Lê Công Thành là người nghệ sỹ có cơ duyên đặc biệt, không thể đánh giá nghệ thuật của ông theo cách phê bình thông thường.

Các bức tượng bố cục người nằm ngang của Henry Moore tạo nhiều ảnh hưởng rõ rệt tới Lê Công Thành (đơn cử như các bức Mẹ Âu Cơ của ông). Nguồn: https://www.tate.org.uk/art/research-publications/henry-moore/henry-moore-om-ch-working-model-for-unesco-reclining-figure-r1171983

Công việc của người nghệ sỹ trong mọi loại hình nghệ thuật đều có bản chất chung là tạo ra các ấn tượng và sắp xếp chúng theo các trình tự, bố cục thích hợp để tạo ra những rung cảm trong tinh thần. Bản thân người nghệ sỹ nào cũng muốn tác phẩm của mình có sức rung động mạnh mẽ, mà tận cùng chính là khả năng lay động trong gốc rễ tâm can.

Sự lay động tận cùng ấy chỉ có được khi ta đối diện với cái Toàn thể. Niềm say mê đắm đuối của Van Gogh không chỉ phát sinh với từng đối tượng cụ thể riêng biệt, một luống hoa, vệt nắng, một ánh sao đêm, mà do ông tìm thấy hơi thở nồng nàn, dạt dào li ti kết nối tất thảy vạn vật. Tiếng thét của Edward Much không phải là nỗi đau thoáng qua nhất thời mà là cái đau điếng tột cùng, sự đơn độc trần trụi không chốn nương thân trong tất cả cõi giới của ông.
Dù say mê đắm đuối hay đau đớn tột cùng, là gắn kết khăng khít hay bơ vơ côi cút, hay pha trộn hỗn hợp, thì chúng đều là những trạng thái xúc cảm khi ta hình thành nên một cõi giới riêng, đủ phong phú để đại diện cho cái Toàn thể. Mỗi cõi giới cá nhân định hình nên một trải nghiệm riêng trong việc chạm vào cái Toàn thể, theo cách nào đó mà tha nhân có thể cùng rung động và đồng cảm. Chỉ khi chạm được vào cái Toàn thể, người nghệ sỹ mới tìm thấy con đường đi (Đạo) của riêng mình. Và ngược lại, chỉ khi tìm thấy Đạo của mình người nghệ sỹ mới có thể dung hợp với cái Toàn thể, hoặc đủ tư cách đứng đối chọi với nó.

Nhưng làm sao để tìm thấy Đạo như vậy?

Trời sắp đặt cho người nghệ sỹ một trong hai số phận. Số phận thứ nhất là sự vật vã, trăn trở ngược xuôi, tìm cách bố trí ra những trình tự tối ưu trong việc sắp xếp các ấn tượng trong tác phẩm, qua nhiều lần tinh lọc mong sao trong một khoảnh khắc xuất thần có thể chạm tới cái lay động tận cùng thần thánh ấy. Con đường đó rất khó đi, biết bao lớp nghệ sỹ tất tả một đời, có khi tưởng như gần trước mắt mà rốt cục chỉ là một vài khoảnh khắc lóe sáng ngắn ngủi, còn lại là tay trắng.

Tượng Mẹ Âu Cơ tại TP. Đà Nẵng. Nguồn: http://www.vptour.com.vn/y-nghia-tuong-me-au-co-o-cong-vien-bien-dong-da-nang/a886531.html

Còn số phận thứ hai là thứ không thể mong cầu, dành cho người được Trời cho, nhờ duyên kỳ ngộ mà tìm thấy Đạo. Một nguồn sinh cơ dồi dào để rồi từ đó cứ hễ tay chạm vào tác phẩm là nảy sinh ra những rung động mang tính toàn thể, chúng mang lại nguồn sinh cơ khiến cái đẹp cứ thế tự nhiên thành, thuần khiết và bền bỉ với thời gian.

Khi chúng ta vĩnh biệt nghệ sỹ Lê Công Thành, chúng ta chia tay một con người được Trời cho như vậy.

Con đường nghệ thuật của ông không thể bình luận nếu nhìn nhận bằng lăng kính dành cho số đông những nghệ sỹ khác. Với họ, điều kiện khắc nghiệt đầu tiên là phải làm ra cái Mới. Bởi khi con đường của anh chị thuần túy là sự chắp vá, vay mượn, thì dù có làm ra cái đẹp cũng không có được hơi thở nguyên bản của cá nhân, và càng không thể nói tới sự ngộ Đạo cao xa.
Nhưng với Lê Công Thành, bởi ông đã chứng Đạo nên có thể tha hồ chịu ảnh hưởng từ các bậc tiền bối, từ Brancusi, Henry Moore, tới Calder, hay thậm chí cả nghệ thuật Chăm truyền thống. Tất thảy những ảnh hưởng kia, dù sâu sắc tới đâu cũng chỉ còn là phương tiện để ông biểu đạt nguồn sinh cơ dạt dào của mình.

