“Dạt dào tựa những âm xưa...”
[Hoài cảm – Cung Tiến]
Một tối mùa đông năm 2018 ở Đà Lạt. Tôi rời căn phòng nghe nhạc audiophile lạnh lẽo ở khu Lãnh địa Đức Bà Langbian để trở về nơi lưu trú trên đầu đèo Prenn, người tài xế taxi đã nhiệt tình bắt chuyện như quen từ lâu rồi. Có lẽ anh đoán biết một khách nghe nhạc như tôi có thể đón nhận thứ bí mật mà anh đang mang nặng và muốn giãi bày.
Anh dễ dàng khơi mở ngọn nguồn chuyện mình đã tình cờ thừa kế một phòng nghe nhạc có rất nhiều máy hát cổ và băng đĩa cũ, gồm băng cối và đĩa than, sách và các kỷ vật từ một người đàn ông hàng xóm cô độc.
Ông ta, chủ của khối di sản không thừa kế cũng chẳng di chúc đó, vừa qua đời một vài tháng trước.
Trước đây, anh tài xế taxi chỉ nhìn thấy ông ta, một người đàn ông phong thái phong trần và hào hoa nhưng sống lặng lẽ đơn chiếc trong căn biệt thự cũ cùng lối phố. Thỉnh thoảng ở sân ngôi biệt thự ấy có những bữa tiệc đêm nhẹ nhàng, những cô gái phù hoa đến và đi, những người đàn ông trầm lặng thoắt ẩn thoắt hiện.
Rồi lần kia, từ một chuyến taxi tình cờ, chính ông chủ động bắt chuyện và mời anh về nhà chơi. Họ ngồi ở bộ ghế salon góc phòng và nghe một đĩa than nhạc cổ điển - điều khá xa xỉ và thách thức sự kiên nhẫn đối với một tài xế taxi suốt ngày tai quen nghe thứ âm nhạc chuông báo các cuốc xe và tổng đài. Nhưng buổi gặp đầu tiên với người hàng xóm lịch lãm cuối cùng để lại cho cả hai một cảm giác gần gũi và dễ chịu. Thứ âm nhạc mà anh tài xế taxi không biết phải hiểu thế nào lại có một sức gắn kết giữa họ theo cách tự nhiên của những người xa lạ biết cách lặng thinh, đầy cởi mở và tôn trọng.
Âm nhạc từ máy đĩa than cũ hẳn đã chảy tràn trề trong gian phòng buổi chiều mưa hôm đó.
“Mặt đen bóng của đĩa hát đã soi vào thẳm sâu của nó biết bao bóng hình, khuôn mặt, in vào biết bao dấu vân tay nâng niu, soi chiếu cảnh huống, kỷ niệm và sự lãng quên.” Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nhiều ngày sau, anh tài xế taxi quay lại căn biệt thự, và họ uống rượu trong khi mâm đĩa than phát một đĩa nhạc nào đấy của thập niên 1960. Bây giờ anh tài xế đã thấy dễ chịu hơn khi đi vào cái không gian cô lập, xa lạ của ông hàng xóm đơn độc. Ông ta kiệm lời, như thể chỉ cần một người anh em ngồi cạnh để yên tâm rót rượu. Trong câu chuyện chắp nối bằng những thông tin rời rạc, anh tài xế biết được rằng ông ta trở về Việt Nam sau nhiều chục năm sống ở Thụy Sĩ. Ông từng có một gia đình yên ấm. Nhưng những năm cuối đời, ông chọn ẩn dật một mình trên quê hương với cái không gian tịch mịch, nơi không có gì khác ngoài những cuốn sách và âm nhạc.
Anh tài xế taxi nói rằng, anh đã bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ của một người có đời sống vượt ngoài mọi suy luận bình thường của anh.
