Một nghiên cứu mới phát hiện bốn nhóm đặc điểm mà động vật sử dụng để thích nghi và phát triển mạnh mẽ trong không gian đô thị.

Bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh: Trần Tùng
Bồ câu bay tự do và kiếm ăn ở những nơi đông người. Trong ảnh: Bồ câu quanh Nhà thờ Đức bà ở TPHCM. Nguồn: INT

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét bốn nhóm đặc điểm của động vật - gồm chế độ ăn uống, kích thước cơ thể, khả năng di chuyển và chiến lược sinh sản. Các đặc điểm này có thể thay đổi tùy theo những gì một thành phố cung cấp và mức độ linh hoạt của từng loài.

Bằng cách tiếp cận các nghiên cứu về đặc điểm của động vật đô thị và tập hợp các bộ dữ liệu của những nghiên cứu này, Amy Hahs thuộc Nhóm Nghiên cứu Cơ sở hạ tầng Xanh tại Đại học Melbourne (Úc), đã cùng các cộng sự xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn để so sánh bốn đặc điểm trên ở hơn 5.000 loài được tìm thấy trong gần 400 thành phố trên khắp thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự linh hoạt - tức khả năng di chuyển rộng rãi, ăn nhiều dạng thức ăn, dễ làm tổ và nghỉ ngơi ở nhiều địa điểm khác nhau – tỏ ra hữu ích khi sống ở đô thị. Các nhà nghiên cứu gọi động vật thuộc nhóm này là "những kẻ di động đa năng", trong đó có dơi đô thị và bọ cánh cứng carabid.

Nhưng đó không phải là chiến lược duy nhất để thành công. Ngược lại, chim và ong thành thị thường thành công bằng cách trở thành "kẻ lục lọi trung tâm". Những loài này có một nơi cố định để làm tổ và nghỉ ngơi, nhưng chúng bù đắp cho việc trung thành với một chỗ ở duy nhất bằng cách mở rộng chế độ ăn uống. Nếu ta nhìn thấy một con bồ câu mổ vào mẩu thức ăn thừa trên đường phố tức là nó đang tìm kiếm những thứ ăn được mà trước đây tổ tiên nó không hề động đến.

Bò sát và lưỡng cư áp dụng một chiến lược thích nghi khác. Khi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thức ăn hơn và dễ bị động vật ăn thịt tấn công, kèm theo các nguy cơ tai nạn trên đường bộ và ô nhiễm, chúng phản ứng với quá trình đô thị hóa bằng cách chuyên biệt hóa chế độ ăn uống, hoạt động quanh các khu vực nhỏ hơn và giảm số lượng trứng đẻ ra trong một đợt.

Điều này cũng hợp lý vì nếu chạn bếp chỉ có một vài loại thức ăn nhưng được bổ sung liên tục thì việc động vật chỉ ăn một số loại thực phẩm như thế này sẽ giúp giảm sự cạnh tranh với các loài khác, trong khi việc đẻ ít con hơn nghĩa là có thể có đủ thức ăn cho tất cả. Các nhà khoa học gọi nhóm động vật này là “các chuyên gia tại chỗ”. Những loài này có nguy cơ bị mắc kẹt tại một khu vực. Vì chúng không di chuyển ra chỗ khác nên nếu thức ăn hoặc môi trường sống của chúng bị biến mất, bản thân chúng cũng vậy.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng có thể có một loại thứ tư là “các chuyên gia di động” - tức những loài động vật có chế độ ăn uống riêng nhưng có thể dễ dàng đi đến bất cứ nơi nào chúng cần để có được thức ăn. Họ đã nhìn thấy những con vật như thế ở nơi khác, ví dụ như các loại chim thủy sinh sống trên vùng đất ngập nước, nhưng chưa gặp bất kỳ loài nào trong các nghiên cứu đô thị.

Lợi ích của đa dạng sinh học trong đô thị

Nghiên cứu của Đại học Melbourne bao trùm một phạm vi rộng lớn ở quy mô toàn cầu. Điều này rất quan trọng vì hai lý do.

Thứ nhất, từ trước đến nay, các nghiên cứu về động vật và đô thị hóa thường chỉ xem xét sự tiến hóa của một loài cụ thể, chủ yếu là thực vật hoặc chim, ở một địa điểm cụ thể và điều này không cho phép so sánh nhiều nhóm động vật ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên, Amy giải thích "đa dạng sinh học rất phong phú và những gì quan sát được trong một bối cảnh có thể không nhất thiết phải xảy ra ở bối cảnh khác."

