Nhân 60 năm ngành KH&CN Việt Nam, TT Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức trưng bày “Chuyện nghề địa chất”. Cuộc trưng bày không có tham vọng thống kê, phân tích những đóng góp của ngành địa chất mà chỉ muốn làm cầu nối để những người trong cuộc– những nhà địa chất kể lại những câu chuyện rất đời thường, rất đỗi giản dị của cuộc đời làm nghề
GS Nguyễn Văn Chiển cùng đồng nghiệp và học trò khảo sát tại Dinh Chùa Lạng Sơn 1962.
Thông qua ký ức của những người trong cuộc và những tài liệu, hiện vật, đã dần hiện lên một bức tranh, tuy không đầy đủ, nhưng cũng giúp chúng ta hình dung được phần nào chuyện đời, chuyện nghề của những nhà địa chất. Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã thực hiện biết bao công trình nghiên cứu cơ bản, điều tra lập bản đồ, thăm dò, đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí... Mỗi phát hiện đó, dù ở những chuyên ngành địa chất khác nhau như địa mạo, trầm tích, thạch học, cấu trúc…, đều là kết quả của những hành trình gian nan, đổ nhiều mồ hôi, công sức cùng sự hi sinh thầm lặng mà người ngoài cuộc không thể biết hết. “Chúng tôi ăn rừng” - cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học trên toàn thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng, là kết quả nghiên cứu sau nhiều năm của nhà dân tộc học Georges Condominas. Chúng tôi ăn rừng – như nghĩa đen của nó, có lẽ cũng rất phù hợp khi dùng để nói đến công việc của các nhà địa chất Việt Nam. Bước chân của họ in dấu khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ núi rừng đến biển đảo. Hành trang trong ba lô mỗi chuyến thực địa là búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn… Tình yêu nghề và khát khao cống hiến giúp nhà địa chất khắc phục khó khăn, chịu đựng vất vả, vượt qua mọi trở ngại, kể cả hiểm nguy, để khảo sát và tìm kiếm những điều bí ẩn, dù lộ thiên hay dưới lòng đất. Mỗi mẫu đất đá thu được, mỗi dữ liệu cho tờ bản đồ sẽ hình thành đều là kết quả của quá trình lao động khoa học công phu và cũng là niềm hạnh phúc của họ.
Từ sau năm 1954 đến 1975, song song với quá trình đào tạo, tự đào tạo, các nhà địa chất Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc tìm kiếm khoáng sản, phục vụ cho yêu cầu xây dựng đất nước, lập một số tờ bản đồ quan trọng, tiêu biểu là Bản đồ địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000, một số tờ bản đồ địa chất tỉ lệ 1/200.000 như tờ Vạn Yên, Quỳ Châu… Kể từ năm 1973, khi đất nước còn chưa thống nhất, các nhà địa chất đã xung phong Nam tiến để khảo sát, nghiên cứu… mặc cho những hiểm nguy có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Một số người đã ngã xuống, không bao giờ được hưởng thành quả do mình dầy công tạo nên.
GS.TSKH Tống Duy Thanh mô tả những người trong nghề của mình: “Đặc điểm dễ nhận biết của anh làm địa chất là ăn chắc mặc bền, quần áo nhếch nhác, luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập”. Để có được những mẫu đá, mẫu quặng, họ phải vượt qua rất nhiều hiểm nguy. Mỗi chuyến thực địa luôn chứa đựng những bất ngờ: “Chúng tôi không nghĩ suối Nậm Mức dữ tợn đến vậy! Để đi khảo sát, chúng tôi đóng bè bằng cây luồng, qua mỗi con thác phải tháo rời bè, thả trôi, sau đó vớt rồi đóng lại. Nhiều lần cây luồng bị mắc kẹt, chúng tôi phải tìm cách đẩy ra giữa dòng cho trôi xuống. Có lần, tôi bị thác nước nhấn chìm, cố mãi mới ngoi lên được, cả đoàn tưởng tôi chết đuối”1.
