(The Last Dance: The Wave Epoch) sẽ đưa bạn về một thế giới của tương lai, khi những kĩ thuật tiên tiến nhất của chúng ta được con người của thời đại đó khai quật. Những kĩ thuật tiên tiến đó chính là cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới Hadron (LHC) nằm trong Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).
Haroon Mirza (trái) và Gaika tại Cern.
Theo Jack Jelfs, một trong những tác giả buổi biểu diễn nói “Bất cứ ai tham dự các buổi biểu diễn sẽ đều cảm thấy như được đưa vào một không gian “chồng chập lượng tử” 12 chiều (12 - dimensional quantum superposition)”. Đó là sự chồng chéo của 3 yếu tố: quá khứ huyền thoại, hiện tại khoa học và tương lai vẫn còn là một bí ẩn của chúng ta.
“Điệu nhảy cuối cùng: thời kì của làn sóng mới” là một buổi trình diễn high-concept (mang nhiều khái niệm trừu tượng) là kết quả cộng tác của 4 nghệ sĩ người Anh tại phòng thí nghiệm của CERN, nơi mà các hạt được gia tốc và va chạm với nhau để tiết lộ những bí mật của vũ trụ. Nếu chỉ dựa vào mô tả trên tờ áp phích: “sự kết hợp của nghệ thuật sắp đặt, một buổi trình diễn âm nhạc và nhảy tập thể”, bạn sẽ không thấy nó là điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên buổi trình diễn trở nên thật sự ấn tượng khi bạn nhận ra rằng nó được thực hiện trong đường hầm 175m dưới biên giới Pháp - Thụy Sĩ, với sự có mặt của máy gia tốc hạt Hadron - cỗ máy lớn nhất mà thế giới từng được biết đến.
Đối với Jelfs, sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học luôn là một phần trong công việc của ông. Ông học vật lý lý thuyết tại Đại học Hoàng gia London trước khi tập trung toàn bộ thời gian của mình cho công việc âm thanh, hình ảnh và điêu khắc. Jelfs và nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ thị giác Haroon Mirza là những người cùng nhận giải thưởng Collide 2017, được trao tặng bởi bộ phận Nghệ Thuật của Cern. Người chiến thắng nhận được hai tháng cư trú tại địa điểm nghiên cứu, được giao nhiệm vụ đưa nghệ thuật và khoa học tới gần nhau hơn.
Trong khi các nhà khoa học tại CERN giải quyết các câu hỏi về các mô hình cơ bản của tự nhiên, thì các nghệ sĩ đằng sau The Wave Epoch lại nghiên cứu những mẫu hình cơ bản của nhân loại: các nghi lễ, âm nhạc, sự biểu diễn và văn hóa. Câu hỏi cốt lõi, theo Jelfs, chính là: Nếu Máy gia tốc hạt Hadron Lớn được khai quật vài nghìn năm trong tương lai, khi mục đích ban đầu của nó đã bị lãng quên, mọi người sẽ giải thích nó như thế nào? Để trả lời câu hỏi đó, Jelfs và Mirza đã tranh thủ sự giúp đỡ của hai nghệ sĩ khác tại CERN: nhạc sĩ điện tử Gaika, người đã từng làm về một "tương lai tưởng tượng”, và Elijah, một DJ và nhà quảng bá nổi tiếng, đồng sáng lập của hãng thu âm độc lập Butterz. Kể từ năm ngoái, Elijah cũng là phó giám đốc nghệ thuật tại Lighthouse, tổ chức nghệ thuật đương đại có trụ sở tại Brighton và đứng đằng sau buổi trình diễn The Wave Epoch. “1000 năm nữa, và cũng có thể sớm hơn thế, họ sẽ nhìn CERN như chúng ta nhìn Stonehenge - một di tích khảo cổ. Họ sẽ đặt ra vô vàn câu hỏi: Tại sao con người lại khiến các hạt va chạm với nhau để tìm ra vũ trụ bắt đầu như thế nào? Đây là cỗ máy lớn nhất từng được tạo ra, và rất có thể sẽ không có cỗ máy nào lớn hơn nữa. Vì thế, nơi đây có thể được coi như một địa điểm mang tính nghi lễ.” – Elijah nói.
Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ được hiện thực hóa như thế nào là một công việc không hề đơn giản đối với các nghệ sĩ. Elijah cho biết ý tưởng sẽ có thể thay đổi rất nhiều theo thời gian, nhưng ông cũng hé lộ một vài điều khiến chúng ta chờ đợi: “Tôi mới chỉ đến CERN một thời gian ngắn, nhưng các bạn nhất định sẽ bị ấn tượng bởi quy mô, bởi số lượng người làm việc cho dự án, và cả số lượng các nhà khoa học. Tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm phim, nghệ thuật hoặc âm nhạc ở quy mô như vậy. Điều này chưa từng xảy ra trước đây.”
Buổi trình diễn The Wave Epoch, theo ông, chính là một nỗ lực để tạo ra một tác phẩm ở quy mô chưa từng có như vậy. “Những gì chúng tôi cố gắng tạo ra nằm ở đâu đó giữa một buổi chiếu phim, một buổi biểu diễn âm nhạc và một triển lãm nghệ thuật sắp đặt, bởi vì đó là tất cả những gì chúng tôi thực hiện cùng nhau. Chúng tôi đã quay phim bên trong máy gia tốc hạt, Gaika đã sáng tác một bài rap và chúng tôi đã hiện thực hóa nó như một video ca nhạc.”
Ngay cả chính sự độc đáo về địa điểm nơi đặt CERN cũng được khai thác: CERN luôn nằm ở chính nơi mà nó được bắt đầu từ năm 50 của thế kỉ trước. Và do đó, có một sự tương phản kỳ lạ giữa các tòa nhà đã hơi xuống cấp do được xây từ thời chiến tranh lạnh, và bên trong cất giữ những công nghệ tương lai đáng kinh ngạc. Các thí nghiệm lớn và kinh điển đều nằm sâu dưới lòng đất, và chỉ có những người với phận sự đặc biệt mới có thể được vào, và chỉ khi mà máy Hadron lớn không hoạt động. Do đó, Jelf và các cộng sự dành khá nhiều thời gian khám phá những tòa nhà cũ, tìm đến rác thải điện tử và cơ khí, xem xét các tài liệu lưu trữ, ghi lại âm thanh và các đoạn video.
Tất cả những điều này sẽ đóng góp cho buổi trình diễn tực tiếp, cùng với nhạc cụ được làm từ những đồ vật đã được dùng trong các thí nghiệm trước đây. Đồng thời, khán giả sẽ được xem các đoạn băng phỏng vấn các nhà khoa học. Jelf cho biết: “Chúng tôi đã có những cuộc đối thoại thực sự tuyệt vời với các nhà vật lý học. Bản chất nguồn mở của nơi đây thật sự khiến chúng tôi cảm thấy mới mẻ. Các nhà khoa học dành cho chúng tôi thời gian quý giá của họ và có vẻ thật sự hứng thú với những gì chúng tôi đang làm.” – Jefts nói.
Elijah cũng cảm thấy những cuộc đối thoại này rất đáng giá. “Những nhà khoa học còn hỏi tôi những câu như “Bạn có hiểu chúng ta, con người, được tạo nên từ những gì không?” Tôi dĩ nhiên không thể biết hết tất cả những điều đó, nhưng bạn cũng không nhất thiết phải biết.
Buổi biểu diễn đầu tiên của The Wave Epoch đã diễn ra tại lễ hội Brighton, sự kiện âm nhạc lớn nhất và uy tín nhất ở Anh vào tháng 5 năm ngoái. Hai ngôi sao mới nổi của Anh là DJ Shook và Off-Peak cũng góp mặt trong buổi biểu diễn này, giúp người xem nhận ra một dự án đóng vai trò như cầu nối giữa âm nhạc và nghệ thuật với ảo thuật, nhân học, khoa học nhận thức, toán học và thần kinh học. Elijah nói “Ở Cern khiến tôi luôn nghi ngờ tất cả những gì tôi biết về tất cả những gì tôi nghĩ về thế giới. Trải nghiệm này rồi sẽ ảnh hưởng đến công việc của tôi mãi mãi”.