Theo tạp chí Biomimetics và Bioinspiration, các nhà khoa học ở Đại học Florida Atlantic, Mỹ, đã phát triển những con robot mềm với các tua như “cánh quạt” bằng silicone mô phỏng theo cấu trúc của loài sứa Aurelia aurita. Robot có thể chui qua khe hẹp và có thể được sử dụng để quan sát các rạn san hô mà không gây thiệt hại cho các polyp san hô mảnh mai.
Các nhà phát triển tập trung không phải vào con sứa đã trưởng thành mà mô phỏng sứa ở một trong những giai đoạn ấu trùng sứa. Một robot sứa có hình dạng tương tự sở hữu phương thức di chuyển giống như cách bơi của sứa. Hai máy bơm hút nước vào thân đàn hồi của robot. Khi bụng robot đầy nước, hoạt động của máy bơm dừng lại và nước bị đẩy ra. Như vậy, robot di chuyển nhờ kết hợp một xung phản lực và cánh quạt quay.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm 5 mẫu robot sứa với thân hình có độ cứng khác nhau được thiết kế bằng phương pháp in 3D. Họ phát hiện ra rằng robot có thể lách qua các khe hẹp, nhờ vậy, rất thích hợp với việc nghiên cứu môi trường một khi được trang bị thêm bộ cảm biến và thiết bị định vị cho phép robot bơi độc lập và vượt qua các chướng ngại vật.
Erik Engeberg, một trong những người sáng tạo robot sứa ở Đại học Florida Atlantic chia sẻ rằng, nghiên cứu và giám sát các môi trường dễ bị tổn thương như rạn san hô luôn là thách thức đối với các nhà khoa học. Còn loại robot mềm do các nhà khoa học Mỹ phát triển có rất nhiều tiềm năng để trợ giúp trong công tác này.