Bất chấp những tranh cãi về vai trò như một nhà kiến tạo hay kẻ hủy diệt lịch sử, Christopher Columbus vẫn được xem như một hiện thân tiêu biểu của những giá trị và giấc mơ Mỹ.

Là một nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử, Christopher Columbus đồng thời cũng có lòng kiêu hãnh rất lớn về bản thân. Ông thường tin bản thân mình được Chúa giao phó trọng trách mà không một ai khác có thể thực hiện nổi – giành lại thánh địa Jerusalem, và vì thế kể từ năm 1493, ông hay ký tên là “xpo ferens” (mang nghĩa “người đại diện cho Chúa”).

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính bản tính ngạo mạn của Columbus đã châm ngòi cho sự sụp đổ của rất nhiều bộ lạc, cùng hàng triệu người da đỏ bản địa ... nhưng cũng đưa ông trở thành hình tượng văn hóa đại chúng ở Mỹ.

Thời kỳ bị kìm hãm

Năm 1496, Columbus đang là thống đốc tại một khu thuộc địa ở Santo Domigo (nay là Cộng hòa Dominica). Do không thể thuyết phục phần đông những người khác, nhất là giới quý tộc, đi theo đường lối lãnh đạo của mình, ông dần đâm ra chán ghét công việc. Bên cạnh đó, vì không thể đáp ứng nhu cầu vơ vét để làm giàu nhanh chóng của chế độ thực dân Tây Ban Nha trên vùng đất – vốn trước đây là của người da đỏ, cho nên ông bị hoàng đế Tây Ban Nha coi là bất tài. Thứ nữa, triều đình cũng tỏ ra không còn mặn mà với các thỉnh cầu viện trợ tài chính liên tục của Columbus khi ông không thể hoàn thành những lời hứa hẹn, cộng thêm sự thất bại trong hệ thống kinh tế – xã hội tại vùng thuộc địa Hispanolia ngày càng trở nên trầm trọng.

Năm 1500, Francisco de Bobadilla được hoàng gia cử đến để giám sát tình hình và bắt giam Columbus cùng các anh em trai vì đã tự ý treo cổ bốn người Tây Ban Nha thuộc phe chống đối. Ông bị áp giải về nước vì cáo buộc vô nhân đạo, phải chịu cảnh xiềng xích trên suốt đường đi và trong 7 tháng đợi hầu tòa. Và mặc dù chính quyền Tây Ban Nha đã rất muốn xử tử Columbus ngay lập tức, nhưng họ vẫn cho phép ông thực hiện chuyến hải trình cuối cùng trong những năm 1502 – 1504. Kể từ khi mất vào năm 1506, tên tuổi của Columbus đã bị giới sử học lãng quên trong suốt một thời gian dài. Mãi về sau, danh tiếng của nhà thám hiểm mới được hồi sinh và trở thành một biểu tượng quốc gia của nước Mỹ.

Cảm hứng Christopher Columbus của họa sĩ Jose Maria Obregon. Ảnh: Thư viện Quốc gia Museo Nacional de Arte (Mexico).

Tìm lại biểu tượng

Từ giữa thế kỉ 18, giới học giả bắt đầu phát hiện thấy nhiều tài liệu bị bỏ quên về Columbus và lịch sử thời sơ khai của Tân thế giới (New World). Trong đó, một văn kiện thuộc vào hàng quan trọng bậc nhất là bộ sách “Đại cương lịch sử người da đỏ” (Historia de las Indias) – từng bị liệt vào danh sách cấm ở Tây Ban Nha vì mô tả sự đối xử tàn bạo của thực dân Tây Ban Nha đối với thổ dân bản địa châu Mỹ.

Nhiều chi tiết trong cuốn sách được cho là đã “bôi nhọ” thái quá hình ảnh của người Tây Ban Nha khi đặt chân đến đất Mỹ khi mô tả họ như những kẻ đàn áp tàn bạo, cố chấp và tụt hậu cả về trí tuệ lẫn cảm quan nghệ thuật. Tuy nhiên, phải công nhận một thực tế, rằng dù người Tây Ban Nha đã đến châu Mỹ với bất kỳ động cơ nào thì cuộc chinh phạt của họ cũng đã góp phần hủy hoại nhiều nền văn hóa đặc sắc bản địa và mở ra thời kỳ nô lệ hóa người châu Phi trong hàng thế kỷ.

Sự quan tâm của giới học giả về Columbus bắt đầu tăng lên vào cùng thời điểm với những cuộc vận động chính trị phản đối thực dân Tây Ban Nha tuyên bố quyền sở hữu đối với các thuộc địa ở châu Mỹ. Từ đầu thế kỉ 19, nhiều vùng đất do Tây Ban Nha chiếm đóng và cai trị lần lượt tuyên bố quyền độc lập, khiến “châu Mỹ của Tây Ban Nha” một thời chuyển thành “châu Mỹ Latin”.

Năm 1889, nước Pháp tổ chức lễ ra mắt tháp Eiffel trên quảng trường Champs de Mars – được xem là một sự kiện triển lãm quy mô hoành tráng nhất hành tinh. Để khẳng định đẳng cấp không hề thua kém châu Âu, người Mỹ cũng có một buổi Triển lãm Thế giới của riêng mình, với sân khấu được dàn dựng từ niềm cảm hứng bởi những tác phẩm của nhà văn Washington Irving – tác giả cuốn “The Legend of Sleepy Hollow” (Huyền thoại thung lũng ngủ yên).

Trước đó, hòng cứu vãn sự nghiệp đang xuống dốc, Irving đã biên soạn cuốn tiểu sử Christopher Columbus đầu tiên bằng tiếng Anh và phát hành năm 1828. Ngòi bút của Irving đã nhào nặn nên hình tượng Columbus như một anh hùng vĩ đại, huyền thoại được cả nước Mỹ tôn vinh và trở thành chủ đề cho buổi triển lãm.

Ngoài ra, ban tổ chức còn cố tình sắp đặt để sự kiện diễn ra trùng với ngày kỷ niệm 400 năm lần đầu tiên Columbus đặt chân đến Tân Thế giới, và do đích thân Tổng thống Mỹ Benjamin Harrison chủ trì lễ khai mạc. Đặc biệt hơn, ngày 12/12/1892 hôm đó cũng chính là lần đầu tiên mà Lời thề Trung thành với Tổ quốc (Pledge of Allegiance) được đưa vào nội dung sinh hoạt ở các trường học trên toàn nước Mỹ.

Khu triển lãm tại Chicago đã được dựng lên theo chủ đề “Thành phố Trắng” – là một tổ hợp bao gồm 9 “cung điện” do các kiến trúc sư hàng đầu nước Mỹ thiết kế, được hoàn thiện vô cùng công phu suốt 26 tháng. Trong thời gian diễn ra sự kiện, ban tổ chức đã thu về tiền bán 28 triệu lượt vé, và đưa Columbus nghiễm nhiên trở thành tâm điểm của truyền thông của thế kỉ 19.

Qua lời văn của Irving, Columbus chính là một hiện thân tiêu biểu của Giấc mơ Mỹ: con trai của một người thợ dệt nhỏ bé nhưng mang trong mình ước mơ lớn, dám thách thức những học giả, trí thức vĩ đại nhất đương thời và đặt chân tới nơi chưa ai từng đến. Chưa hết, Tổng thống Harrison còn tuyên bố lập ngày khai trương triển lãm Columbus làm quốc lễ – mang tên “Ngày Columbus” – được Quốc hội Mỹ chính thức công nhận kể từ năm 1973.

Năm 1992, nhân kỷ niệm 500 ngày Columbus đặt chân đến Tân Thế giới, dư luận Mỹ lại dậy sóng khi các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp, cáo buộc ông tội khủng bố vì “khám phá” của ông đã gây ra những tổn thất khủng khiếp cho cộng đồng người da đỏ bản địa. Mặc dù nhà thám hiểm đã qua đời từ lâu, nhưng câu chuyện về Columbus vẫn tiếp tục được lưu truyền, với những lằn ranh mờ nhạt giữa huyền thoại và sự thật, gây nên nhiều tranh cãi về vai trò của ông như một nhà kiến tạo hay kẻ hủy diệt lịch sử. Tuy vậy, không thể phủ nhận thực tế, rằng Columbus vẫn sẽ được coi như một biểu tượng quốc gia của Mỹ trong một thời gian dài nữa.