Thử nghiệm lâm sàng mới đây cho thấy tác dụng của ketamine đối với chứng trầm cảm thực chất bắt nguồn từ trải nghiệm của bệnh nhân khi được các chuyên gia y tế thăm khám, chứ không phải do tác dụng thực sự của thuốc.
Ketamine được biết đến là một loại thuốc gây mê mạnh. Gần đây có các nghiên cứu cho thấy loại thuốc này có thể giúp điều trị cho những người bị trầm cảm đã thử các phương pháp điều trị khác mà không thành công.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Ketamine gây ra các hiệu ứng "phân ly", khiến bệnh nhân cảm thấy như họ rời khỏi cơ thể. Đôi khi, bệnh nhân cũng báo cáo về ảo giác thị giác và thính giác - chẳng hạn, họ nghe thấy giọng nói của bạn bè và người thân, dù những người này không có mặt ở đó. Tác dụng "phân ly" của ketamine được cho là có liên quan đến chống trầm cảm, bằng cách giúp bệnh nhân điều chỉnh lại trải nghiệm của họ từ góc độ bên ngoài.
Để có được kết luận về tác dụng thực sự của ketamine đối với chứng trầm cảm, trong một nghiên cứu mới chưa được bình duyệt, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm theo một cách độc đáo, cho 40 tình nguyện viên được tiêm ketamine hoặc nước muối dưới dạng giả dược khi đang ở trong trạng thái gây mê toàn thân, để ngăn họ có trải nghiệm phân ly. Đây cũng là những người bị trầm cảm từ mức nhẹ đến trung bình. Sau đó, trong 3 ngày tiếp theo, các nhà nghiên cứu khảo sát và chấm điểm người tham gia về các triệu chứng trầm cảm, dựa trên các yếu tố như buồn bã, chán ăn và thiếu ngủ.
Kết quả, sau thử nghiệm, khoảng 40% người tham gia đoán đúng liệu họ đã được nhận ketamine hay giả dược, tương đương với lựa chọn may rủi. Do đó, thuốc gây mê đã hoàn thành nhiệm vụ che đậy cảm nhận về ketamine. Cả 2 nhóm nhận ketamine và giả dược đều giảm 15 điểm về điểm trầm cảm so với khảo sát trước thử nghiệm.
Mức cải thiện này tương tự như tác dụng chống trầm cảm của ketamine được báo cáo trong những thử nghiệm mà người tham gia dùng ketamine và có trải nghiệm phân ly, Eduardo Schenberg, nhà thần kinh học tại Viện Phaneros, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.
Một cách giải thích khác có thể là chính thuốc gây mê đã làm giảm trầm cảm. Gây mê đã được chứng minh là giúp giảm trầm cảm trong các nghiên cứu khác. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý liều lượng gây mê được sử dụng trong nghiên cứu này thấp hơn nhiều so với liều được sử dụng trong các nghiên cứu chống trầm cảm trước đây.
Theo Theresa Lii, bác sĩ gây mê tại Stanford và đồng tác giả của nghiên cứu, tất cả những điều này cho thấy bản thân ketamine và thuốc gây mê đều không thể làm giảm trầm cảm. Thay vào đó, bệnh nhân chỉ cần tự mình trải qua quy trình điều trị có trật tự, trong đó họ nhận được sự quan tâm và tương tác trực tiếp với bác sĩ và bác sĩ tâm thần, thì sẽ cảm thấy tình trạng của mình được cải thiện.
Matthew Butler, bác sĩ tâm thần kinh tại Đại học King's College London, người không tham gia nghiên cứu, nói, nghiên cứu cho thấy tác dụng của ketamine đối với chứng trầm cảm không dựa vào tác nhân dược lý, và đây là kết quả gây sốc.
Boris Heifets, bác sĩ gây mê tại Stanford và là đồng tác giả của nghiên cứu, thì cho rằng kết quả này làm phức tạp thêm một lĩnh vực vốn đã đầy thách thức.
Nguồn: