Có những phát minh, sáng tạo khoa học vĩ đại, thay đổi lịch sử, ảnh hưởng toàn nhân loại. Nhưng cũng có những sáng tạo mang tính giải trí, chỉ để thỏa mãn thú tìm tòi, mày mò, làm mới, tìm thấy ở đó niềm vui và sự chia sẻ từ nhóm người cùng chung sở thích. Sáng tạo, dẫu thế nào, vẫn sẽ khiến cuộc sống trở nên bớt nhàm chán, đơn điệu.
1. Trên Youtube, “Kênh Sáng Tạo” có đến hơn 976 ngàn người đăng kí và gần 274 triệu lượt xem kể từ tháng 6 năm 2015. Trang này, mặc dù chưa hề chuyên nghiệp trong kĩ thuật quay và dựng video, cũng không có yếu tố “diễn xuất” của chủ nhân các đoạn clip, nhưng trụ được lâu trong thời đại bùng nổ các kênh Youtube kiếm tiền, chủ yếu là nhờ vào nội dung có phần độc đáo của nó: hướng dẫn “chế”, “độ” các đồ điện tử như đồ chơi mô hình, máy bay mô hình, mô-tô, xe địa hình, xe điều khiển từ xa.
Tinh thần chung của trang này tập trung vào các cách “chế” một vật dụng mới dựa trên vật dụng có sẵn, hoặc cải tiến, sửa sang, lắp ghép nhiều sản phẩm thành một phiên bản mang dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn, gần đây, trang giới thiệu cách làm bảng led ma trận chào xuân, chế ô-tô điện mini với xe cân bằng ve chai, chế xe Scooter điện với củ đề xe máy và motor 775, chế loa bluetooth với hộp đựng đồ trang điểm, chế thuyền thả mồi câu,… Mỗi một nội dung đều được chủ nhân hướng dẫn, thực hiện theo từng bước và thực nghiệm trên chính sản phẩm.
Chính sự đơn giản, thú vị, “độc, lạ” trong kết quả cuối cùng đã khiến người xem thích thú, ngạc nhiên và có thể bắt chước làm theo. Rõ ràng, đây không phải là những phát minh khoa học nhưng nếu không có am hiểu tối thiểu về cơ khí, điện tử thì khó mà thực hiện chứ đừng nói đến “chế”, “phù phép” vật liệu, máy móc. Rất nhiều người xem, trong đó có tôi, nhiều lần phải thán phục khả năng thiên biến vạn hóa của chủ nhân Kênh Sáng Tạo.
Dĩ nhiên, nếu quá khắt khe về kĩ thuật hay yếu tố bản quyền, sẽ khó mà cổ vũ cho cách “chế” có phần tự do này. Một số người có thể mỉa mai rằng tại sao không làm hẳn những sản phẩm lớn, không là kĩ sư hay nhà phát minh để ích nước lợi nhà mà lại dành tâm sức cho những thú trò nhỏ nhặt? Ở đây, vấn đề chủ yếu thuộc về sở thích cá nhân. Hơn nữa, nó còn thể hiện tinh thần khắc phục điều kiện vật chất tối thiểu để đem lại hiệu quả, niềm vui tối đa trong cuộc sống thường ngày. Bản thân Kênh Sáng Tạo cũng hướng đến các sản phẩm hữu ích, tiện lợi và tối đa hóa công năng của một vật dụng. Theo chiều hướng này, nó khá gần với tính cách của người Việt xưa nay: khéo léo, giỏi mẹo vặt, tìm cách cải tiến phù hợp hoàn cảnh thực tế.
Thực tế, Kênh Sáng Tạo chỉ là một trong số hàng trăm website hướng dẫn các kĩ thuật, cách thức làm vật dụng thường ngày, từ đơn giản đến phức tạp. Trong số đó, phần lớn đều nhắm đến lối sống “tự mình làm lấy” (D.I.Y – do it yourself) vốn rất được các bạn trẻ hưởng ứng. Tự mình làm lấy thay vì phải thuê thợ hoặc sắm mới, đáng nói hơn, đánh động mỗi người quan tâm, coi trọng các vật dụng tưởng đã hư hỏng, lỗi thời, có một cái nhìn tích cực, sáng tạo hơn với các đồ phế liệu, loại thải. Chống lại sự trương phình của chủ nghĩa vật chất, tự mình làm lấy thúc đẩy người trẻ yêu chuộng những đồ vật giản dị, thiết thực được làm ra bởi bàn tay của chính mình.
Chống lại sự trương phình của chủ nghĩa vật chất, tự mình làm lấy thúc đẩy người trẻ yêu chuộng những đồ vật giản dị, thiết thực được làm ra bởi bàn tay của chính mình.
2. Trong số các trào lưu phổ biến ở đô thị Việt Nam gần đây, trang trí theo phong cách “vintage” đang thực sự chiếm ưu thế. Từ nhà hàng, nhà ở, cho đến các quán café, hiệu sách, các cửa hiệu thời trang, văn phòng làm việc…, vintage có mặt như một cách làm mới không gian, một “kháng cự” với sự ồ ạt của những gì hiện đại, tân tiến. Vintage không chỉ hoài cổ, hoài niệm, trưng dụng các vật liệu cũ để gây chú ý. Nó còn là nhãn quan sống chậm, trân quý quá khứ, khơi gợi cảm hứng từ các trải nghiệm đã qua và nhờ đó, có thể nhìn thấy hiện tại không bị đứt gãy, cắt lìa với truyền thống.
Gần đây, ở Hà Nội, vintage thời bao cấp len lỏi vào nhiều lĩnh vực. Ngoài trang trí, còn có sách vở, thời trang, nhiếp ảnh, thậm chí cả lối ứng xử. Dẫu thời bao cấp không phải là một giá trị hoàn hảo nhưng một khi được tái dựng trong vintage, nó nhắc nhở thời hiện tại cần lưu tâm điều gì để không lặp lại nhiều tình thế dở khóc dở cười của bao cấp. Như vậy, vintage không phải là lặp lại, sao chép mà biểu lộ nhu cầu chơi đùa, thay đổi kèm với góc nhìn tươi tắn, trẻ trung.
Nhưng tại sao vintage lại thu hút giới trẻ? Bởi phong cách này, một lần nữa, cho phép những sáng tạo nho nhỏ được truyền cảm hứng, tạo nên những gia vị lí thú mà không quá tốn kém, cầu kì. Chưa kể, bản thân các sản phẩm hay không gian mang hơi thở vintage cũng có tiềm năng thương mại khá lớn.
Cùng với vintage, hàng loạt phong cách khác cũng đang được cộng đồng mạng tự “chỉ bảo”, mách nước cho nhau để cuộc sống, vốn dĩ quá nhiều áp lực, phần nào nhẹ nhõm và đáng yêu hơn.
3. Những sáng tạo dựa trên sản phẩm có trước, trong văn chương nghệ thuật chẳng hạn, được xem là thao tác “làm lại” (remake). Ở văn chương, hiện tượng “chuyện cũ viết lại” (cố sự tân biên) từng nổi lên trong thập niên 1980 và vẫn kéo dài cho đến nay. Ở điện ảnh, một số bộ phim Việt Nam làm lại phim truyền hình Hàn Quốc cũng đang thu hút khán giả. Trong các trường hợp này, làm lại cần đến những lớp nghĩa mới để không bị coi phép cộng kéo dài.
Nhìn rộng ra, cái gọi là “chế bản”, “phiên bản” trong đời sống nghệ thuật đương đại cũng là biểu hiện của tính lặp lại. Umberto Eco, học giả Ý, từng gọi đây là thời của tính lặp lại và “tính lặp lại có vẻ thống trị toàn bộ thế giới sáng tạo nghệ thuật”. Không thể ngăn chặn được những sáng tạo mang tính lặp lại, ăn theo hoặc bắt chước mà nghệ thuật đại chúng thích thú và thậm chí, có thể lấn lướt sản phẩm nghệ thuật bậc cao. Nhưng cũng thật khó để chỉ ra hai năm rõ mười những cái mới nào tuyệt đối tinh khiết dưới ánh mặt trời!
Trong bối cảnh đó, những sáng tạo vừa sức, hợp lí và hữu dụng chắc chắn vẫn được số đông hưởng ứng. Thực tế này, dầu có hơi hướng thiếu kiểm định và đánh giá chính xác, thì vẫn đi vào đời sống thường ngày nhờ vẻ dễ dàng vừa lòng cho tất cả của nó.