Ibuprofen là một trong những loại thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) phổ biến nhất và được bày bán với nhiều nhãn hiệu như Brufen, Advil, Motrin, Nurofen, v.v... Tại thị trường Mỹ, ước tính cứ mỗi 3 giây lại có một hộp sản phẩm có ibuprofen được bán ra.

Steward Adams

Stewart Adams bắt đầu sự nghiệp trong ngành dược từ tuổi 16, khi ông bắt đầu học việc tại nhà thuốc của Boots. Sau đó, ông tốt nghiệp bằng dược tại Đại học Nottingham và nhận bằng Tiến sĩ ngành dược lý tại Đại học Leeds. Năm 1952, Adams quay lại Boots và làm việc trong nhóm nghiên cứu có mục tiêu tìm ra thuốc chữa viêm khớp dạng thấp với hiệu quả ngang bằng steroid nhưng không có tác dụng phụ.

Trong giai đoạn đầu, ông nghiên cứu cơ chế hoạt động của aspirin - điều lúc bấy giờ chưa có ai thực hiện. Hứng thú với công dụng kháng viêm của aspirin, trong đầu nhà nghiên cứu lóe lên tia hi vọng có thể mô phỏng lại các tính chất tương tự, đồng thời tránh được các phản ứng phụ như dị ứng, chảy máu hoặc kích ứng dạ dày.

John Nicholson

Adams sau đó chiêu mộ John Nicholson để giúp ông thử nghiệm hơn 600 hợp chất khác nhau, với hi vọng tìm ra giải pháp làm giảm viêm phù hợp với sức chịu đựng của nhiều người nhất có thể. Từ con số 600, hai nhà khoa học đã khoanh vùng được 5 loại thuốc và đã thử nghiệm lâm sàng thành công. Năm 1966, hai nhà phát minh được cấp bằng sáng chế ibuprofen và chỉ 3 năm sau, loại thuốc mới đã được công nhận trở thành thuốc kê toa ở Anh và sớm được bày bán trên toàn thế giới.

Một trong những khoảng chững trong sự nghiệp của Adams lại chính là phát minh nổi tiếng nhất của ông. Ibuprofen đem lại cho ông danh tiếng và được công nhận là loại thuốc giảm đau, sốt, kháng viêm an toàn và hiệu quả trong điều trị các chứng viêm khớp, đau đầu và cả các triệu chứng sau khi uống rượu, ông vẫn luôn trăn trở vì không đạt được mục đích ban đầu là tìm ra một loại thuốc chữa khỏi hoàn toàn viêm khớp dạng thấp.

Qua lời kể của David Adams - con trai nhà khoa học, chính "cha đẻ" của ibuprofen lại là người hay đùa rằng mình là người duy nhất mất tiền vì đã phát minh ra nó. Dù bằng sáng chế ibuprofen được đề tên Adams và Nicholson, họ không nhận được bất cứ khoản hoa hồng nào cho thành quả to lớn của mình. Trên thực tế, Adams còn mất 1 bảng phí đăng ký bản quyền nhưng lại không được Boots hoàn trả do không nộp hóa đơn.

Danh tiếng của Adams tăng lên tỉ lệ thuận với độ phổ biến của ibuprofen. Ông được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm tước Sĩ quan Đế chế Anh (OBE) do Nữ hoàng Anh Elizabeth phong tặng. Adams và Nicholson còn góp mặt trong danh sách Hội trường Danh vọng Các nhà phát minh Quốc gia Mỹ (NIHF).

Stewart Adams qua đời năm 2019, thọ 95 tuổi. Theo lời con trai của ông, nhà khoa học là người vô cùng khiêm tốn và như bao người khác, cũng đến nhà thuốc để mua ibuprofen như bình thường. Dù tự hào, song ông không bao giờ khoe khoang, tự mãn về phát minh của mình mà chỉ hài lòng vì lợi ích mà nó mang lại cho hàng triệu người trên thế giới.

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/innovation/inventor-ibuprofen-tested-drug-his-own-hangover-180975088/