Lý Bí - Lý Nam Đế, vị vua dựng lên triều Tiền Lý và Nhà nước Vạn Xuân cũng là người đầu tiên tự xưng Hoàng đế. Đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự phát triển trong ý thức về độc lập chủ quyền dân tộc.
Người đầu tiên xưng Hoàng đế
Năm Nhâm Tuất (542) Lý Bí khởi binh tấn công giặc Lương. Nhân dân trong cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng. Không đương nổi với đoàn quân khởi nghĩa, Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương khiếp sợ không dám chống cự, vội mang của cải vàng bạc đút lót cho Lý Bí xin toàn tính mạng, chạy về Trung Quốc. Không đầy 3 tháng Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Được tin Long Biên thất thủ, vua Lương lập tức ra lệnh cho quân phản công chiếm lại. Bọn xâm lược vừa kéo sang đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan. Khởi nghĩa Lý Bí hoàn toàn thắng lợi.
Năm 544, Lý Bí xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân (ước muốn tên nước truyền đến muôn đời) đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch và cho dựng điện Vạn Thọ. Triều đình gồm vua đứng đầu và hai ban Văn, Võ. Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn, Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ, Triệu Túc làm Thái phó, Triệu Quang Phục, một tướng trẻ có tài được triều đình trọng dụng.
Nhà nước Vạn Xuân, nhà nước đầu tiên mà người đứng đầu đã tự xưng Hoàng đế, đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự phát triển trong ý thức về độc lập chủ quyền dân tộc.
|
Chùa Hương Ấp, thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên (nơi Lý Nam Đế tu hành thời nhỏ).
|
Những tranh cãi về quê hương Lý Bí
Tuy cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa đã xưng Hoàng đế cách nay đã gần 1.500 năm, nhưng quê gốc của người anh hùng dân tộc này ở đâu lâu nay vẫn là vấn đề tranh cãi chưa thống nhất: Có người cho rằng quê hương Lý Bí ở Thái Thuỵ tỉnh Thái Bình, có những ý kiến cho rằng quê ông ở vùng Giang Xá, Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Tây cũ nay là Hà Nội) và có những ý kiến cho rằng quê Lý Nam Đế ở Phổ Yên, Thái Nguyên.
Để làm rõ vấn đề này, năm 2012 nhân kỷ niệm 1470 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542 - 2012) Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề về vương triều Tiền Lý và quê hương của Lý Nam Đế".
Trên cơ sở tư liệu hiện có, kết hợp với những tư liệu điền dã thực địa trên các địa phương các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai... nhiều nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận thống nhất về quê hương Lý Nam Đế là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có chùa Hương Ấp, nơi chú tiểu Lý Bí từng tu hành và Đền Mục thờ Lý Nam Đế làm Thành hoàng làng.
Vấn đề này đã được các cấp chính quyền của các địa phương Giang Xá, Hoài Đức (Hà Nội), Tam Nông (Phú Thọ), Thái Thuỵ (Thái Bình) và Tiên Phong, Phổ Yên (Thái Nguyên) đồng thuận và nguyện sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của cha ông, tiếp tục nối dài lịch sử hào hùng trên những vùng quê có di tích Lý Nam Đế.