Các đại dương trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành một “không gian công nghiệp mới” với ngành công nghiệp khai khoáng biển sâu khi các công ty đang xếp hàng để khai thác kim loại và khoáng sản từ một số vùng sinh thái quan trọng bậc nhất hành tinh.
Một cánh tay robot đang lấy mẫu đá giàu khoáng sản ở sâu dưới lòng đại dương, khu vực biển Papua New Guinea. Nguồn ảnh: Nautilus Minerals.
Báo cáo mới đây của tổ chức hoạt động môi trường Greenpeace, trụ sở tại Canada, tiết lộ, có 29 giấy phép thăm dò khai thác đáy biển đã được cấp, sẽ đi vào thực hiện với tổng diện tích lớn gấp năm lần diện tích nước Anh. Các nhà môi trường cho biết việc khai thác được đề xuất sẽ không chỉ đe dọa các hệ sinh thái quan trọng mà cả cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Các giấy phép, do một cơ quan của Liên Hợp Quốc, Cơ quan quốc tế quản lý đáy biển (International Seabed Authority, ISA) cấp, đã cho phép một số quốc gia quyền khai thác ở một số khu vực biển quốc tế. Các khu vực khai thác được lựa chọn bao gồm khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, tổng cộng 1,3 triệu km2. Trong đó, Trung Quốc có nhiều nhất với 4 giấy phép được cấp trên tổng diện tích đáy biển rộng 161.000 km2, liền sau là Anh, Hàn Quốc, Nga và Đức.
Nếu việc khai thác được tiến hành, các máy móc lớn sẽ được đưa xuống đáy biển để khai thác coban, mangan và các kim loại hiếm khác. Hoạt động khai thác sẽ được giao lại cho các nhà thầu thương mại, ví dụ như Nautilus Minerals Inc (Canada), UK Seabed Resources Ltd (trực thuộc Lockheed Martin, Anh), COMRA (Trung Quốc) hay các chính phủ liên quan...
Các nhà hoạt động môi trường cho biết, việc khai thác này không chỉ phá hủy các khu vực ít được biết đến dưới đáy biển mà sẽ làm khí hậu toàn cầu thêm xấu đi khi phá vỡ các bể carbon lắng đọng trong trầm tích đáy, làm giảm khả năng lưu trữ carbon của đại dương.
Giới công nghiệp cho biết, khai thác biển sâu cho phép trích xuất các nguyên liệu cần thiết cho các ngành công nghệ mũi nhọn như pin, máy tính và điện thoại, do đó có ý nghĩa cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh. Những người cổ động cho khai khoáng biển sâu nói rằng hoạt động khai thác sẽ ít gây hại cho môi trường và công nhân hơn hầu hết các hoạt động khai thác khoáng sản hiện có.
Tuy nhiên, bản báo cáo của Greenpeace cũng cho biết: “Ngành công nghiệp khai thác biển sâu tự quảng bá đóng góp của mình cho một tương lai cắt giảm carbon, nhưng hoạt động trong các ngành năng lượng tái tạo, xe điện hoặc pin lại không cho thấy điều đó. Những lập luận như vậy đã bỏ qua lời kêu gọi chuyển từ khai thác vô tận tài nguyên sang nền kinh tế có tính chuyển đổi và tuần hoàn.”
“Sức khỏe của đại dương có liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính chúng ta. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để bảo vệ đại dương, việc khai thác dưới biển sâu có thể gây hậu quả tàn khốc cho môi trường biển và cho loài người”, Louisa Casson, một nhà hoạt động môi trường biển tại Greenpeace, cho biết.
Báo cáo chỉ ra nhiều lỗ hổng trong hệ thống quản lý của ISA, được thành lập dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, bao gồm việc thiếu chức năng bảo vệ đồng bộ môi trường biển, và thực hành quản lý giám sát thiếu tính độc lập. “Một số điều khoản cụ thể của ISA tỏ ra có định hướng khai thác nhiều hơn là bảo tồn.” Do đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ trong một năm tới phải nhất trí về một Hiệp ước Đại dương toàn cầu (Global Ocean Treaty) có giá trị ràng buộc, với sự tham vấn ý kiến các nhà khoa học, viên chức chính phủ, các nhà môi trường và đại diện của ngành công nghiệp đánh bắt cá, những người có quyền lợi và trách nhiệm cảnh báo về mối đe dọa từ việc khai thác dưới biển sâu đối với môi trường biển.