“Chuyện nghề địa chất” là nỗ lực gom góp, sưu tầm trong gần 10 năm những thông tin, kỷ vật của các nhà nghiên cứu ngành địa chất.
Đói, rét, vật vạ ngủ ở bìa rừng, bờ suối là chuyện thường xuyên như cơm bữa đối với các nhà địa chất. Bởi thế, PGS.TS Huỳnh Trung mới phải thốt lên rằng: “Đi thực địa đói lắm, chúng tôi chỉ mang gạo và cá khô. Có lần tới nhà dân mua được vài cân thịt, xiên vào cành cây rồi vác trên lưng đi trong rừng. Lúc dừng lại nấu ăn thì… ôi thôi, miếng thịt “bay” từ lúc nào, chắc là mắc lại trên cành cây nào đó mà cả nhóm không biết!”2.
Vẫn là những lộ trình gian nan, đói rét nhưng cũng rất hài hước khi được nghe KS Nguyễn Xuân Bao kể về một lộ trình ở miền núi phía Bắc, năm 1962: “Có đoạn gặp mưa, lũ lên, tối không có chỗ mà nằm dọc bờ suối. Gạo, chăn màn, ướt sũng. Qua bản người Xá, bước lên bờ anh nào cũng run cầm cập. Đồng bào ở đó đốt lửa hơ cho ấm, cho áo quần mới, cho ăn xôi, thịt và uống rượu vui vẻ. Sáng hôm sau lại đi tiếp. Đến chiều gặp xuồng cao su của Đặng Vũ Khúc và Bùi Phú Mỹ cũng đang khảo sát một lộ trình. Nước rút xuống, đá lòi ra, xuồng của ông Mỹ lao vào đá, văng ông Khúc xuống nước. Ông Khúc trôi dập dềnh giữa suối kêu với lên: đồng chí Bao ơi. May mà thoát chết”3.
Ốc sên, rau, măng rừng là những món đặc sản đối với mỗi nhà địa chất. PGS.TS Nguyễn Thế Thôn còn nhớ như in khung cảnh một buổi chiều tháng 7-1962: “Một buổi chiều tháng 7-1962, chúng tôi đang khảo sát ở xã Mường Do, Phù Yên, Sơn La thì gặp mưa. Chiếc la bàn duy nhất bị rơi xuống nước nên không định được phương hướng, cả nhóm đành hạ trại ngủ trong rừng. Mọi người chặt cành cây và lấy lá mây lợp mái, kết hợp với mấy cái áo mưa cho khỏi bị dột. Tôi tìm bắt những con ốc sên về nướng, khi nước trong vỏ ốc cạn là lúc ốc chín. Món ốc sên nướng ăn vừa dai vừa bùi, đến giờ tôi vẫn nhớ mùi vị đó”4.
Gian nan là thế, đói là vậy nhưng họ vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu đời. Họ vẫn làm thơ với những ngôn từ giàu hình ảnh, mộc mạc gần gũi. Trong bài “Địa chất diễn ca”, TS Phạm Văn Quang đã khái quát tâm trạng chung của những người làm nghề này: “Khi thì cuốc bộ tung hoành/ Lúc thì lội suối vịn cành cây cao/ Mặc cho lũ vắt bám vào/ Mặc cho máu chảy không ngao ngán lòng”. Bước vào nghề, họ luôn sẵn sàng tâm thế cho một cuộc đời đầy thách thức, chông gai. Dường như ai cũng có cùng suy nghĩ với những vần thơ của GS.TS Trần Nghi trong bài “Thư gửi mẹ”: “Làm địa chất phải vượt núi băng sông/ Đầu đội rừng chân đạp mòn sỏi đá/ Lòng đất này là của con tất cả/ Cuộc hành trình xuyên đá mà đi...”.
Cũng có những sự việc xảy ra trong những chuyến thực địa làm cho các nhà địa chất tưởng chừng phải bỏ dở đề tài hoặc bỏ nghề. GS.TSKH Lê Đức An kể: “Một lần đi khảo sát vùng Sơn Hải, Ninh Thuận đang lấy mẫu, ghi chép bỗng nhiên thấy xung quanh súng bắn rất gần chát chúa như pháo nổ ran. Bọn mình không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vội ngồi sụp cả xuống. Một lúc sau thấy rất đông người xô đến bao vây, hóa ra là dân quân tự vệ của xã. Hỏi ra thì được biết họ nghi đội của mình vượt biên trái phép. Sau chuyện này, mình chán nản quá, định kết thúc, về nghỉ luôn, không làm tiếp nữa! Nhưng những điều kỳ thú về địa mạo-địa chất đệ tứ của vùng cát Thuận Hải đã lại thôi thúc bọn mình bước tiếp, đặc biệt là vấn đề về nguồn gốc sinh thành của các loại cát và sự tạo ra màu sắc của chúng.
GS.TSKH Lê Đức An đứng giữa cùng đồng nghiệp khảo sát tại Tây Nguyên 1976.
Khảo sát lấy mẫu cổ từ tại núi Trầm Tích, Đồ Sơn, Hải Phòng 1992.
Quả thực không ở một nơi nào trên thế giới mà những nhà địa chất khi đi thực địa cũng giống như ra trận. Mỗi lần đi, mỗi lần hiểm nguy, nhất là trong những đợt khảo sát ở miền Nam khi đất nước chưa thống nhất. Bởi thế nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao mới đúc rút thành những câu thơ rất hình tượng: “Lưng giắt súng lục, địa bàn/ Tay cầm chắc búa, gian nan sá gì”.
Không phải kết quả nghiên cứu nào cũng được công bố rộng rãi và ghi nhận. Suốt trong những năm 1976-1980, GS.TSKH Lê Đức An và đồng nghiệp đã vào Nam, ra Bắc không biết bao nhiêu lần đề thực hiện việc vẽ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000. Tờ bản đồ được hiệu đính, hoàn thành vào năm 1982, nhưng vào thời điểm ấy kinh tế nước ta quá khó khăn nên không có đủ kinh phí để xuất bản tờ bản đồ này. Ông tâm sự: “Để hoàn thành tờ bản đồ này, nói là máu và nước mắt thì là nói quá, nhưng mỗi nét vẽ là mỗi giọt mồ hôi mà chúng tôi đã nhỏ xuống”. Không chỉ một lần, GS Lê Đức An khẳng định rằng công trình “Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” là công trình tâm đắc nhất và là đóng góp lớn nhất của ông cho ngành địa lý - địa chất Việt Nam. Ông chỉ tiếc một điều, do khi đó thiếu kinh phí nó không được in ra để phổ biến rộng rãi. Dẫu vậy, sau này, nó cũng được sử dụng trong tập Atlas Quốc gia Việt Nam.
Sau cùng và hơn hết, chuyện nghề địa chất được kể bởi chính những hiện vật tưởng chừng vô tri như chiếc búa, địa bàn, kính hiển vi, dây đo, nhật ký… và bằng ký ức của người trong cuộc. Bản thân mỗi ký ức, mỗi hiện vật, mỗi bản viết tay đã tự vẽ lên câu chuyện của riêng mình, viết lên câu chuyện lịch sử trong lĩnh vực của mình. Qua đó, chúng ta có thể hiểu về chuyện nghề của những nhà địa chất, hiểu những giá trị của quá khứ, của những người làm khoa học chân chính.
Chú thích:
1. Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Tống Duy Thanh, 5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
2. Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Trung, 5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
3. Tài liệu ghi âm phỏng vấn AHLĐ Nguyễn Xuân Bao, 5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
4. Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 11-1-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.