Văn minh Đông phương và Tây phương là tập cảo luận đặc biệt của Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang), mang tính tư tưởng tương chiếu và được thể hiện bằng ngôn ngữ nhị nguyên Âm-Dương, Đông-Tây, Hồn-Xác, Tâm-Vật, Lượng-Phẩm...

Văn minh Đông phương và Tây phương được viết năm 1957, 12 năm sau khi Nguyễn Duy Cần xuất bản cuốn sách đầu tay mang tên Duy tâm và Duy vật. Mới đây, cuốn sách đã được NXB Trẻ tái bản.
Văn minh Đông phương và Tây phương được viết năm 1957, 12 năm sau khi Nguyễn Duy Cần xuất bản cuốn sách đầu tay mang tên Duy tâm và Duy vật. Mới đây, cuốn sách đã được NXB Trẻ tái bản.

Đặt ra tầm quan trọng của việc dò sâu vào bản chất của hai nền văn minh, kiểm soát bảng giá trị của chúng để tìm ra một đường hướng khả dĩ, tác giả buộc phải dùng ngôn ngữ nhị nguyên. Nhưng Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998) cũng nhắc nhở người đọc, ngay từ chương đầu, rằng mọi định danh đều có những hạn chế và việc phân biệt Đông – Tây không phải dựa trên vị trí địa lý, Đông – Tây chính là hai “tính khí”, hai thế giới quan chủ đạo: hướng nội/tâm linh và hướng ngoại/vật chất.

Sức đọc quảng bác giúp Nguyễn Duy Cần nắm được yếu tính của hai nền văn minh này để đặt chúng lên bàn cân đối sánh. Cuốn sách của ông dựa trên rất nhiều nghiên cứu của các nhà tư tưởng, trong đó phải đặc biệt phải nhắc đến nhà sử học người Pháp René Grousset (1885-1952), người đã có một nhận định mà ông chọn làm điểm tựa: “Người Đông phương bản sinh thuộc về hạng người hướng nội còn người Tây phương bản sinh thuộc về hạng người hướng ngoại.” Triển khai thêm từ nền tảng đạo học của mình, ông cho rằng Đông phương chuộng vô vi (non-action), bất bạo động, giữ tâm an tĩnh giữa những biến cố. Còn người phương Tây, với tâm thức hoạt động (action), tôn thờ chủ nghĩa tiến bộ, coi thành công là hướng nhắm và lúc nào cũng lao đi trên hành trình kiếm tìm.

Người trồng vườn và người thợ gốm

Giáo dục của Đông phương và Tây phương cũng phản ánh điều này. Theo Nguyễn Duy Cần, cái học ở Đông phương khuyến khích con người tìm đến “bản lai diện mục” qua tự giác, tu thân và phản tỉnh, không chú trọng mô phỏng và chạy theo cái “chí thiện” của người xung quanh, đạt đến cái “chí thiện” của chính mình. Những bậc người lý tưởng trong xã hội phương Đông là những người có sức mạnh tinh thần, vượt thẳng những vô minh dục vọng bên trong. Trong khi đó, cái học Tây phương chú trọng trang bị kiến thức cho học sinh như các công cụ vũ lực để chinh phục ngoại giới. “Sự hiểu biết theo người Đông phương là sự hiểu biết do mình tìm ra, hoặc nhờ bên ngoài khêu gợi mà khởi phát lên và chính sự hiểu biết ấy mới thật là hiểu biết. Còn cái hiểu biết do bên ngoài đem đến mà tự lòng mình không thấy rung chuyển chút nào, cái hiểu biết ấy không phải thật là hiểu biết. Bởi vậy, ta phải dùng đến trí nhớ cố gắng gìn giữ nó nơi mình một cách sống sượng miễn cưỡng như mình khoác một cái áo vào mình vậy.”

Mục đích khác nhau thì phương tiện giáo dục đôi bên cũng không giống nhau - điều này được Thu Giang đã chỉ ra bằng những dẫn chứng sống động. Vì giáo dục được cá nhân hóa cao độ nên bậc tôn sư người Đông phương không thâu nhận nhiều đệ tử mà chỉ chú trọng vào số ít các truyền nhân, tùy căn cơ từng người mà dạy. Còn lối dạy dỗ của Tây phương, vốn đang hiện hữu ở tất cả mọi nơi trên địa cầu, là kiểu tạo ra một học trình chung, một khuôn mẫu áp chế cho tất cả. Học trình Tây phương thường như một mâm cỗ lý trí dọn sẵn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ biến học trò của mình trở thành máy móc thao thao bất tuyệt về những gì đã được “chứng minh” nhưng có thể trở nên “lỗi thời” một thời gian sau đó. Giáo dục mới ngày nay đã nhận thức được sự tai hại của việc đổ khuôn như thế nên đã bắt đầu chú tâm lấy sự phát triển cá nhân làm mục đích.

Tóm lại, ông ví nhà giáo dục Đông phương “như một người trồng vườn, còn nhà giáo dục Tây phương như một người thợ gốm. Nhà trồng vườn thì chiều theo từng loại cây mà cho phân lựa đất, cốt giúp cho mỗi thứ cây phát triển đến cùng cực sở năng sở đắc của nó; còn anh thợ gốm thì phận sự họ là lo uốn nắn vật liệu thành những món đồ theo một kiểu mẫu chung nào… theo nhu cầu của một lý tưởng hiện hành.”

Kết thúc cuốn sách, Thu Giang thể hiện niềm tin vào một điểm gặp gỡ Tây phương và Đông phương nơi cội gốc truyền thống. “Tây phương hãy trở về với cái học truyền thống của mình hồi trung cổ, cái học ấy phảng phất với đạo học Đông phương, thì Tây và Đông sẽ gặp nhau, gặp nhau trên nguyên tắc đồng nhất.” “Cái văn minh trung cổ của Tây phương là một thứ văn minh phẩm gần giống với cái văn minh thuần túy của Đông phương. Từ thế kỷ thứ 18 kỹ nghệ phát sinh thì cái văn minh ấy lại điêu tàn, và nó cũng đã bắt đầu điêu tàn hồi thời kỳ Phục Hưng. Đến thế kỷ thứ 19 và nhất là 20 nầy thì văn minh truyền thống ấy đã chấm dứt. Các nhà nghiên cứu sử học của Tây phương như Guglielmo Ferrero, René Guénon, René Grousset… đều cùng nhìn nhận như thế.”

Tây phương có choáng ngợp trước Đông phương mà muốn Đông phương hóa hay Đông phương vì choáng ngợp trước Tây phương mà muốn Tây phương hóa, có lẽ, những điều đó chỉ như may một chiếc áo không vừa. Thu Giang chỉ ra, nhiều học giả Tây phương tìm về sách thần học và tư tưởng Đông phương - sách của Lão Tử luôn nằm trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, Tagore được trao giải Nobel và được ái mộ khắp châu Âu - nhưng những điều đó không có nghĩa là Đông phương đang lên ngôi trong thế giới tinh thần, mà chỉ thể hiện rằng người phương Tây đang mê say, hoài nhớ một kho báu tâm linh mà họ sớm đánh mất từ thời kỳ cơ giới hóa. Như thế, mỗi khối văn minh cần tìm lại sự cân bằng trong chính mình thì họ sẽ gặp nhau. Họ học những bài học của nhau rồi cùng tiệm tiến về một điểm thích hợp, đó là những gì Thu Giang dự phóng.