Năm 1952, bác sĩ gây mê sản khoa người Mỹ Virginia Apgar đã sáng tạo ra hệ thống tính điểm Apgar, một phương pháp đơn giản và nhanh chóng để đánh giá tình trạng thể chất của trẻ sơ sinh khi mới chào đời.
Virginia Apgar sinh ra tại Westfield, New Jersey (Mỹ) vào ngày 7/6/1909. Bà là con út trong gia đình gồm ba người con. Cha của bà làm về lĩnh vực bảo hiểm nhưng lại đam mê phát minh và yêu thích thiên văn học. Người anh cả của bà qua đời vì bệnh lao và một người anh khác mắc bệnh mãn tính. Trải nghiệm trong thời thơ ấu cùng với một người cha sáng tạo và hai anh trai ốm yếu đã góp phần vào quyết định theo đuổi y học của bà ngay từ lúc còn nhỏ.
Virginia Apgar kiểm tra sức khỏe của một em bé sơ sinh.
Ảnh: Elizabeth Wilcox
Với mong muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật, Apgar đăng ký vào trường Đại học Y sĩ và Bác sĩ phẫu thuật (CUCPS) thuộc Đại học Columbia (Mỹ) vào năm 1929. Tại thời điểm đó, phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn trong chuyên ngành này. Cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ phẫu thuật cũng rất hạn chế, vì vậy bà quyết định chuyển sang lĩnh vực gây mê mới nổi, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Trước đây, chỉ có các y tá thường xuyên sử dụng thuốc gây mê, nhưng khi các ca phẫu thuật trở nên phức tạp hơn, gây mê bắt đầu trở thành một lĩnh vực chuyên môn của các bác sĩ.
Năm 1938, Apgar được mời thành lập và đứng đầu Khoa Gây mê tại Đại học Columbia. Không lâu sau, bà trở thành một trong số những người đi tiên phong trong lĩnh vực gây mê. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức tại trường CUCPS.
Tại đây, bà tham gia công tác giảng dạy các sinh viên y khoa cũng như nghiên cứu về gây mê sản khoa, hoặc gây mê trong quá trình sinh nở. Bà thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng curare – chất độc thần kinh chiết xuất từ vỏ của một loại cây ở Nam Mỹ – như một loại thuốc gây mê và hormone norepinephrine trong quá trình phẫu thuật.
Vào cuối những năm 1940, các bác sĩ trong phòng hộ sinh chỉ tập trung vào chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ và ít chú ý đến trẻ sơ sinh. Nếu một trẻ sơ sinh dường như không thể sống sót và phát triển khỏe mạnh – ví dụ da đứa trẻ chuyển sang màu xanh, không thở, hoặc có kích thước cơ thể quá nhỏ – các bác sĩ sẽ ghi nhận đứa trẻ là thai chết lưu. Tuy nhiên, Apgar tin rằng nếu những đứa trẻ như vậy được chăm sóc tốt hơn, nhiều trường hợp vẫn có khả năng sống sót và phát triển bình thường.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới một tuổi đã giảm ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1950, nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh vẫn không đổi, một phần là do các bác sĩ không xác định được những trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
Trong bối cảnh đó, Apgar bắt đầu tự đặt câu hỏi về cách tốt nhất để đánh giá tình trạng thể chất của trẻ sơ sinh nhằm cải thiện sức khỏe và khả năng sống sót của chúng.
Năm 1952, Apgar đã phát triển hệ thống tính điểm Apgar để đánh giá các dấu hiệu sức khỏe quan trọng của trẻ trong vòng một phút sau khi sinh. Cách tính điểm dựa trên năm tiêu chí lớn bao gồm nhịp tim, hô hấp, cử động, phản xạ kích thích và màu da của trẻ.
Trong mỗi tiêu chí, trẻ sơ sinh nhận được 0, 1 hoặc 2 điểm. Ví dụ, trong tiêu chí về nhịp tim, nhịp đập của trẻ sơ sinh có thể không có (0 điểm), dưới 100 nhịp mỗi phút (1 điểm) hoặc trên 100 nhịp mỗi phút (2 điểm). Các bác sĩ hoặc y tá sau đó sẽ cộng điểm của tất cả năm tiêu chí để tính tổng điểm của trẻ sơ sinh. Tổng số điểm có thể dao động từ 0 đến 10 điểm.
Tổng điểm từ 7 đến 10 cho thấy tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh ở mức bình thường. Tổng điểm từ 4 đến 7 cho thấy các bác sĩ cần tiếp tục quan sát và theo dõi em bé cẩn thận. Với tổng điểm dưới 4, em bé cần được can thiệp y tế khẩn cấp và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng sống sót.
Sau khi phát triển hệ thống tính điểm của mình, Apgar hợp tác với một số nhà nghiên cứu vào giữa những năm 1950 để kiểm tra xem điểm số thay đổi như thế nào dựa trên các khía cạnh khác nhau của quá trình sinh nở, bao gồm chuyển dạ và gây mê cho người mẹ. Cùng với các đồng nghiệp tại Đại học Columbia như bác sĩ nhi khoa L. Stanley James và bác sĩ gây mê Duncan A. Holaday, Apgar đã đánh giá hiệu quả của hệ thống tính điểm Apgar và đề xuất các sửa đổi tiềm năng.
Một sự điều chỉnh quan trọng là nhân viên y tế cần thực hiện đánh giá lần thứ hai vào thời điểm 5 phút sau khi đứa trẻ chào đời. Apgar và các cộng sự nghĩ rằng việc chấm điểm cho trẻ sơ sinh thêm một lần nữa sẽ cho phép nhân viên y tế kiểm tra xem liệu sức khỏe của đứa trẻ có được cải thiện sau khi tiếp nhận các phương pháp điều trị hay không. Ví dụ, trẻ sơ sinh phải dùng đến máy thở oxy do nhịp thở kém tại thời điểm một phút sau khi sinh thường có điểm số cao hơn ở hạng mục này vào thời điểm 5 phút, sau khi thở oxy.
Ngày nay, hệ thống Apgar vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới với mục đích đánh giá tình trạng thể chất của trẻ sơ sinh lúc mới chào đời.
Trong một nghiên cứu khác, Apgar đã so sánh ảnh hưởng của phương pháp gây mê toàn thân và gây tê cục bộ đối với người mẹ và em bé sau quá trình sinh nở. Bà cũng hợp tác với nhà tâm lý học Frances F. Schachter ở New York để xác định xem tình trạng thiếu oxy khi sinh có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này hay không.
Năm 1958, Apgar đăng ký theo học chương trình thạc sĩ y tế công cộng tại Đại học Johns Hopkin. Sau khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ vào năm 1959, bà trở thành giám đốc bộ phận khuyết tật bẩm sinh tại Quỹ Quốc gia về Bệnh bại liệt ở Trẻ sơ sinh, nay là tổ chức March of Dimes. Trong thời gian làm việc tại đây, bà đã nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về dị tật bẩm sinh thông qua các biện pháp giáo dục cộng đồng và gây quỹ cho những nghiên cứu mới.
Apgar đã xuất bản hơn 60 bài báo trong suốt sự nghiệp của mình. Bà luôn miệt mài làm việc và nghiên cứu cho đến khi qua đời vì bệnh gan năm 1974.
Năm 1994, Bưu điện Mỹ đã vẽ chân dung của Apgar trong loạt tem bưu chính kỷ niệm “những người Mỹ vĩ đại”. Một năm sau đó, bà được ghi tên vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia Mỹ.