cho gấu túi bằng chloramphenicol, quá trình điều trị thất bại nhiều hơn khi đợt kháng sinh đầu tiên không thể xử lý nhiễm trùng.

Gấu túi được điều trị bằng thuốc này cũng dễ bị tiêu chảy, nhiễm trùng nấm men, trầm cảm, mất nước và rối loạn chức năng tủy xương.. Trong khi đó, gấu túi được cho dùng thuốc doxycyclinekhông chịu tác dụng phụ có hại nhiều như nhóm gấu túi dùng thuốc chloramphenicol.

Các nhà khoa học hiện đang hoàn thiện kết quả nghiên cứu. Ông Booth cho biết: “Hàng trăm con gấu túi trên khắp Australia đã hưởng lợi từ nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị cho gấu túi mắc chlamydia bằng kháng sinh doxycycline có kết quả tốt hơn so với chloramphenicol – thuốc từng được sử dụng rộng rãi trước đây”.

Nguồn: https://www.livescience.com/koalas-chlamydia-relief.html