Để đưa ra những đánh giá đáng tin cậy về cách động vật cư xử, các nhà nghiên cứu cần bao quát nhiều nhóm động vật có thể thích nghi với cuộc sống đô thị theo những cách khác nhau. Điều này đòi hỏi phải làm việc với các chuyên gia về nhiều loài.

Gấu mèo (Racoon) đang trở thành những kẻ sinh tồn tốt nhất trong đô thị. Chúng xuất hiện hàng đêm để ăn thức ăn cho mèo và bắt cá trong ao của chủ nhà
Gấu mèo (Racoon) đang trở thành những kẻ sinh tồn tốt nhất trong đô thị ở Bắc Mỹ. Chúng kiếm ăn từ rác là chính, và xuất hiện hằng đêm để ăn thức ăn cho mèo và bắt cá trong ao của chủ nhà. Ảnh: NatGeo.

Thứ hai, nghiên cứu về đa dạng sinh học đô thị có truyền thống tập trung vào các thành phố ở phía Bắc bán cầu và Úc. Tuy nhiên, các thành phố ở phía Nam bán cầu cũng là điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng và dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong những thập kỷ tới. 90% gia tăng dân số đô thị từ nay đến năm 2050 sẽ diễn ra ở châu Á và châu Phi, lên tới hàng tỷ người sống trong các khu vực thành thị. Mở rộng đô thị đồng nghĩa với môi trường sống và nhiều loài sẽ mất đi. Nếu có hiểu biết tốt hơn về đa dạng sinh học đô thị thì có khả năng chúng ta sẽ ngăn chặn được một số tổn thất.

Khi nhìn vào những đặc điểm mà động vật hoang đang áp dụng để tồn tại trong môi trường đô thị, có thể thấy những hướng điều chỉnh để thành phố trở nên dễ sống hơn đối với nhiều loài. Chẳng hạn, để khuyến khích nhiều loại chim và ong hơn, người ta có thể tăng số lượng các địa điểm làm tổ tiềm năng. Và để giúp các loài bò sát và lưỡng cư tránh bẫy sinh thái, các nhà quy hoạch thành phố có thể thêm các kết nối giữa những tuyến đường thủy/đường ống, cho phép động vật di chuyển trong khu vực rộng lớn hơn.

Sẽ cần nhiều nghiên cứu để xem những thay đổi cụ thể mà một số loài cần để phát triển trong không gian đô thị.

Nhưng liệu những việc đó có đáng làm hay không? Có được động vật hoang dã phong phú hơn, đa dạng hơn ở các thành phố có thực sự tạo ra sự khác biệt? Câu trả lời, theo các nhà sinh thái học, là có.

Động vật hoang dã có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các thành phố. Đa dạng sinh học hơn mang lại lợi ích dây chuyền, gọi là "dịch vụ hệ sinh thái".

Chẳng hạn, động vật không xương sống trong đất như giun, bọ hung, rết giữ cho đất màu mỡ và khỏe mạnh, từ đó làm tăng khả năng hấp thụ nước của đất. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng lũ quét khi mưa lớn và bảo vệ đất khỏi hạn hán.

Ong có thể kiếm ăn trong các khu vực đô thị. Ảnh: Getty
Ong có thể kiếm ăn trong các khu vực đô thị tốt hơn trên cánh đồng. Ảnh: Getty

Một hệ sinh thái đô thị sôi động cũng giúp đời sống thực vật phát triển mạnh và hút nhiều CO2 hơn. Trên thực tế, lượng CO2 lưu trữ trong đất khi có mặt côn trùng và động vật ăn thịt cũng nhiều hơn so với khi chúng vắng mặt.

Có thêm nhiều động vật ở thành phố cũng bảo vệ sức khỏe con người. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng sự lây lan mầm bệnh khi những côn trùng mang mầm bệnh như muỗi phát triển quá đông. Nếu có một tập hợp các loài động vật ăn thịt đa dạng như chim hoặc dơi thì chúng có thể giữ số lượng côn trùng này trong tầm kiểm soát.

Cuối cùng, chúng ta không thể quên rằng rất nhiều sinh vật trong thành phố thực sự xinh đẹp để nhìn ngắm. Việc ngắm nhìn động vật có thể mang lại nhiều niềm vui và lợi ích cho con người. Nó giúp chúng ta thư giãn, giảm căng thẳng, kết nối với thiên nhiên, và rèn giũa nhiều giá trị giáo dục, tinh thần từ việc sống cạnh các loài sinh vật khác.


Nguồn: