Các nhà nghiên cứu đã có một khám phá đáng ngạc nhiên về thói quen ăn uống của cá nhám voi, mang lại cho loài cá lớn nhất vùng biển một danh hiệu thế giới khác.

Ngoài ăn thịt, hóa ra những con cá nhám voi khổng lồ dưới đại dương cũng thường xuyên thưởng thức món salad rong biển cùng với sự trợ giúp đắc lực của loài nhuyễn thể. Do đó, loài này chính thức truất ngôi loài gấu Kodiak và trở thành loài động vật ăn tạp lớn nhất thế giới.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra điều này khi đang nghiên cứu cá nhám voi ngoài khơi rạn san hô Ningaloo ở Tây Úc và cho biết phát hiện này là lý do để suy nghĩ lại về những gì thực sự đang giúp duy trì cuộc sống của loài siêu lớn này.

Hình minh họa. Nguồn:Simon J Pierce/PA

Tiến sĩ Mark Meekan, nhà sinh vật học về cá từ Viện Khoa học Biển Australia, cho biết: “Mọi thứ chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã biết có thể không thực sự là sự thật.”

“Chúng tôi đã thấy cá nhám voi đến Ningaloo và chúng tôi đã thấy chúng ăn nhuyễn thể,” Meekan nói.

“Nhưng với các phương pháp tinh vi xem xét vi hóa học của những loài động vật này, câu chuyện này trở nên phức tạp hơn rất nhiều.”

Các nhà khoa học đã phân tích kỹ lưỡng các nguồn thức ăn có thể có trong khu vực, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến rong biển lớn, để tìm axit amin và axit béo.

Sau đó, họ xem xét những gì có trong các mẫu da của cá nhám voi.

“Nghiên cứu này cho thấy chúng đang ăn khá nhiều nguyên liệu thực vật, trên thực tế nhiều hơn là nhuyễn thể,” Meekan nói.

Ông cho rằng kích thước của cá mập voi đã thúc đẩy một phản ứng tiến hóa nhằm biến những thứ vô tình vướng vào chúng trên đường di chuyển - chẳng hạn như rong biển sargassum nâu phổ biến ở Ningaloo - thành thức ăn.

“Cá nhám voi phải tốn rất nhiều năng lượng để vừa mở miệng vừa bơi, vì miệng chúng mở ra như một tấm lưới khổng lồ cản nước. Khi cá nhám voi có một ruột đầy thức ăn nhưng cũng có rất nhiều tảo lẫn trong đó, chúng sẽ phải làm gì? Chúng có nên nôn hết tảo ra không? Nôn rất tốn năng lượng, và rất lãng phí vì cá nhám voi đã phải dành rất nhiều năng lượng này để thu thập đồ ăn,” Meekan giải thích cụ thể về giả thuyết của mình.

“Vì thế cá mập voi tiến hóa để có thể tiêu hóa rong biển. Chúng đã biến phụ phẩm thành một phần trong chế độ ăn uống của mình.”

Một phần khác của nghiên cứu liên quan đến việc thu thập và kiểm tra phân của cá nhám voi, với kết quả cho thấy chúng chắc chắn đã ăn nhuyễn thể - nhưng không chuyển hóa nhiều. “Chúng tiêu hóa nhuyễn thể kém hiệu quả hơn rất nhiều so với ước tính, nếu thực sự chúng tiến hóa chỉ để ăn nhuyễn thể,” Meekan nói. Vì thế giả thuyết ăn tảo càng vững chắc hơn.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Ecology.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/jul/25/whale-sharks-become-worlds-biggest-omnivores-study-finds