Vũ Hán đang là tâm điểm chú ý khi dịch viêm phổi bởi virus corona bùng phát, khiến thành phố bị cô lập với thế giới và phần còn lại của Trung Quốc. Trước đó, nơi này đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng và một tương lai đầy hứa hẹn.
Nằm ở ngã ba sông Dương Tử và sông Hán Thủy, Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, thành phố đông dân nhất ở miền Trung Trung Quốc (11 triệu dân), thứ bảy trên cả nước, và nằm trong nhóm 9 đô thị trọng điểm quốc gia cùng với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Châu, Hàng Châu, Thành Đô, Tây An.
Nếu so sánh Vũ Hán với một thành phố nào đó của Mỹ thì đó phải là Pittsburgh (thuộc tiểu bang Pennsylvania, từng là trung tâm luyện thép lớn nhất nước Mỹ), mặc dù dân số Vũ Hán lớn hơn nhiều (gấp 36 lần) và khí hậu cũng vô cùng khắc nghiệt (vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến hơn 40 độ C, bên cạnh độ ẩm cao). Nhiệt can miến (热干面 tức mì khô nóng), một loại mì cay là món ăn truyền thống của nơi này, và cũng rất được yêu thích ở nhiều vùng khác của Trung Quốc.
Nhờ vào vị trí đắc địa, Vũ Hán từ lâu đã là một đầu mối vận tải, trung tâm thương mại và công nghiệp quan trọng của cả nước Trung Quốc. Thành phố được xem là biểu tượng cho sự trở mình mạnh mẽ của quốc gia tỷ dân, từ nghèo đói lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp. Không ít người còn ví Vũ Hán giống như “Chicago của Trung Quốc”, tuy chưa thể phát triển bằng.
Hơn ba thập niên tăng trưởng nhanh chóng đã làm biến đổi hoàn toàn diện mạo nơi đây. Trong giai đoạn 2002 – 2018, GDP bình quân đầu người của Vũ Hán đã tăng gấp 6 lần, đạt gần 20.000 USD (GDP danh nghĩa) và 40.000 USD (GDP tính theo mãi lực). Thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (gần 6000 doanh nghiệp tới từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm ăn tại đây). Chẳng hạn, khoảng 1/3 vốn đầu tư của Pháp tại Trung Quốc là đổ vào Vũ Hán, trong đó có những tên tuổi lớn như Renault và PSA Group (ô-tô). Đây là nơi đặt bản doanh của các công ty chế tạo xe hơi lớn, chuyên sản xuất cho General Motors, Nissan, Honda và nhiều thương hiệu khác. Tập đoàn Đông Phong (Dongfeng Motor Group), niềm tự hào của ngành công nghiệp ô-tô Trung Quốc (ra đời do ý muốn của Mao Trạch Đông) cũng có trụ sở tại Vũ Hán.
Ngoài ra, Vũ Hán còn là một trung tâm giáo dục, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Hơn 35 trường đại học, cao đẳng và học viện tại đây đang thu hút khoảng 1 triệu sinh viên, trong đó nổi tiếng nhất là Đại học Vũ Hán và Học viện Khoa học Công nghệ Hoa Trung. Chưa hết, với 350 cơ sở nghiên cứu, 3 trung tâm R&D trọng điểm quốc gia, 4 khu công viên khoa học công nghệ, vô số vườn ươm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, gần 1500 công ty công nghệ cao, hơn 400 ngàn chuyên gia, Vũ Hán tự hào được xếp trong top 3 về khoa học công nghệ ở Trung Quốc, sánh cùng Bắc Kinh và Thượng Hải. (Lấy ví dụ: Hệ điều hành Deepin Linux của Trung Quốc là do Công ty Wuhan Deepin Technology Co., Ltd. tại Vũ Hán phát triển).
Do chính quyền Trung Quốc đặc biệt coi trọng hình ảnh của Vũ Hán, thành phố đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 4/2018. Cánh phóng viên khi ấy đã ghi lại hình ảnh lãnh đạo của hai cường quốc mới nổi đông dân nhất thế giới cùng nhau dạo bước dọc bờ Đông Hồ; và truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi đó là “tinh thần Vũ Hán”.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Vũ Hán bùng nổ cũng kéo theo không ít vấn đề, nhất là tình trạng ô nhiễm không khí vô cùng nghiêm trọng. Một số cuộc biểu tình của những nhóm hành động vì môi trường đã nổ ra, bất chấp sự kiểm soát “gắt gao” của chính quyền. Ngoài ra, giao thông ở đây cũng khá tệ và đường phố thường xuyên gặp cảnh tắc nghẽn. Chưa hết, ngành công nghiệp thép từng một thời thịnh vượng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dư thừa sản lượng, đồng thời còn là tác nhân gây ô nhiễm. Do thua lỗ, Tập đoàn thép Vũ Hán (Wu Han Steel) do nhà nước sở hữu đã phải chịu sáp nhập với một công ty khác, …
Trong lịch sử, Vũ Hán là nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa Vũ Xương (10/10/1911), dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Mãn Thanh, và khai sinh nhà nước cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc. Trong thập niên 1920, chính phủ cực tả do Uông Tinh Vệ lãnh đạo đã chọn Vũ Hán làm cứ điểm để chống lại Tưởng Giới Thạch (năm 1927, Tưởng Giới Thạch đẩy mạnh đàn áp, thanh trừng phe tả trong hàng ngũ Quốc dân Đảng, những người chủ trương hợp tác với phe Cộng sản). Về sau, Uông Tinh Vệ bị cả Quốc dân Đảng lẫn Đảng Cộng sản gọi là Hán gian vì đi theo Nhật Bản. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật (1937 – 1945), nơi này lại một lần nữa được chọn làm thủ đô lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc.
Vũ Hán còn gắn với những ký ức không thể phai mờ trong tâm trí Mao Trạch Đông. Năm 1966, ông này đã bơi một quãng dài cả km trên sông Dương Tử để chứng tỏ với quần chúng rằng mình vẫn còn khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Đây cũng là một trong những nơi đầu tiên tại Trung Quốc thí điểm các chính sách của cuộc Đại Cách mạng văn hóa, để lại nhiều ảnh hưởng và di chứng mãi đến tận hôm nay.
Cùng với sự cất cánh của Trung Quốc trong kỷ nguyên hiện đại, các lãnh đạo trung ương lẫn địa phương đã không ngừng cố gắng đánh bóng hình ảnh Vũ Hán như là một biểu tượng của cú chuyển mình vĩ đại. Họ đã phát minh, phổ biến và quán triệt những câu khẩu hiệu kiểu như: “Dương Tử vĩ đại, Đông Hồ vĩ đại, Vũ Hán vĩ đại”; “Vũ Hán, thành phố đáng sống, thủ phủ bên bờ sông Dương Tử”; hay “một Vũ Hán đang đổi thay mỗi ngày”, …
Nhưng hình ảnh ấy giờ đây lại đang bị tổn hại bởi một con virus mang tên corona!