Nồng độ CO2 trong khí quyển đã cán mốc kỷ lục kể từ thời kỳ tiến hóa của con người. Và nếu không thể thay đổi được tình trạng này, chúng ta có nguy cơ sẽ phải quay lại điểm xuất phát của văn minh nhân loại.
Theo dữ liệu từ đài thiên văn Mauna Loa ở Hawaii, nồng độ CO2 trong khí quyển đã cán mốc 415 phần triệu (ppm). Con số này gần như vượt qua bất kỳ cột mốc về nồng độ CO2 nào trong suốt 800 ngàn năm qua.
Thậm chí cách đây khoảng 3 triệu năm trước trong Kỷ Pliocene, nhiệt độ toàn cầu được cho ấm hơn hiện nay khoảng 2-3 độ nhưng nồng độ CO2 trong khí quyển cũng không cao quá mức 400ppm.
Theo TechCrunch, quá trình đo nồng độ CO2 bắt đầu từ năm 1958 do nhà khoa học Charles David Keeling thực hiện. Và dữ liệu hiện nay cho thấy, nồng độ CO2 đã tăng kỷ lục kể từ sau thời kỳ tiền công nghiệp tới nay. Trong khi nhiều người còn hoài nghi về biến đổi khí hậu và đổ lỗi cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu liên quan đến các chu kỳ của tự nhiên thì nồng độ CO2 trong khí quyển cũng là một phần nguyên nhân.
Nồng độ CO2 trong khí quyển chạm ngưỡng 415ppm là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của Trái Đất đang dần suy yếu và không tránh khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng mạnh mẽ.
Theo Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 trong khí quyển cao sẽ ngăn cản chu kỳ làm mát tự nhiên của Trái Đất khi chặn bức xạ nhiệt của Mặt Trời thoát ra ngoài không gian, dẫn tới nhiệt độ toàn cầu sẽ ngày càng tăng cao hơn do hiệu ứng nhà kính.
Nồng độ CO2 cao hiện nay chủ yếu do hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng.
Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày càng lớn, nó sẽ phá hủy chuỗi thức ăn và sự đa dạng sinh học. Nguy hiểm hơn, nhiệt độ toàn cầu tăng còn có thể tác động đến an ninh lương thực và khả năng duy trì sự sống ở nhiều vùng đất. Các nhà khoa học ước tính, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng thêm 2 độ nữa, thế giới sẽ có thêm 25% ngày nóng và thêm nhiều đợt sóng nhiệt khác.
Tất nhiên kèm theo đó sẽ là tình trạng cháy rừng, hạn hán ở nhiều nơi. Sau những ngày nóng, thời tiết cũng dễ nảy sinh các hiện tượng cực đoan đe dọa đến mạng sống của con người và muôn loài.
Khoảng 1 triệu loài cũng sẽ phải đối mặt với nạn tuyệt chủng nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn cứ tiếp tục tăng như hiện nay. Mặt khác các loài côn trùng nguy hiểm như muỗi sẽ có điều kiện sinh sôi và phát triển, gây nên hàng loạt các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết,…
Hành động ngay từ bây giờ hoặc là chết
Có lẽ chẳng còn một biện pháp nào khác ngoài việc con người phải hành động ngay từ bây giờ. Sẽ không là quá muộn nếu chúng ta tích cực cắt giảm khí thải nhà kính, phát triển các giải pháp thu hồi lượng khí thải CO2 đã thải ra như trồng rừng và bảo vệ đại dương.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc, chúng ta cần phải có những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có thì mới có thể cải thiện được tình hình hiện nay.