Cũng không thể trách Lê Công Thành chịu ảnh hưởng quá nhiều từ Henry Moore và Calder, bởi Đạo của hai ông ấy trong nghệ thuật điêu khắc quá lớn lao.

Đạo của Henry Moore là chứng ngộ từ những khối đặc no đầy. No đầy xen kẽ với những khoảng hẫng tạo thành sinh cơ. Sinh cơ chảy linh động theo cảm quan của người nghệ sỹ tạo ra cảm giác mỗi tác phẩm là một sinh thể đủ tư cách để đối chọi với khoảng trăm năm giữa trời đất.

Đạo của Calder thậm chí còn thâm ảo hơn, đẩy khoảng hẫng lên một tầng kịch tính mới, khi không còn khối đặc nữa mà chỉ còn những mảng dẹt, tạo điều kiện cho sự quyến luyến giữa các thành phần trở nên quyết liệt hơn, toàn diện hơn. Mảng dẹt khiến cho hình khối vẫn còn đó, nhưng trong khối đã nuôi sẵn khoãng hẫng mong manh, nền tảng cho những cảm quan biến ảo phong phú khác.

Thành tựu của Henry Moore và Calder là đã chắt lọc, tìm ra hai nguyên tố căn cốt nhất trong nghệ thuật điêu khắc. Tất cả mọi điêu khắc gia trong lịch sử đều không tránh khỏi vận dụng đặc và rỗng trong tác phẩm, nhưng chỉ đến Henry Moore và Calder chúng mới được cô đọng và đẩy lên thành tư tưởng, một thứ ngôn ngữ minh giản và bao quát để làm nền móng cho mọi cảm quan từ đơn sơ tới hùng vĩ, hoặc chạm tới mọi ngõ ngách tinh tế nhất, đủ sức đối thoại với cái Toàn thể. Và bởi riêng hai ông đã bao quát càn khôn như vậy, chẳng trách những thế hệ điêu khắc gia sau này hiếm người có thể mở thêm lối đi nào đáng kể khác.

Một tác phẩm bằng đồng lá của Lê Công Thành trong bộ sưu tập của Âu Cơ gallery thể hiện ảnh hưởng đồng thời từ cả Henry Moore và Calder. (Ảnh của tác giả).
Một tác phẩm bằng đồng lá của Lê Công Thành trong bộ sưu tập của Âu Cơ gallery thể hiện ảnh hưởng đồng thời từ cả Henry Moore và Calder. (Ảnh của tác giả).

Tuy nhiên, Lê Công Thành dẫu hồn nhiên đứng trên vai những người khổng lồ, vẫn vô tư sáng tạo một con đường riêng của mình. Đóng góp quan trọng nhất trong Đạo của ông là sự bổ sung nguồn sinh cơ từ nhục cảm theo một cảm quan mạnh mẽ chạm tới cái Toàn thể.
Nhục cảm là yếu tố thường tình xuất hiện trong mọi loại hình nghệ thuật, nhiều thế hệ nghệ sỹ đã vận dụng, từ dân gian tới bác học. Nhưng nhục cảm trong nghệ thuật của Lê Công Thành lại tàng ẩn những tầng biến hóa khác. Đó không chỉ là sự giải phóng năng lượng một cách tức thời, mà là nguồn tuần hoàn sinh cơ vô hạn, vừa theo nghĩa cân bằng âm – dương trong tinh thần và thể chất, vừa theo nghĩa nguồn gốc của sự sống, tái sinh đời đời kiếp kiếp.

Cảm hứng đó vốn tự thân đã có tiếng nói thiêng liêng từ cái Toàn thể. Phải chăng Lê Công Thành ít nhiều đã tìm thấy nguồn cảm hứng này trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, để rồi nhờ có ngôn ngữ của Henry Moore và Calder mà ông chắt lọc, cô đọng hóa, và tạo ra vô hạn các biến thể để hình thành nên cõi giới khoáng đạt của riêng mình.

Chừng nào nguồn cơn từ cái Toàn thể còn thôi thúc thì mạch sáng tạo ấy còn tiếp diễn. Đa số các nghệ sỹ thông thường không còn làm được gì đáng kể sau tuổi trung niên. Với Lê Công Thành, Trời cho cõi giới của ông sinh sôi tới ngày xa lìa nhân thế.*□
----
* Nghệ sĩ Lê Công Thành mất ngày 28/3/2019, để lại những đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ XX-XXI