Nhân loại đã cố gắng khám phá hầu hết bề mặt thế giới, lập danh mục hầu hết các loài đang tồn tại, nhưng biển sâu vẫn còn là một bí ẩn.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa chúng ta có thể hiểu sâu hơn về đáy đại dương hơn bao giờ hết khi các nhà khoa học đã tìm cách khai quật các mẫu vật của các loài mà khoa học chưa biết đến bằng công nghệ robot.

Các nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Luân Đôn đã tìm thấy hơn 30 loài sinh vật mới có khả năng sống dưới đáy biển, trong một khu vực mà cho đến nay mới chỉ phát hiện được một lượng nhỏ thông tin địa lý sinh học.

Nguồn ảnh: NOAA

Hầu hết các loài động vật sống dưới đáy đại dương vẫn không bị con người quấy rầy vì chúng rất khó tiếp cận. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các loài mới từ đáy sâu thẳm của Vùng Clarion-Clipperton ở trung tâm Thái Bình Dương bằng một robot điều khiển từ xa. Điều này cho phép các mẫu vật được đưa lên bề mặt, giúp các nhà khoa học có thể hình dung rõ hơn về các sinh vật sống dưới đáy đại dương. Trước đây, các sinh vật từ khu vực này chỉ được nghiên cứu từ các bức ảnh.

Đáng chú ý, trong số 55 mẫu vật thu được, có 48 mẫu là các loài khác nhau. Các sinh vật trong số đó đại diện cho một phần nhỏ các loài chưa được khám phá được tìm thấy trong đại dương sâu thẳm, mà các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm hiểu.

Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khai thác dưới đáy biển sâu, khi con người ngày càng quan tâm đến việc khai thác các khoáng chất từ ​​đáy biển.

Sự đa dạng sinh học của đáy biển vẫn còn là một bí ẩn đối với khoa học, vì nhiều sinh vật nằm dưới đáy biển vẫn chưa được nghiên cứu. Và hoạt động khai thác nguy cơ cao sẽ ảnh hưởng đến nhiều sinh vật. Nhiều loài động vật được tìm thấy trong quá trình thám hiểm là động vật không xương sống ở biển và các loài san hô - mặc dù nhiều người có thể tưởng tượng đáy biển sâu là tối tăm và khá cằn cỗi, nhưng bằng chứng thực tế cho thấy những khu vực này rất đa dạng sinh học.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zookeys cho thấy có sự đa dạng loài cao, gồm nhiều sinh vật lớn, dưới đáy biển.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Guadalupe Bribiesca-Contreras từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết: “Nghiên cứu này quan trọng không chỉ do số lượng các loài có thể là loài mới vừa được phát hiện, mà bởi vì những mẫu vật này trước đây chỉ được nghiên cứu từ các hình ảnh dưới đáy biển.”

“Nếu không có các mẫu vật và dữ liệu DNA từ chúng, chúng tôi không thể xác định chính xác các loài động vật và không biết được có bao nhiêu loài khác nhau”.

Khu vực tìm thấy các loài này rất đa dạng về mặt địa lý, vì vậy có thể có nhiều loại động vật khác nhau sống trong các ngóc ngách dưới lòng đại dương.

Cụ thể, 36 mẫu vật được tìm thấy ở độ sâu hơn 4.800m, 2 mẫu vật được thu thập ở một sườn dốc ở độ sâu 4.125m và 17 mẫu vật ở độ sâu từ 3.095 đến 3.562m.

Các động vật được tìm thấy bao gồm giun phân đoạn, động vật không xương sống cùng họ với rết, động vật biển cùng họ như sứa và các loại san hô khác nhau.

Tiến sĩ Adrian Glover, người đứng đầu nhóm nghiên cứu biển sâu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nói thêm: “Chúng tôi biết rằng các loài động vật có kích thước milimet, được gọi là macrofauna, rất đa dạng dưới đáy biển sâu.”

“Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ thực sự có nhiều thông tin về những loài động vật lớn hơn, gọi là megafauna, vì rất ít mẫu được thu thập. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng nhóm này cũng rất đa dạng.”

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/jul/26/scientists-find-30-potential-new-species-at-bottom-of-ocean-using-robots