Học tập không gắn liền và dựa trên việc đọc sách rất dễ trở thành học gạo, học để thi và không thực sự tạo ra người có học vấn, có khả năng sáng tạo cao và tư duy độc lập.
Ở Việt Nam, bằng quan sát và trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy tỷ lệ các gia đình có tủ sách trong nhà và chăm lo đến việc đọc sách cho con em mình vẫn nhỏ, tập trung vào các gia đình trung lưu trở lên ở các đô thị. Rất nhiều gia đình sống ở thành phố, trong nhà có nhiều tiện nghi đắt tiền nhưng không hề có tủ sách. Ở nông thôn, miền núi, sự thiếu vắng tủ sách gia đình càng rõ hơn. Trong một lần đi nói chuyện khuyến đọc và tặng sách cho một ngôi làng ở đồng bằng Bắc Bộ, tôi được bác trưởng làng cho biết trong ngôi làng này (cách Hà Nội chưa đầy 100km) mỗi nhà bác có tủ sách. Tôi nghĩ còn có rất nhiều làng quê khác ở trong tình trạng như thế. Trong khi đó, tủ rượu, dàn hát karaoke, tivi màn hình lớn lại tương đối phổ biến. Điều này nói lên rằng chủ nghĩa tiêu dùng vật chất và văn hóa nghe nhìn nặng về giải trí đang lấn át văn hóa đọc.
Đọc sách cùng nhau có thể giúp sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trở nên bền chặt hơn. Trong ảnh: Tác giả bài viết đọc sách cho con gái 5 tuổi và con trai 2 tuổi mỗi ngày. Nguồn: TGCC
Trong bối cảnh đó, việc “đặt” một tủ sách vào trong các gia đình sẽ đem lại sự thay đổi nhận thức của người chủ gia đình và các thành viên về giá trị văn hóa tinh thần trong cuộc sống. Việc xuất hiện tủ sách trong gia đình còn giúp cho trẻ em được tắm mình trong sinh hoạt văn hóa từ sớm và liên tục trong suốt thời thơ ấu. Đây là nền tảng quan trọng cho trẻ trưởng thành về tâm hồn, trí tuệ. Rất nhiều cha mẹ chỉ chăm lo cho việc học của con bằng cách cho trẻ đi học thêm hết lớp này đến lớp khác mà bỏ quên công việc quan trọng này. Việc học tập không gắn liền và dựa trên việc đọc sách rất dễ trở thành học gạo, học để thi và không thực sự tạo ra người có học vấn, có khả năng sáng tạo cao và tư duy độc lập.
Đặc biệt, khi cả nhà cùng đọc sách, sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trở nên bền chặt và sâu sắc hơn.
Cần những chỉ dẫn, gợi ý chuyên môn
Để xây dựng tủ sách gia đình, việc lựa chọn được những cuốn sách hữu ích và phù hợp với các thành viên là bước khởi đầu quan trọng. Đối với những người đã có thói quen đọc sách, có trải nghiệm đọc sách sâu rộng, đây không phải là công việc quá khó. Nhưng với những gia đình không có truyền thống đọc sách thì nó lại là công việc không hề dễ. Khi đó, để lựa chọn được cuốn sách phù hợp, họ sẽ cần đến lời khuyên, chỉ dẫn, gợi ý từ những người có chuyên môn như thủ thư thư viện, chuyên gia, thầy cô giáo, các đơn vị xuất bản…
Ở Nhật Bản, giáo viên thường xuyên làm công việc lập danh mục các cuốn sách học sinh “phải đọc” và “nên đọc” và gửi về cho gia đình học sinh tham khảo. Ngoài ra, các tổ chức liên quan đến giáo dục và văn hóa đọc như Hiệp hội Thư viện trường học, Hiệp hội Xuất bản… cũng thường xuyên và định kì đưa ra danh mục các cuốn sách nên đọc dành cho các độ tuổi khác nhau. Những danh mục này sẽ là gợi ý quan trọng cho phụ huynh lựa chọn sách cho gia đình.
Gần đây, các công ty sách, nhà xuất bản ở Việt Nam đã bắt đầu đưa ra những danh mục cụ thể dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Bản thân tôi trong cuốn sách mới xuất bản gần đây với tựa đề “Xây dựng tủ sách gia đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và xây dựng xã hội văn minh” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022) cũng giới thiệu 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình ở phần phụ lục.
Không có danh sách nào có tính chất cố định và tuyệt đối vì mỗi cá nhân, gia đình sẽ có nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, việc nhiều chuyên gia, nhiều cơ quan xuất bản đưa ra các danh mục sách nên đọc sẽ giúp cho người dân khi xây dựng tủ sách gia đình có thêm thông tin tham khảo để lựa chọn được sách tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của các thành viên trong gia đình.
Không chỉ trong phạm vi gia đình
Khi đã có tủ sách gia đình với số lượng sách tương đối, các sách được lựa chọn cẩn thận, việc tiếp theo sẽ là khai thác, sử dụng sách trong phạm vi trong và ngoài gia đình.
