Cách đây 10 năm, khi ngành Kỹ thuật Y Sinh còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, thì Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh đã được thành lập tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM. Đây cũng là trường đầu tiên trên cả nước đào tạo chuyên ngành này với mã ngành riêng biệt.
“Săn” từ giảng viên đến sinh viên
Theo TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh (KTYS), vào những năm đầu thành lập, do từ KTYS không chỉ mới trong xã hội mà ngay cả trong môi trường hàn lâm, Bộ môn đã phải cố gắng không ngừng để khẳng định sự hiện hữu của mình. Bộ môn tự đi tư vấn tại các trường trung học phổ thông; liên hệ với phụ huynh học sinh; cung cấp các báo chí thông tin về ngành và các tham luận, hội thảo nói về sự quan trọng của KTYS,…
Việc xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ của Bộ môn lúc đó cũng vô cùng khó vì Việt Nam chưa bao giờ đào tạo nhân sự cao cấp về KTYS. Ở nước ngoài, tiến sĩ KTYS được săn lùng ráo riết và điều kiện làm việc rất hấp dẫn nên không dễ gì tìm được người trở về hay đồng ý đến Việt Nam làm việc. Vào thời điểm đó, đích thân Trưởng Bộ môn lúc bấy giờ là GS.TS Võ Văn Tới đã đứng ra đào tạo và hướng dẫn các giảng viên mới vào nghề.
Năm 2009, khi mới thành lập, Bộ môn có khoảng 20 sinh viên chuyển từ các ngành khác trong trường sang. Năm sau, trong kỳ tuyển sinh chính thức đầu tiên, số sinh viên viên đăng ký là 126 nhưng Bộ môn chỉ tuyển 37 mặc dù chỉ tiêu là 45. Hiện giờ, Bộ môn có 326 sinh viên đang theo học.
Trong quá trình học tập, các giảng viên luôn chủ động hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu và giới thiệu với sinh viên những học bổng học lên bậc cao hơn. Bởi vậy, các sinh viên khi ra trường đều có việc làm hoặc hoặc được học bổng du học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Sinh viên KTYS cũng liên tục đoạt các giải thưởng ở cấp Trường, Đại học Quốc gia, Thành phố, Bộ và các giải thưởng quốc tế về hoạt động học thuật.
Năm 2015, Bộ môn đã khẳng định được chất lượng của mình khi chương trình đào tạo kỹ sư đạt chuẩn AUN-QA của các đại học ASEAN với số điểm cao nhất Việt Nam và nhì Đông Nam Á trong tất cả các chương trình mà họ đã đánh giá cho đến thời điểm đó. Gần đây, chương trình đào tạo kỹ sư của Bộ môn cũng được ABET, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ, đến đánh giá (kết quả sẽ được công bố chính thức vào tháng 9/2019).
Sau 10 năm hoạt động, Bộ môn hiện có 11 giảng viên là tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng nước ngoài. Bộ môn cũng xây dựng được 11 phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành với nhiều trang thiết bị hiện đại và 2 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại các bệnh viện trong thành phố. Hoạt động của Bộ môn đã bao trùm nhiều lĩnh vực như Thiết bị Y tế, Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh Y Sinh, Kỹ thuật Dược, Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo,…
TS. Nguyễn Thị Hiệp cho biết, mục tiêu dài hạn của Bộ môn là trở thành một Trung tâm Xuất sắc về KTYS của vùng Đông Nam Á và tạo mô hình kiểu mẫu cho các nước đang phát triển.
Nghiên cứu đi đôi với ươm tạo
Bên cạnh công tác đào tạo, các giảng viên của Bộ môn còn tích cực nghiên cứu khoa học, chủ trì nhiều đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, NAFOSTED, Sở KH&CN TPHCM, cũng như nhiều đề tài nhận tài trợ của nước ngoài. Từ những kết quả nghiên cứu khoa học, các giảng viên đã xuất bản nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Các sinh viên cũng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và là đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học.
Chúng tôi đang nghiên cứu triển khai một định hướng mới: Khởi nghiệp trong Kỹ thuật Y Sinh.TS Nguyễn Thị Hiệp
Đặc biệt, cho tới thời điểm này, Việt Nam có hai phụ nữ được nhận giải Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới L’Oréal UNESCO vào năm 2015 và 2018 thì cả hai đều là giảng viên của Bộ môn – TS Trần Hà Liên Phương và TS Nguyễn Thị Hiệp. TS Nguyễn Thị Hiệp còn là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt Giải nhất Giải thưởng ASEAN-US 2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Năm 2011, Bộ môn bắt đầu nhận được khoản tài trợ 17 tỉ (cho 3 năm) từ ĐH Quốc gia TPHCM để thiết lập những phòng thí nghiệm nghiên cứu đầu tiên của mình. Số lượng bài báo quốc tế lập tức tăng lên ngay trong năm sau đó. Năm 2015, Bộ môn tiếp tục nhận được khoản tài trợ 27 tỉ (cho 3 năm), cũng từ Đại học Quốc gia TPHCM, để tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Bộ môn. Song song với các khoản tài trợ đó, Bộ môn chủ động đi tìm tài trợ từ những nguồn bên ngoài như Nafosted, US Navy (Hoa Kỳ), British Council (Anh Quốc), Grand Challenges (Canada), …
Những khoản tài trợ cho phép Bộ môn tập trung vào nghiên cứu cơ bản và cả nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn. Cụ thể, Bộ môn đã thiết kế một dòng thiết bị y tế viễn thông (Thiết bị Viễn y) để bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà hay bất cứ nơi nào, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, biển đảo hay ở nước ngoài để giúp các bác sĩ gia đình chẩn đoán và can thiệp từ xa và tức thời như bệnh nhân lúc nào cũng có bác sĩ bên cạnh mình.
Một dòng sản phẩm khác do Bộ môn thiết kế là vật liệu y sinh thông minh, bao gồm keo dán, băng dán sinh học và vật liệu hồi phục vết thương không cần kim chỉ khâu để người dùng tự sử dụng tại nhà. Các sản phẩm này có thể dán ngay trên các vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy tái tạo mô. Khi sử dụng, gel trong sản phẩm sẽ tạo thành một lớp màng ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn nhiễm trùng từ vi sinh vật.
Hay như hạt khoáng nano Biphasic Calcium Phosphate (BCP) được Bộ môn tổng hợp bằng phương pháp sử dụng sóng siêu âm. Hạt có thành phần hỗn hợp, trong đó hydroxyapatite (HA) và beta-tricalcium phosphate (beta-TCP) là hai hợp chất được tìm thấy nhiều nhất trong thành phần của xương và răng người. Nhờ vào đặc tính tương thích sinh học và cấu trúc hóa học tương tự xương người, hạt khoáng nano BCP được nghiên cứu và phát triển thành vật liệu tái tạo mô xương, mô sụn, cũng như ứng dụng trong nha khoa. Sau khi nghiên cứu, Bộ môn đã thiết lập quy trình sản xuất BCP có kích thước nano, phục vụ cho các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm; đồng thời, chế tạo bộ Kit đánh răng để trị răng nhạy cảm.
“Một số sản phẩm trên đã được đưa vào chương trình Vườn ươm của Khu Công nghệ cao TPHCM và tiến đến việc thiết lập công ty khởi nghiệp để đưa những sản phẩm này ra thị trường theo đường hướng kinh thầu [entrepreneurship] của Bộ môn” – TS. Hiệp nói và cho biết, Bộ môn đang đẩy mạnh phát triển hai hướng chính là thiết kế, ứng dụng thiết bị y tế nhằm thỏa mãn nhu cầu cấp thiết của đất nước và Y học Tái tạo - một hướng khoa học tiên tiến trong quá trình toàn cầu hóa.
“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu triển khai một định hướng mới: Khởi nghiệp trong KTYS. Trong đó, tập trung vào phát triển kỹ thuật lâm sàng và thực hành các phương pháp hiệu quả để đưa vào thị trường các thiết bị y tế mới được phát triển trong các phòng thí nghiệm, qua đó xây dựng một ngành công nghiệp thiết bị y tế phù hợp với Việt Nam và các nước đang phát triển. Ngoài ra, Bộ môn cũng sẽ phát triển những hướng mới như Trí tuệ Nhân tạo trong Y tế và Cơ khí Y Sinh cho y tế phục hồi chức năng. Bộ môn đang hết sức tích cực tuyển dụng, thu hút nhân tài” – TS Hiệp chia sẻ, rồi tâm sự: “Bọn mình may mắn được thừa hưởng một gia tài ‘siêu khủng’ từ GS.TS Võ Văn Tới, người đã sáng lập và vận hành Bộ môn từ những ngày đầu cho đến gần đây. Bọn mình tâm nguyện sẽ cố gắng hết sức để mang Bộ môn lên tầm cao mới cho xứng đáng với tâm huyết, thành quả và kỳ vọng của Thầy”.