Ban tổ chức Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam VSRC đã chủ ý xây dựng cả về quy trình lẫn nội dung thi đấu sao cho học sinh từ Tiểu học, THCS đến THPT trên toàn quốc đều có thể tham dự.
Năm nay, Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam hay Vietnam STEM Robotics Championship (VSRC) được tổ chức lần đầu. Vòng chung kết giải vừa diễn ra vào ngày 8/10 trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023.
Ngay từ đầu, Ban tổ chức VSRC đã chủ ý xây dựng cả về quy trình lẫn nội dung thi đấu sao cho học sinh từ Tiểu học, THCS đến THPT trên toàn quốc đều có thể tham dự.
Cụ thể, về quy trình thi đấu, giải được tổ chức thành hai vòng. Ở vòng cơ sở, phòng giáo dục, trường cấp 3 hay các trung tâm dạy học tự tổ chức thi đấu cho học sinh của mình. Sau đó, các cơ sở cử đội thi tham dự vòng chung kết quốc gia bằng cách gửi hồ sơ tới ban tổ chức. Trên cơ sở chấm hồ sơ căn cứ vào thành tích và nội dung trình bay giải pháp của các đội thi, BTC sẽ chọn các đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết toàn quốc.
Về nội dung, giải chia làm 3 tầng mức. Trong đó, nội dung Lập trình Robot ảo VEX VR (ViRC) nhằm phổ cập lập trình cho học sinh toàn quốc, với tính chất đơn giản khi thí sinh chỉ cần có máy tính có kết nối mạng là có thể tham dự thi đấu. Nội dung Lập trình Robot vật lý ở mức cơ bản với nội dung thi đấu lập trình robot KCbot (KRC). Đây là loại robot made in Vietnam, dựa trên phần cứng nguồn mở Arduino rất phổ biến trên toàn thế giới. Cuối cùng, ở mức độ cao nhất là nội dung Sáng tạo STEM robotics (SRC). Nội dung này không phân biệt giải pháp, phần cứng hay phần mềm nào được sử dụng nhằm để học sinh thỏa sức sáng tạo. Đây là cấp độ thi đấu cao nhất đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nền và khả năng vận dụng các kiến thức trong trường học về vật lý, tin học, công nghệ và toán học, thậm chí là các kiến thức xã hội như lịch sử, địa lý, mỹ thuật,… để thiết kế, lắp rắp, chế tạo, lập trình và điều khiển robot. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể sử dụng kiến thức, kỹ năng tự học của mình từ nguồn tri thức khổng lồ trên không gian mạng hoặc trong cuộc sống để tối ưu và nâng cao hiệu quả robot của mình.
“Đây không chỉ là cuộc thi mà còn là hành trình của các bạn học sinh suốt những tháng vừa qua từ việc nghiên cứu đề thi, tới việc thảo luận nhóm, thiết kế, lắp ráp, chế tạo, lập trình, thử nghiệm và hăng hái luyện tập để có mặt ở ngày hôm nay,” ông Hoàng Vân Đông - sáng lập Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục KidsCode, Trưởng ban Tổ chức VSRC 2023 - cho biết. “Chúng tôi hy vọng đây là con đường để các bạn nuôi dưỡng sự tò mò, đam mê khám phá khoa học kỹ thuật để trưởng thành, thích ứng và tự tin làm chủ tương lai.”
Ông Đông cũng cho rằng để phát triển một lĩnh vực nào đó, cần xây dựng hệ sinh thái với đầy đủ để các thành phần có thể tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Theo ông, hệ sinh thái giáo dục STEM nói chung, và STEM Robotics nói riêng, đã trưởng thành rất nhiều sau gần 10 năm hoạt động. Đội ngũ giáo viên đã được tập huấn nhiều lần, các địa phương đã tổ chức được nhiều cuộc thi giúp giáo viên và học sinh thi có điều kiện thi đấu cọ sát thường xuyên hơn. Hiện nay Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng đã được triển khai, và vai trò của giáo dục STEM rất được chú trọng, thu hút sự quan tâm lớn và các hoạt động triển khai diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh giải đấu VSRC, còn có các giải đấu khác như VEX Robotics, First Competition hướng tới tầm cao quốc tế - ông Đông nhấn mạnh. "Nếu VSRC hướng tới sự toàn diện, thì VEX Robotics hay First Competition hướng tới những mục tiêu toàn cầu. Điều đó giúp hệ sinh thái STEM Robotics Việt Nam sẽ phát triển một cách toàn diện và toàn cầu," ông nói.
Được biết, kể từ năm nay, VSRC sẽ trở thành giải đấu thường niên có vòng chung kết diễn ra trong Ngày hội STEM Quốc gia.
* Kết quả Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam VSRC lần đầu
Ngày 8/10, trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, 96 đội với hơn 300 học sinh tiểu học, THCS, THPT đến từ 16 tỉnh thành, phố trên toàn quốc. đã tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam VSRC. Kết quả, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 21 giải chính ở ba nội dung thi đấu, cụ thể như sau:
Sáng tạo STEM robot (SRC)
- Giải nhất (7 triệu đồng): Đội SWITCH (Trường Vinschool Hà Nội và Trường quốc tế Brigton College Hà Nội); Đội TRUE NORTH ROBOTICS (Trường True North School, Hà Nội)
- Giải nhì (5 triệu đồng): Đội Robotics THCS Hoàng Văn Thụ (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn); Đội TDH-Flyincon (Trường THCS Trần Duy Hưng, Hà Nội)
- Giải ba (4 triệu đồng): Đội IR.02 (Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội); Đội NH-DN (Trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng.)
