Số cơn bão đã tăng mạnh trong 30 năm qua, do biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu mới được công bố.
Theo Guardian, nghiên cứu mới này làm gia tăng lo ngại rằng khi Trái đất nóng hơn, các hiện tượng thiên nhiên cực đoan như bão và lũ lụt có thể trở nên thường xuyên hơn và tàn phá hơn.
Theo nghiên cứu được ghi lại dựa vào dữ liệu từ 31 vệ tinh và hơn 80 phao đại dương được thu thập từ năm 1985 đến 2018 thì chiều cao của các cơn sóng trên đại dương và tốc độ gió trung bình đã tăng lên trên toàn cầu.
Những cơn gió mạnh ở Nam Đại Dương đã tăng 1,5 m/s, tương đương 8%, trong 30 năm qua, trong khi những con sóng cao nhất đã cao thêm 30 cm, tương đương 5%. Sức gió mạnh nhất ở xích đạo Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và Bắc Đại Tây Dương tăng khoảng 0,6 m/s.
"Dù mức tăng 5 và 8% có vẻ không nhiều, nhưng nếu duy trì như vậy trong tương lai thì những thay đổi như vậy đối với khí hậu của chúng ta sẽ có tác động lớn", Giáo sư Ian Young, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Melbourne cho biết.
Giáo sư Young nói rằng việc tăng chiều cao sóng có thể dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn và xói mòn bờ biển và khiến các công trình ngoài khơi như Nhà máy điện gió đứng trước nguy cơ bị phá hủy.
Các nhà nghiên cứu cho biết các quan sát phù hợp với dự đoán các mô hình khí hậu và từ các ghi chép lịch sử cho thấy khi Trái đất trở nên nóng hơn, thời tiết và bão trở nên cực đoan hơn, dù mối quan hệ này rất phức tạp và không được hiểu đầy đủ.
Nghiên cứu mới này được đăng tải trên tạp chí khoa học Science, là cập nhật thông số của cùng một nghiên cứu được công bố cách đây 10 năm. Theo các nhà khoa học, việc nhiều công nghệ mới giúp họ thu thập dữ liệu tốt hơn và giảm sai số trong các báo cáo của mình.
Những phát hiện cũng cho thấy các điều kiện ở Nam Đại Dương đang trở nên nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động trong khu vực này. Theo Giáo sư Young, những cơn bão dữ dội bao quanh Nam Đại Dương cũng có thể tạo ra những cơn sóng đại dương lớn hơn lan truyền khắp Ấn Độ, Thái Bình Dương và Nam Đại Tây Dương.
Theo Motthegioi