Trong lúc Bắc Bán cầu sắp được tận hưởng tiết thu mát mẻ, thì người dân Nam Bán cầu lại đang sửa soạn đón một mùa xuân ấm áp.
Hôm 22/09/2018, vào lúc 9:54 tối (giờ Đông Bắc Mỹ, tức 01:54 giờ GMT, ngày 23/09), Mặt Trời sẽ xuất hiện trên “thiên xích đạo”, tức ở gần đường xích đạo của Trái Đất nhất và bắt đầu di chuyển về hướng Nam. Chính xác thì tại thời điểm này, cả Bắc và Nam Bán cầu sẽ nhận được một lượng ánh sáng Mặt Trời đều nhau, khiến ngày và đêm có chiều dài xấp xỉ bằng nhau trên toàn thế giới. Cũng từ đây mà thuật ngữ điểm phân (equinox) ra đời, bắt nguồn từ cụm từ trong tiếng Latin mang nghĩa “đêm bằng nhau.”
Mọi năm, thu phân thường xảy ra vào ngày 22 hoặc 23/09, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể rơi vào ngày 21 hoặc 24/09. Sở dĩ có hiện tượng này là vì độ dài của năm dương lịch (365 ngày) ngắn hơn thời gian cần thiết để Trái Đất di chuyển quanh Mặt Trời (365,25 ngày). Do đó, để bù lại sự không nhất quán này, sau khi quan sát những “năm nhuận” trong suốt 2 thiên niên kỷ qua, con người đã thêm vào lịch một “ngày nhuận” (29/02) cứ mỗi 4 năm một lần, ít nhiều giúp điều chỉnh thời điểm giao mùa cho phù hợp từ năm này sang năm khác.
Tuy nhiên, việc sáng tạo ra “năm nhuận” cũng không đảm bảo cho các ngày “điểm phân” luôn rơi vào cùng thời điểm. Trang Almanac Old Farmer lý giải: “Bởi vì trong những năm nhận, điểm phân và điểm chí vẫn có thể xảy ra với sai lệch khoảng 1 – 2 ngày, làm thời điểm bắt đầu mùa cũng thay đổi theo”. Theo timesanddate.com, lần cuối cùng thu phân rơi vào ngày 21/09 là hơn một ngàn năm trước, còn đối với 24/09 là năm 1931; Sang thế kỷ 21, chúng ta sẽ có hai ngày thu phân vào 21/09, lần đầu vào năm 2092 và tiếp đó là 2096; trong khi sẽ phải mất thêm 2 thế kỷ nữa để bắt gặp thu phân vào 24/09.
Như vậy, do thu phân năm nay không có gì quá bất thường, chúng ta có thể ngắm trăng Trung Thu vào tối thứ Hai (24/09), bên cạnh bánh kẹo và rượu vang.
Hải Đăng (Theo Live Science)