Trong phạm vi gia đình, đối với các trẻ dưới 6 tuổi tức là chưa vào học tiểu học và chưa biết chữ, việc cha mẹ đọc sách cho con và hướng dẫn con làm quen với sách là việc quan trọng. Cho dù bận rộn, cha mẹ cần dành thời gian thích hợp, có thể chỉ là 5-10 phút mỗi ngày, để đọc sách cho con. Việc này cần tiến hành khéo léo, thường xuyên để trẻ quen với sách và biết thưởng thức việc đọc sách.
Khi trẻ đã học tiểu học và biết đọc, cha mẹ có thể cho con tự đọc theo thời gian biểu cố định hoặc theo nhu cầu của trẻ. Đối với những trẻ mới học lớp 1 - lớp 2, khả năng tập trung còn hạn chế và nhanh mệt khi đọc, cha mẹ có thể chơi trò “đọc sách luân phiên” cùng con. Hôm nay, ở phần này, bố mẹ đọc cho con nghe còn hôm sau, phần tới con sẽ đọc cho bố mẹ nghe. Cách làm này giúp cho trẻ không cảm thấy ngại khi đọc các cuốn sách có dung lượng lớn, hoặc sách có ít tranh minh họa. Cùng với việc đọc, cha mẹ còn cần hướng dẫn trẻ viết, nói, thảo luận, trao đổi về sách hoặc nội dung liên quan với những cuốn sách đã và đang đọc. Việc này giúp đặt việc đọc vào một hệ sinh thái và rèn luyện năng lực tư duy, năng lực biểu đạt sáng tạo.
Đọc sách nên gắn liền với suy ngẫm và thực hành - từ thực hành trong đời sống cá nhân, gia đình với những việc như ăn, mặc, ở, đi lại, quản lý thời gian tới thực hành sáng tạo ra các sản phẩm, làm việc nhà và học tập.
Việc đọc cũng có thể gắn liền với vui chơi, trải nghiệm thiên nhiên, đời sống xã hội khi cha mẹ, thầy cô hướng dẫn trẻ kiểm chứng các thông tin đọc được từ sách trong thực tế, tìm ra sự liên hệ giữa những điều được viết trong sách và các hiện tượng tự nhiên, xã hội quan sát được.
Không chỉ trong phạm vi gia đình, nếu có điều kiện và quyết tâm, chúng ta có thể mở rộng hoạt động của tủ sách gia đình ra bên ngoài bằng cách cho bạn bè, người thân, hàng xóm mượn sách. Các gia đình có cùng chung mối quan tâm tới văn hóa đọc, giáo dục con cái có thể giao lưu, trao đổi thông tin và học hỏi lẫn nhau.
Lấy tủ sách gia đình làm điểm khởi đầu, các gia đình còn có thể đưa con tham gia vào các hoạt động khuyến đọc ở địa phương như ra mắt/giới thiệu sách, giao lưu với tác giả, ngày hội sách. Trẻ và bố mẹ cũng có thể trở thành tình nguyện viên đọc sách cho trẻ em, người khác nghe ở trường, ở thư viện, các sự kiện khuyến đọc.
Xây dựng một nền văn hóa đọc lớn mạnh cho quốc gia là một công việc lâu dài, cần đến cả chính sách vĩ mô lẫn nỗ lực của từng người dân bình thường nhất. Trong đó, làm cho tủ sách hiện diện ở các gia đình trên khắp Việt Nam là một việc nhỏ, ai cũng có thể làm được nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Tủ sách gia đình tinh tuyển theo đề xuất của độc giả
Công ty Cổ phần sách Omega+ vừa công bố Dự án ‘’Tủ sách Đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’, hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình.
Danh mục cho tủ sách này do chính các độc giả đề xuất và được tinh lọc bởi Ban Cố vấn chuyên môn, gồm các học giả, nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, người xuất thân và sinh trưởng trong những gia đình có nề nếp đọc sách cũng như người có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt.
Tủ sách Đời người gồm 7 tủ sách nhỏ: Sách thiếu nhi, Văn học thế giới, Văn học Việt Nam, Phát triển bản thân, Văn hóa - Giáo dục, Lịch sử - Tư tưởng, Phong tục - Lối sống. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2024, ít nhất 100 cuốn thuộc Dự án sẽ được xuất bản.
Cục Xuất bản Việt Nam cho biết, trong ba năm 2016-2018, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách, hơn 300 triệu trong số đó là sách giáo khoa và giáo trình phục vụ học tập và nghiên cứu. Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách các loại khác, đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc khoảng 1 quyển sách - so với con số trung bình 20 cuốn sách/năm của các nước Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản; hay 14 cuốn sách/năm của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan. Trong khi đó, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thỉnh thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đọc sách.
|
Bài tiếp theo: Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường