Khi robot và các máy móc thông minh khác ngày càng thông minh hơn và biết làm nhiều việc hơn thì đồng thời các chuyên gia cũng lo ngại một ngay nào đó trí thông minh của máy móc sẽ vượt con người.

Nhưng thậm chí kể cả chưa có bộ óc siêu việt như vậy thì robot cũng đã có khả năng “nhấn nút cảm xúc” của con người – một nghiên cứu mới đây đã khẳng định điều đó.

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Duisberg-Essen, Đức, nhận thấy những người được yêu cầu tắt một robot hình người thì lại do dự không muốn làm như vậy khi robot cất tiếng xin họ đừng tắt. Sự ngập ngừng do dự của con người trong thí nghiệm này thể hiện một điều không bình thường trong mối quan hệ của chúng ta với công nghệ mà chính chúng ta sáng tạo ra, đó là: con người có xu hướng đối xử với robot như là người chứ không phải là máy móc.


Giáo sư Tâm lý học xã hội Nicole Krämer, đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng "Chúng ta được lập trình sẵn để phản ứng theo quan niệm xã hội. Chúng ta chưa học cách phân biệt giữa tín hiệu xã hội loài người với những thực thể nhân tạo đại diện cho tín hiệu xã hội loài người."

Trong nghiên cứu vừa công bố ngày 31/7/2018, Giáo sư Krämer và các đồng nghiệp đã đề nghị 89 người giao tiếp với Nao - một robot hình người, rất dễ thương và đã được sản xuất bán trên thị trường – rồi tắt nó đi. Trong một số trường hợp, robot nói chuyện cá nhân đời thường, như là về bánh pizza và ngày sinh nhật của nó; lúc khác thì nó hành động vô cảm, chỉ giống như một thiết bị phát ra tiếng nói.

Trong cả 2 trường hợp, những người tham gia đều do dự khi robot nói "Đừng, làm ơn đừng tắt tôi đi." Và một số người còn từ chối thẳng thừng việc tắt Nao. Khi được hỏi vì sao lại không thoải mái khi phải tắt robot này, một người cho biết đó là vì Nao nói nó không muốn thế, một người khác thì nói "tôi thấy thương nó."

Theo ông Fritz Breithaupt, một học giả về khoa học nhân văn ở trường Đại học Indiana, Mỹ, robot có khả năng phản ứng, tương tác tùy thuộc vào cảm xúc của con người sẽ là tương lai của trí tuệ nhân tạo. Ông nói "trong tương lại không xa những robot biết tương tác bằng cảm xúc sẽ cảm nhận được tâm trạng của chúng ta còn nhanh hơn cả chính chúng ta. Điều đó sẽ cho phép chúng sử dụng con người. Con người sẽ cần phải hiểu rằng robot không còn chỉ biết nghe lời nữa."

Đồng quan điểm đó, Giáo sư Brian Scassellati, chuyên gia về khoa học máy tính, cũng cho rằng robot biết giao tiếp khéo léo, ví dụ như robot được chế tạo để làm bạn với người già và dạy dỗ trẻ nhỏ, sẽ có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của con người.

Nhưng ông cũng không lo những robot này sẽ kiểm soát hay điều khiển chúng ta một cách sai trái, vì như ông nói, quảng cáo bấy lâu nay có khi cũng điều khiển suy nghĩ của chúng ta, nhưng chúng ta phải học cách thích nghi với hoàn cảnh. "Quảng cáo được thiết kế để thu hút sự chú ý của tôi để khiến tôi nghĩ tốt về một sản phẩm nào đó. Nếu như robot cũng làm giống như thế thì không có gì đáng lo ngại cả".

Giáo sư lịch sử và triết học khoa học Collin Allen của Trường đại học Pittsburgh, Mỹ, cũng đồng ý với sự so sánh của giáo sư Scassellati về quảng cáo và robot. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần cẩn trọng với những công ty hay đơn vị nào khác có mục đích khai thác xu hướng của con người vì mục đích riêng của họ. Thời gian và chất lượng nghiên cứu trước khi đưa ra sản phẩm robot cũng đáng quan tâm để làm sao các thử nghiệm phải đảm bảo kết quả tích cực, đặc biệt là các robot dành cho trẻ em.