Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bangor (xứ Wales, Anh) cho rằng một loạt các văn bản có niên đại 2.200 năm được viết trên lụa chôn trong một khu mộ cổ của Trung Quốc chính là tập bản đồ về giải phẫu học lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.

Hệ thống văn bản này được phát hiện vào thập niên 1970 trong các ngôi mộ thuộc khu mộ Mã Vương Đôi ở vùng Nam-Trung Trung Quốc .Các ngôi mộ tại đây thuộc về Hầu tước Đại, tên thật là Lý Cương, cùng với phu nhân và con trai. Nội dung của các văn bản rất khó hiểu và sử dụng thuật ngữ "kinh tuyến" để chỉ các bộ phận của cơ thể con người.

Ví dụ, bản dịch văn bản này nói rằng một “kinh tuyến” bắt đầu từ chính giữa lòng bàn tay, đi dọc theo cẳng tay giữa hai xương thẳng dọc theo các dây chằng, đi xuống dưới gân vào bắp tay, đến nách và kết nối với tim. Các nhà khoa học cho rằng “kinh tuyến” này chính là đường đi của động mạch trụ - mạch máu chính trong cẳng tay.

Mặc dù thi thể người và di cốt của tổ tiên vốn được coi là thiêng liêng ở Trung Quốc cổ đại, song hài cốt của những kẻ vi phạm pháp luật thì không như vậy. Nhóm nghiên cứu tin rằng các nhà nghiên cứu y học Trung Quốc cổ đại đã mổ xẻ thi thể của các tù nhân để hiểu về giải phẫu con người. Ví dụ, Hán Thư, cuốn sách về lịch sử nhà Hán, đã ghi lại cuộc mổ xẻ tội phạm Vương Tôn Thanh vào năm 16 sau Công nguyên.

Cho đến nay, tập bản đồ giải phẫu cơ thể người lâu đời nhất được biết đến được cho là bắt nguồn từ Hy Lạp, do các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại như Herophilus (335–280 TCN) và Erasistratus (304-250 TCN) thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản này đều đã mất tích và chỉ được nhắc tới qua ngòi bút của các tác giả cổ đại khác.

Do đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng các các văn bản tiếng Trung này chính là tập bản đồ giải phẫu cổ xưa nhất còn sót lại, dùng để mô tả súc tích về cơ thể con người cho các học sinh và thầy thuốc Trung Quốc cổ đại.

Hình ảnh văn bản cổ. Nguồn: © The History Collection / Alamy Stock Photo.

Hình ảnh một phần của khu mộ. Nguồn: Shutterstock

Nguồn:https://www.livescience.com/oldest-known-human-atlas-china.html