“Nếu có gì thành công nhất của cuộc gặp hôm nay, với tôi, đó là việc kết nối giữa nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã bắt đầu tiệm cận nhau: đã hiểu nhau hơn, bớt nhìn nhau nghi kỵ và bước đầu có những kết quả thực tế của tam giác liên kết này”
Đó là chia sẻ của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, phó giám đốc sở Khoa học Công nghệ TP.HCM vào cuối hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. HCM” hôm 14/5 vừa qua.
Đa dạng các gói hỗ trợ từ nhà nước
Mở đầu hội thảo, GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó GĐ Sở KH&CN TP. HCM cho biết, trong giai đoạn mới, vấn đề liên kết “3 nhà” (nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nước) tại thành phố hiện nay đang cần có thêm sự hỗ trợ từ nhà thứ tư, đó là các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Phương Đông – Phó GĐ Sở Công thương TP. HCM cũng nhận định: “Vấn đề phát triển 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực đã được lãnh đạo thành phố đề ra từ hơn 10 năm trước. Qua những bước đi ban đầu còn có đôi chỗ lúng túng, đến nay, UBND TP đã ra Quyết định 4544/QĐ-UBND nhằm phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Để quyết định này đi vào thực tế và có hiệu quả, các sở ngành đang ra sức lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu, các doanh nghiệp và giới khoa học.”
Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng – Phó trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Sở KH&CN TP. HCM – đã giới thiệu đến các đại biểu và giới doanh nghiệp thành phố nhiều gói chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ trong năm 2019. Trong đó, gói hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nhận kinh phí tối đa 100% từ nguồn vốn ngân sách, hay hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có thể nhận kinh phí tối đa đến 2 tỷ đồng trong thời gian 2 năm. Bà Phùng cũng lưu ý, để việc triển khai các hoạt động đạt hiệu quả, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đủ các bước trong quy trình xin hỗ trợ, có thể liên hệ sở KH&CN TP. HCM để được hướng dẫn chi tiết.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản – Phó Tổng giám đốc công ty Điện Quang – nhấn mạnh: “qua thành công bước đầu của việc phát triển dự án đèn led chiếu sáng thông minh, kết hợp giữa Điện Quang và Đại học Bách khoa TP. HCM, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp cần tìm được đề tài phù hợp và đặt hàng cụ thể với các nhà khoa học, nhằm đạt hiệu quả cao trong hợp tác, tiết kiệm thời gian, chi phí,… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ với các nhà khoa học, tránh có những tranh chấp sau này về quyền sở hữu, bản quyền sáng chế.”
Thiếu tổ chức trung gian về khoa học – công nghệ
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra buổi tọa đàm nhằm gợi mở nhiều hơn các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa “3 nhà”, do ông Trần Bung – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub – điều phối. Các khách mời bao gồm: ông Nguyễn Phương Đông, GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng, ông Trần Quốc Toản và PGS. TS Lâm Quang Vinh (Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. HCM). Báo Khoa học và Phát triển lược trích một vài đoạn hỏi – đáp quan trọng.
Nếu chỉ đưa ra một giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ viện, trường đến doanh nghiệp, quí vị sẽ chọn giải pháp nào?
PGS. TS Lâm Quang Vinh: Theo tôi, nếu chỉ nói ngắn gọn một giải pháp, đó là doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi để có thể nắm được công nghệ lõi khi mong muốn phát triển trong lĩnh vực kinh tế công nghệ.
GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng: 97% doanh nghiệp Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Do đó, giải pháp căn cơ ở đây là nhà nước và các doanh nghiệp lớn, đầu đàn phải song hành với nhau để dẫn dắt DNVVN trong cuộc chơi này.
Ông Nguyễn Phương Đông: Phải tạo động lực cho doanh nghiệp để họ tự lực vươn lên nhiều hơn, bỏ tư duy “làm vừa đủ ăn”, như vậy khả năng phát triển của doanh nghiệp mới sâu rộng…
Ông Trần Quốc Toản: Nếu trông chờ vào DNVVN tự nghiên cứu thì sẽ rất lâu, vì họ không có nhiều nguồn lực. Từ thực tiễn thị trường, các công ty lớn cần chủ động tự tìm đến các nhà khoa học và “đặt đề bài” cụ thể…
Làm sao để DNVVN tiếp cận hiệu quả hơn nữa nguồn vốn dành cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước?
GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng: Nguồn quỹ ngân sách mỗi năm mà TP. HCM dành hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ cho doanh nghiệp là khoảng 200-300 tỷ đồng, thường vẫn… không dùng hết! Vì vậy không lo không có tiền cho doanh nghiệp. Song doanh nghiệp cũng cần lưu ý hoàn thiện hồ sơ phù hợp. Một điểm nữa, tôi nhận thấy cần xây dựng thêm lòng tin giữa trường/ viện và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lẫn các nhà khoa học đều sợ… lộ bí mật thì rất khó lòng hợp tác lâu dài.
Hiện nay, toàn TP. HCM chỉ mới có… 76 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. “Trong khi chỉ tiêu đến năm 2020, thành phố phải có 2.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong tổng số 5.000 doanh nghiệp này trên cả nước. Điều này đã được xác định trong Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020. Song tôi e là rất khó đạt được”-GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng
Khuyến nghị từ “3 nhà” qua câu chuyện hợp tác phát triển các sản phẩm công nghiệp?
GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng: Về phía quản lý nhà nước, tôi nghĩ vẫn cần thay đổi chính sách sao cho thông thoáng hơn, dễ thu hút doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta đang thiếu các tổ chức trung gian kết nối các nhà khoa học, các phát minh, sáng chế từ viện, trường,… với doanh nghiệp. Chúng ta cũng nên dần hình thành mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” để thúc đẩy quá trình thương mại hóa được nhanh chóng.
PGS. TS Lâm Quang Vinh: Tôi rất tán thành đề xuất thành lập “doanh nghiệp trong trường đại học” của ông Kỳ Phùng. Theo tôi biết, Đại học Thanh Hoa Thượng Hải (Trung Quốc) có 45% doanh thu được đóng góp từ doanh nghiệp trong đại học. Đây cũng là mô hình mà trường ĐH Bách khoa và ĐH Quốc gia TP. HCM đang tâm huyết thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Đông: Doanh nghiệp trong nước cũng cần sử dụng nhiều hơn nữa các sản phẩm lẫn nhau. Nhiều năm làm công tác công thương, tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt cứ nhập khẩu sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Vì sao không ưu tiên sử dụng sản phẩm mà chúng ta có thể sản xuất được?
Ông Trần Quốc Toản: Doanh nghiệp cần có nền tảng vững chắc khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp mà ai cũng biết, cũng dùng, cũng tin, thì không cần hô hào, đó tự thân đã là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, cần cải tiến dịch vụ lẫn chất lượng sản phẩm, như vậy doanh nghiệp mới thực sự đang chắp cánh cho sản phẩm tiếp cận ngày càng sâu rộng thị trường.
Kết thúc hội thảo, nhiều doanh nghiệp như công ty Nhất Tinh, AKB Machinery, Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý HCMGIS,… đã ký thỏa thuận hợp tác với các viện, trường đại học nhằm hỗ trợ các sản phẩm cơ khí, công nghệ thông tin, thực phẩm, hóa dược,… thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.