Tĩnh lặng đang ngấm ngầm vẫy gọi chúng ta, đặc biệt thị dân, khi phố xá ô nhiễm không chỉ không khí mà còn ô nhiễm âm thanh.

Thưởng trà trong tĩnh lặng tại quán Reaching Out. Ảnh: MAT
Thưởng trà trong tĩnh lặng tại quán Reaching Out. Ảnh: MAT

Khi viết những dòng này, tôi vẫn mường tượng rất rõ dòng chữ ấy, được viết bằng tiếng Anh (The beauty of silence) trên tấm gỗ nhỏ treo khiêm tốn ở tường nhà, nơi ánh sáng hắt từ bóng đèn cỡ nhỏ chỉ vừa đủ xua đi chút mờ tối của những vật dụng nội thất màu nâu trầm xưa cũ. Tất cả đều thinh lặng và tưởng như có thể với tay thu hết làn gió ngăn ngắt xanh của cây khế cũng trầm ngâm tỏa bóng giữa sân vườn thiêm thiếp sỏi đá.

Đấy là một ngôi nhà cổ như hàng trăm ngôi nhà cổ khác ở Hội An. Hội An vào mùa hè óng ả nắng vàng và sặc sỡ đỏ thắm hay hồng phai của hoa giấy, hoa sử quân tử. Phố xá nhộn nhịp, xúng xính váy áo. Nhưng phía trong ngôi nhà đó, chỉ cách bậc thềm vài bước chân và ngạch cửa cao chưa đến đầu gối, là khoảng không gian yên ắng, tĩnh lặng. Chẳng phải không có người. Ngược lại, khá đông người song ai nấy, hình như đều biết rõ, tự thích nghi nhanh chóng với một nơi chốn không cần quá nhiều âm thanh lời nói. Thay vì cười nói rộn ràng, họ ưa nhìn ngắm nhau, mắt đối mắt, mặt kề mặt, những thanh âm cũng trở nên khẽ khàng hơn. Trên chiếc bàn kiểu dáng hoài cổ, những tách trà, café thanh thoát mùi vị lẫn trong màu thời gian chầm chậm trôi trên hoành phi câu đối chữ Hán. Nếu không biết trước đó là một quán café và trà, rất có thể tôi sẽ liên tưởng đến bên trong giáo đường nhỏ xinh ở quê tôi hay những tịnh thất, tịnh đường ở nhiều Thiền viện trên đất Bắc mà tôi từng thân thuộc.

Lần đầu bước vào, theo thói quen, tôi đã gọi nhân viên cho mình cốc café. Một nữ nhân viên trẻ, vận áo dài thêu hoa khá phổ biến ở Hội An, mang cho tôi thực đơn đồ uống và hướng dẫn tôi lựa chọn. Bạn ấy không nói gì, chỉ sử dụng ngôn ngữ kí hiệu, đôi tay chỉ vào tôi rồi chỉ vào từng mẩu giấy ghi loại café. Sau vài phút bỡ ngỡ, tôi bắt đầu nhận ra điều khác biệt ở đây: các bạn nhân viên là người khiếm thính và du khách chỉ có thể “gọi” đồ uống bằng cách chọn ra mẩu giấy ghi loại đồ uống ưng ý. Chỉ chừng năm phút, tôi đã có cốc café của mình. Từ cốc, khay đựng bằng đồng cho đến đĩa sứ đựng bánh ngọt và tấm khăn voan trải bàn đều được bài trí tinh tế, đẹp mắt, ít mà nhã, đạm mà thanh, thưa mà đủ đầy.

Từ khoảnh khắc nhận đồ uống, tâm trí tôi quá đỗi ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi thưởng thức café trong một ngôi nhà thực sự cổ kính mà chỉ ngước mắt là chạm vào hương án chẳng biết bao đời đã trú ngụ ở đây. Cũng không ngạc nhiên sao được khi những bạn khiếm thính lại có thể “giao tiếp” thanh lịch và dễ dàng đến thế với khách nội lẫn quốc tế . Và, sâu đậm để rồi thành điều vướng víu tôi suốt non hai năm qua là ý niệm về sự im lặng, thinh lặng như một vẻ đẹp riêng, điều mà các bạn khiếm thính, hẳn không phải vì thấy mình thua thiệt nên mới nghĩ ngợi, mà chắc chắn vì chúng ta, những người bình thường ăn to nói lớn thấy cần phải ứng xử khác đi trước một đời sống quá ồn ã với nhiều tạp âm xô bồ này.

“Hòa nhập” (Reaching Out), tên của quán trà-café đó, được khởi dựng từ năm 2000 với mục đích giới thiệu những hương vị trà, café thuần khiết bản địa dành cho du khách Hội An. Bản thân tên gọi “Hòa nhập” đã nhấn mạnh tinh thần không tách biệt của những người khiếm thính. Họ vẫn có mặt, “hòa nhập” cộng đồng với tất thảy năng lực làm việc và sáng tạo như bao người bình thường.

Cách bài trí ở quán Reaching Out. Ảnh: MAT
Cách bài trí ở quán Reaching Out. Ảnh: MAT

Bên cạnh trà, café, Reaching Out cũng bán các đồ thủ công mỹ nghệ rất khéo léo, xinh xắn. Thần thái của những cốc sành, bát sứ, ấm men ngọc, men rạn, hay gốm hoa lam nói lên độ tài hoa, tỉ mỉ của những người khiếm thính. Chúng dường như cũng mang trong mình vẻ đẹp của sự tĩnh lặng tuyệt đối, không phô phang và yếu đuối, mà cương nghị hiện hữu dưới dáng vẻ khiêm cung. Reaching Out là ước nguyện song phải nói thêm rằng, đó không hề là lời cầu xin, chờ đợi lòng thương cảm. Không phải ngẫu nhiên mà Reaching Out liên tục được bình chọn là hàng quán được yêu thích nhất ở Hội An.

Tạo việc làm cho người khiếm thính, dĩ nhiên, là điều đẹp đẽ. Và đẹp hơn là khi họ được thể hiện mình, được cất tiếng đối thoại với xung quanh bằng cảm quan thẩm mĩ và thậm chí là triết lí sống của họ. Tôi chợt nhớ đến cửa hàng thời trang Chula ở Hà Nội với đa phần thợ may cũng là người khiếm thính. Khi quan sát họ, nhất là lúc họ qua đường, họ chờ đợi nhau tan giờ làm, họ tay xách nách mang đồ đạc để về nấu bữa cơm tối, tôi nhận ra những khí chất sống và ước mơ rất mạnh mẽ của họ. Còn khi quan sát đường nét hoa văn trên các sản phẩm của Chula, tôi tin bất kì ai cũng đều thán phục vì độ tỉ mỉ, khéo tay và óc thẩm mĩ độc đáo. Điều đó giúp chúng ta nghĩ đến sự lạc quan, tươi tắn và cả những nỗ lực miệt mài của những người vốn bị tạo hóa gây khó dễ đủ đường. Trong khi giải quyết công ăn việc làm cho người khuyết tật đang là một vấn đề lớn đối với Việt Nam (theo Tổng cục Thống kê và UNICEF, đến đầu năm 2019, nước ta có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật) thì mô hình hoạt động của Reaching Out hay Chula, có thể nói, là những thành công tạo cảm hứng lớn.

Đồ thủ công mỹ nghệ do những người khiếm thính làm ra. Ảnh: MAT
Đồ thủ công mỹ nghệ do những người khiếm thính làm ra. Ảnh: MAT

Nhưng với tôi, Reaching Out còn mãi ấn tượng vì thông điệp về sự tĩnh lặng. Vẻ giản dị trong câu nói có thể ngẫu nhiên ấy khiến tôi chú tâm hơn vào niềm hạnh phúc của thực tế rằng ngày càng có nhiều người muốn đi tìm, thụ hưởng một thế giới thinh lặng, yên ắng và nguyên khiết vô ngôn. Ở đó, khi mỗi người được lặng im, được chìm đắm trong nội tại của chính mình, có thể họ sẽ bớt đi ưu phiền và bất an đến từ đời sống bên ngoài. Ở đó, thay vì phải phân trần với những lời ong tiếng ve, mỗi người chỉ cần thấu cảm về nhau nhờ tịnh tâm, lắng nghe tha nhân trong những điều mà bản thân cho rằng bất đồng, đối nghịch. Giữ cho thân tâm không bị cuốn theo sân si của lời thiên hạ và cũng giữ gìn khẩu ý thanh tịnh từng giây phút, có lẽ, là con đường tu học không dễ dàng chút nào.


Tạo việc làm cho người khiếm thính, dĩ nhiên, là điều đẹp đẽ. Và đẹp hơn là khi họ được thể hiện mình, được cất tiếng đối thoại với xung quanh bằng cảm quan thẩm mĩ và thậm chí là triết lí sống của họ.


Tôi biết, tĩnh lặng đang ngấm ngầm vẫy gọi chúng ta, đặc biệt thị dân, khi phố xá ô nhiễm không chỉ không khí mà còn ô nhiễm âm thanh. Tập trở lại thiên nhiên, tập ngắm bầu trời, cây cối, dòng sông, ngọn núi và đất đai - đấy là lúc chúng ta sơ ngộ những gì sâu xa nhất của sự sống vĩnh hằng thường thinh lặng, nhường mọi đao to búa lớn cho nhân gian cuống cuồng phô diễn. Sự tĩnh lặng của một ngọn cỏ cành cây có thể làm chúng ta thư thái, trả chúng ta về với nguồn năng lượng nguyên sơ bởi không gì khó và cũng không gì sâu sắc hơn việc thấu nhận những vô âm của thiên nhiên.

Đáng tiếc, đang có quá nhiều phô diễn, lời qua tiếng lại và cả khẩu chiến trong xã hội hôm nay. Một thời đại được cá nhân hóa tối đa trên mạng xã hội cũng là nguyên cớ để ai nấy đều muốn mình được chú ý, được thừa nhận. Không kể vấn đề cá nhân, nhiều chuyện quốc gia đại sự, nhiều nan giải kinh tế xã hội, nhiều thách đố khoa học,… được cộng đồng mạng “giải quyết” ngon ơ chỉ bằng vài dòng viết ngắn! Mất kiên nhẫn, mất trạng thái tĩnh lặng tĩnh tâm cần thiết, một cá nhân dễ “nóng mắt” trước các điều bất như ý. Một xã hội không có được tính cách tĩnh lặng, theo tôi, dễ bị thất thần trong nhiều viễn kiến và hành động.

Khi tôi rời Reaching Out, nắng hạ vẫn chưa nguôi phủ kín trên những lối đi nhỏ hẹp của phố xá Hội An. Dù chưa biết khi nào trở lại nhưng ngôi nhà tĩnh lặng ấy đã cho tôi một điểm tựa hồi ức nhẹ nhõm. Và mỗi lần thấy mình vội vã, sốt sắng, tôi lại dặn lòng mình nhớ về Reaching Out, nhớ đến vẻ đẹp của tĩnh lặng mà chính tôi cũng chưa thể với tới.