Ngày 31-3, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết vẫn tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu tảo tại khu vực biển Chân Mây để gửi Tổng cục Môi trường nhằm kiểm nghiệm, phân tích về tình trạng tảo nở hoa khiến cho nước biển chuyển màu.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân xuất hiện vệt nước màu vàng ở vùng biển Chân Mây và Cảnh Dương thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc vào ngày 23-3. Theo đó, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do sự xuất hiện và phát triển mạnh của loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma, gây ra hiện tượng tảo nở hoa nước (thủy triều đỏ) làm nước biển đổi màu, có mùi tanh hôi, đồng thời làm giảm nồng độ oxy trong nước ở một số thời điểm làm cho thủy sản trong khu vực có hiện tượng nổi trên bề mặt.
Nước màu vàng trong khu vực cảng Chân Mây là do loài tảo gây ra
Ở thời điểm quan trắc, kết quả phân tích định tính và định lượng tảo phù du tại bốn điểm cho thấy có sự khác nhau đáng kể về số lượng loài và mật độ các loài tảo phù du. Về số lượng loài: tại vị trí không xuất hiện vệt vàng có số lượng loài cao nhất, ở vị trí vùng nước bình thường gần khu vực có vệt vàng có số loài thấp hơn, và ở khu vực vùng nước có vệt vàng có số lượng loài rất thấp .
Về mật độ: tại vị trí không xuất hiện vệt vàng, vị trí vùng nước bình thường gần khu vực vệt vàng có mật độ tảo thấp ghi nhận là 56.730 tế bào/lít và 651.960 tế bào/lít. Tại các vị trí quan trắc vùng nước vệt vàng có mật độ rất lớn, ghi nhận là trên 14 triệu tế bào/lít và hơn 8,9 triệu tế bào/lít, trong đó có loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma Stein 1883 (thuộc lớp Dinophyceae) chiếm ưu thế tuyệt đối với trên 14 triệu tế bào/lít và hơn 8,9 triệu tế bào/lít.
Loài tảo xuất hiện với mật độ lớn khiến nước chuyển màu vàng
Về chất lượng nước biển, tại thời điểm quan trắc, hầu hết các thông số quan trắc: pH, ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), amoni (NH4+ tính theo N), nitrit (NO2-); photphat (PO43- tính theo P), xyanua (CN-), thủy ngân (Hg), tổng Phenol, crom tổng số, cadimi (Cd), asen (As), chì (Pb), mangan (Mn), đồng (Cu), kẽm (Zn), tổng dầu mỡ khoáng, coliform có giá trị đo đạc, phân tích đều đảm bảo giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục chất lượng nước biển vùng biển ven bờ - giá trị giới hạn vùng bãi tắm và thể thao dưới nước). Riêng các mẫu phân tích được lấy tại vị trí tại bến cảng Chân Mây có giá trị thông số amoni (NH4+); hàm lượng tổng chất rắn lở lửng (TSS) vượt QCVN quy định. Kết quả phân tích các thông số còn lại của các mẫu nước biển tại vùng xuất hiện vệt vàng và vùng không xuất hiện vệt vàng có chất lượng tương đương nhau.
Màu vàng và có mùi hôi tanh khi tảo chết
Ông Nguyễn Việt Hùng, nhận định việc xuất hiện hiện tượng tảo Giáp Gonyaulax polygramma với số lượng lớn và nở hoa là do nồng độ amoni quá cao. “Thông số amoni vượt giới hạn cho phép có thể là do tồn dư chất hữu cơ ở các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc của khu nuôi trồng thủy hải sản hình thành nên chứ không phải do sản xuất công nghiệp” – ông Hùng nói.
Trước đó, vào tháng 2, ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô thuộc xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cũng xuất hiện nhiều vệt nước màu đỏ, nguyên nhân được khẳng định là do sự xuất hiện với số lượng lớn của loài tảo Noctiluca scintillans.Theo ông Hùng, đây là hiện tượng khá lạ, gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa có dữ liệu cũ về loài tảo này xuất hiện ở vùng biển xã Lộc Vĩnh nên không thể so sánh, đánh giá mức độ xuất hiện như hiện nay.
“Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung và tăng cường hoạt động quan trắc tại các khu vực trên nhằm hỗ trợ địa phương trong công tác bảo vệ môi trường” – ông Hùng cho biết thêm.