Một ngày nọ, người đàn ông đó nói với anh rằng, ông ta phải rời xa căn nhà ít lâu để về Sài Gòn, nhờ vợ chồng anh giữ chìa khóa và thi thoảng sang lau chùi dọn dẹp như quản gia với khoản khí hằng tháng được thu xếp sẵn trong các phong bì đặt ở nơi hộc tủ. Ông không có lưu ý gì đặc biệt ngoài những căn dặn tỉ mỉ rằng dàn máy hát thì cứ phủ những tấm vải trắng để chống bụi, còn các tủ đĩa than, băng cối, giá sách và những bức tranh thì cứ khóa kỹ ở đâu theo trật tự đó không di chuyển.
Ông rời đi với một chiếc va-li lớn. Đó là chuyến ra đi không ngày về. Ông mất trong bệnh viện bởi một khối u đã di căn. Vậy là những ngày dài lặng lẽ trong căn biệt thự sương trắng phủ vây, người đàn ông nằm gác chân lên ghế sofa nghe nhạc từ bộ mâm đĩa và loa hát cũ chính là khoảng thời gian ông sống với cơn đau như những vết nứt không ngừng lan ra từ bên trong cơ thể mình. Những gì là tình yêu và đam mê trong thú theo đuổi âm thanh xưa, nay gói gọn ở một căn phòng nhỏ, rốt cuộc trao lại cho một người hàng xóm mà ông chỉ mới vài lần gặp.
Trước khi tiễn khách xuống xe, anh tài xế taxi mở một tệp ảnh trong điện thoại và phóng bức ảnh cho tôi xem. Trong ảnh, một người đàn ông cao lớn, mái tóc bạc, vận bộ đồ jeans xanh trông phong lưu đang ngồi trước một dàn máy hát với nhiều mâm than, đầu đĩa cối và những thùng loa cũ kỹ. Khuôn mặt trầm tư đăm chiêu của người đàn ông như đang đắm chìm vào một giai điệu nào đó thoát ly (là một bản nocturne thi vị và đơn độc của Chopin chăng?) Trong bức ảnh, các cửa chớp của căn phòng hửng lên thứ ánh sáng đục của sương mù quyện trong nắng của một sớm mùa đông nào đó không còn lặp lại nơi thành phố này.
Anh tài xế taxi nói rằng mình không biết sử dụng tất cả máy móc và những chiếc đĩa than đó. Anh phủ vải trắng lên tất cả dàn máy, kệ đĩa sau khi lo hậu sự thật đơn giản cho người đàn ông không người thân thích. Căn phòng như một bảo tàng viện của tang tóc. Tro cốt ông ta được đặt trên chiếc bàn giữa căn phòng hoang lạnh. Hằng ngày sau giờ làm, anh vẫn trở về đó lau chùi dọn dẹp mà không đợi chủ nhà trở về để trả công.
Nhưng có hôm, thật lạ, đứng ở dãy hành lang mưa, anh đã nghe âm nhạc vang lên một cách bí ẩn từ bên trong gian phòng.
“Tôi chỉ là người giữ chìa khóa căn phòng. Tôi không biết phải làm gì với tất cả những chiếc đĩa, máy hát và các vật dụng mà ông ta sưu tập. Tôi chỉ nhớ một lời hứa, là ra vào dọn dẹp, và những thứ cần yên vị thì như một nguyên tắc, nhất thiết tuân thủ. Có vài người biết và muốn tôi bán lại những đồ vật ấy, nhưng đâu thể, tôi không phải là chủ nhân của chúng”, anh nói.
Câu chuyện trên đoạn đường ngắn cũng chỉ là những bộc bạch đơn thuần giữa anh tài xế với những người qua đường có mối quan tâm đến âm nhạc và âm thanh cổ, không đủ để tôi đưa ra một lời an ủi nào, và không chắc người kể cần đến một lời khuyên nào. Bởi tôi biết, hơn ai hết, người được trao phó những di sản cá nhân ấy sẽ biết mình phải làm gì, giữ những nguyên tắc nào với người đã khuất, cho dù đó là một người có thế giới tâm hồn xa xôi phức tạp mà anh dù tôn trọng nhưng chưa thể bước vào.
*
Bây giờ, Sài Gòn, nơi tôi sống đã có nhiều tiệm đĩa than cũ.
Những tiệm đĩa đó, trong tâm cảm của riêng tôi, có lẽ, là những căn phòng với thứ ánh sáng âm, ngày cũng như đêm. Thứ ánh sáng được tạo nên một cách gián tiếp, hoặc là gia giảm quang phổ khi xuyên qua một bầu không trung gian nào đó, thứ ánh sáng đẩy người ta vào cõi giới u hoài. Đó là lý do tôi thích cảm giác ngụp lặn trong các không gian những tiệm đĩa cũ hơn là sở hữu vội vàng những chiếc đĩa mình tìm kiếm qua các hội nhóm mua đĩa trên mạng.
“Trong cái không gian già nua của những chiếc đĩa hát cũ, lạ thay, con người không còn phải già đi thêm một chút nào.” Trong ảnh: Một cửa hàng đĩa than cũ ở Brussels, Bỉ (trên); và ở Birmingham, Anh (dưới). Nguồn: INT
Trong cái không gian già nua của những chiếc đĩa hát cũ, lạ thay, con người không còn phải già đi thêm một chút nào. Đó cũng là cảm giác của tôi khi nhìn thấy năm này qua năm khác, những ông lão bà lão chủ các kệ đĩa trên phố Frankfurt vẫn như mùa thu lần đầu tôi gặp. Họ nói về The Beatles, Jonah Jones, Ella Fitzgerald, Leonard Cohen, Chet Baker hay xa hơn, về Chopin, Brahms, Puccini như thiên thần truyền tin cho Đức Bà trong Kinh Thánh. Sự thuần khiết vượt trên bụi trần được truyền trao chứ không phải những sòng phẳng mua bán. Họ nói với tôi rằng, mỗi chiếc đĩa đã đi qua một dòng chảy thời gian, thăng trầm dâu bể và nếu đến tay anh, nó sẽ tiếp tục cuộc trôi dạt ấy như đời một con người đang hiện hữu theo định mệnh an bài. Mặt đen bóng của đĩa hát đã soi vào thẳm sâu của nó biết bao bóng hình, khuôn mặt, in vào biết bao dấu vân tay nâng niu, soi chiếu cảnh huống, kỷ niệm và sự lãng quên.
Tôi đón về âm nhạc, hẳn rồi. Nhưng sâu xa hơn, tôi đón về một kho tàng thời gian đã đi qua trong thanh âm và lịch sử ký ức. Khi mặt đĩa bắt đầu xoay, tôi vẫn thường tự hỏi rằng người chơi nhạc, người cất lên giọng ca, người viết bản tổng phổ, hãng đĩa hay cả những chủ nhân thứ nhất, thứ hai... có bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó trong thế giới này chiếc đĩa hát này, tác phẩm này trôi về và neo đậu ở trong một kệ đĩa nghèo nàn ở nơi thành phố xứ nhiệt đới của một kẻ sống năm, mười, ba mươi, bốn mươi, thậm chí hơn nửa thế kỷ sau? Và tôi, như kẻ thừa kế một di sản ký ức, hiểu gì về đời sống của những vật thể đó, những băng đĩa cũ, dấu vết của những kho tàng ký ức văn hóa và lịch sử tinh thần?
Dầu thế nào, thì những chiếc đĩa than cũ vẫn là một hành trình bí mật chuyên chở giá trị sáng tạo, được sinh ra để cứu rỗi và thăng hoa tâm hồn con người, được chuyển dịch trong thế giới bằng các nghiệp lực và cơ duyên lạ lùng của chốn nhân gian.
Tôi không thể dò thấu những bí mật lắng chìm sâu bên dưới dòng chảy của thanh âm và thời gian. Tôi chỉ có thể biết một điều duy nhất: mình đã lạc vào thế giới của những kẻ thích sưu tập, những kẻ gom góp từng đổ vỡ và đứt gãy khắp nơi mà họ đi qua, mang về đặt trong một căn phòng tĩnh lặng để rồi lắng nghe thứ âm nhạc cất lên từ trong khối suy tưởng viển vông, âu sầu và khổ hạnh.