Bảng Trung học phổ thông:
- Giải nhất (7 triệu đồng): Đội PKK-Explosion of Energy (Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Hà Nội); Đội FPT Bắc Ninh (Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Ninh)
- Giải nhì (5 triệu đồng): Đội THPT FPT Cần Thơ (Trường Trung học phổ thông FPT Cần Thơ); Đội STEAM Gia Thiều (Trường THPT Gia Thiều, Hà Nội)
- Giải ba (4 triệu đồng): Đội Innovative Robotics (Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội); Đội SRC Thạch Thất (Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội)
Ở nội dung này, học sinh tham gia theo đội 2-5 người, tự do sử dụng các linh, phụ kiện điện tử, các loại cảm biến, động cơ, mẫu thiết kế khác nhau để thiết kế robot. Hai đội được bắt cặp tạo thành liên minh, hợp tác thực hiện các nhiệm vụ trên sân như lấy còn và ném còn vào các mục tiêu ở khu vực xác định trên sa bàn. Mỗi đội sẽ có 2 người điều khiển và một robot để thay nhau điều khiến trong thời gian thi đấu 90 giây. Điểm số của liên minh được tính theo số nhiệm vụ hoàn thành và số lỗi mắc phải. Mỗi giải có hai đội (một liên minh) chiến thắng.
Thi đấu robot KCbot (KRC)
- Giải nhất (4 triệu đồng): Đội TH Nam Tiến (Trường Tiểu học Nam Tiến, Nam Định)
- Giải nhì (3 triệu đồng): Đội RSA (Học viện RSA- Robot STEAM Academy, Hà Nội)
- Giải ba (2 triệu đồng): Đội MRT-VT6 (Lớp học Mr Trung - Robotics Vũng Tàu)
- Giải nhất (4 triệu đồng): Đội LTT_LC (Trường THCS Lý Tự Trọng, Lào Cai)
- Giải nhì (3 triệu đồng): Đội TDH-Drati (Trường THCS Trần Duy Hưng, Hà Nội)
- Giải ba (2 triệu đồng): Đội Robotics THCS Hoàng Văn Thụ (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn)
- Giải nhất (4 triệu đồng): Đội Chuyên CB (Trường THPT Chuyên Cao Bằng)
- Giải nhì (3 triệu đồng): Đội FPT school HNaP (Trường Phổ thông liên cấp FPT Hà Nam)
- Giải ba (2 triệu đồng): Đội THPT FPT Cần Thơ (Trường Trung học phổ thông FPT Cần Thơ)
Ở nội dung này, học sinh tham gia theo đội 2-5 người, tự do sử dụng linh kiện và cảm biến khác nhau để thiết kế robot của mình, nhưng sử dụng mạch điều khiển do BTC chỉ định để lập trình. Các đội sẽ cho robot xuất phát và tự tìm đường về đích và cắm cờ. Thời gian thi đấu 90 giây. Đội nào cắm được cờ trước sẽ được coi là chiến thắng tuyệt đối. Tiêu chí tính điểm theo khoảng cách đến đích gần nhất và sỗ lỗi mắc phải.
Lập trình robot ảo (ViRC)
Bảng tiểu học:
- Giải nhất (3 triệu đồng): Đội STEM ROBOT đến từ Học viện Công nghệ STEM Robot Vũng Tàu.
- Giải nhì (2 triệu đồng): Đội SH Future đến từ Trường TH&THCS Quốc tế Stephen Hawking, Quảng Ninh.
- Giải ba (1 triệu đồng): Đội HL-DL đến từ Trường tiểu học Hoa Lư, Đà Nẵng.
Bảng Trung học cơ sở:
- Giải nhất (3 triệu đồng): Đội Robotics đến từ Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn.
- Giải nhì (2 triệu đồng): Đội DT đến từ Trường THCS thị trấn Văn Quan, Lạng Sơn.
- Giải ba (1 triệu đồng): Đội Khánh Khê đến từ Trường TH&THCS Khánh Khê, Lạng Sơn.
Ở nội dung này, học sinh tham gia theo đội 2 người, lập trình để robot vận chuyển các khối vật phẩm đặt vào các thùng chứa theo cách thức tối ưu nhất. Các đội thi online, dùng phần mềmVEXcode VR để thực hiện bài thi trên sa bàn ảo. Thời lượng thi đấu 90 phút đối với bảng tiểu học và 120 phút đối với bảng THCS. Điểm của đội thi sẽ được tính theo tổng số điểm nhận được sau khi Robot chạy hết 60 giây, đúng theo đồng hồ của sa bàn.
Ngoài ra, cuộc thi còn có 10 giải phụ, mỗi giải trị giá 1,5 triệu đồng, cho các đội thi được yêu thích nhất, đội thi có tinh thần thể thao (fairplay), đội thi sáng tạo, đội thi có thiết kế tốt nhất và đội thi truyền cảm hứng nhất.