Trong 26 năm qua, Nam Cực đã mất đến hơn 3 nghìn tỉ tấn băng, một con số cực kỳ đáng lo ngại.

Băng tại Nam Cực đang tan nhanh - Ảnh: Internet

Băng tại Nam Cực đang tan nhanh - Ảnh: Internet

Theo báo cáo mới do 84 nhà khoa học hàng đầu đăng tải trên tạp chí Nature thì trong 26 năm qua, 3 nghìn tỉ tấn băng tại Nam Cực đã bị mất. Điều này dẫn đến việc nước biển dâng lên cao hơn và tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu tình trạng nóng lên trên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát.

Nguy hiểm hơn, theo các nhà khoa học thì 2/5 số lượng băng biến mất tại Nam Cực kể trên đã xảy ra trong 5 năm qua, cho thấy tốc độ tan băng đang ngày một tăng nhanh.

Nhóm nghiên cứu cũng cho hay rằng nghiên cứu này bác bỏ những quan điểm nghi ngờ về chuyện Nam Cực đang nóng lên và băng đang dần tan.

"Chúng tôi đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng về những gì đang diễn ra tại Nam Cực. Chúng tôi xem kết quả này là một tiếng chuông cảnh báo để quan tâm đến việc làm chậm lại sự nóng lên của hành tinh chúng ta", đồng tác giả nghiên cứu, Eric Rignot nói.

Trong nhiều năm qua các nhà khoa học đã tranh cãi về việc liệu rằng khối lượng băng tại Nam Cực tan nhanh hơn hay vẫn được tích lũy bù hàng năm. Và với dữ liệu từ vệ tinh được thu thập hơn 20 năm qua đã cho chúng ta cái nhìn chính xác hơn.

Với thể tích băng đá tích tụ tại Nam Cực, nếu toàn bộ chúng tan ra có thể khiến nước trên các đại dương trên toàn cầu dâng cao lên tới 64 mét. Dù vậy, hơn 90% thể tích băng đá tại Nam Cực tập trung tại khu Đông Nam Cực và gần như ổn định trong những năm qua bất chấp nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang tăng. Việc mất hơn 3 nghìn tỉ tấn băng tại Nam Cực từ năm 1992 khiến nước biển dâng cao lên thêm 8 milimét so với trước.