Vào thập niên 1910, nhà hóa học người Mỹ gốc Phi Alice Ball đã phát triển phương pháp điều trị hiệu quả đầu tiên cho những người mắc bệnh phong, một căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng và viêm loét da.

Alice Ball sinh ra tại Seattle, Washington (Mỹ) vào ngày 24/7/1892. Mẹ của cô là nhiếp ảnh gia và bố là luật sư nên kinh tế của gia đình tương đối khá giả. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Seattle vào năm 1910, cô theo học chuyên ngành hóa dược tại Đại học Washington. Cùng với thầy giáo của mình, cô đã xuất bản một bài báo dài 10 trang trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ với tiêu đề “Benzoylations in Ether Solution” (Benzoyl hóa trong dung dịch ête). Đây là thành tích hiếm có đối với một phụ nữ trong xã hội đương thời.

Alice Ball (1892 – 1916). Ảnh: Wikipedia.

Năm 1915, Ball trở thành người phụ nữ đầu tiên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Đại học Hawaii. Sau đó cô tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy tại khoa hóa học của ngôi trường này.

Trong luận văn thạc sĩ của mình, cô đã nghiên cứu thành phần hóa học của cây kava (Piper methysticum), một loại thảo mộc được sử dụng rộng rãi với tác dụng an thần và làm dịu cơn đau. Công trình này đã thu hút sự chú ý của Harry Hollmann, một bác sĩ tại Bệnh viện Kalihi ở Hawaii. Hollmann đã tìm đến sự giúp đỡ của Ball với hy vọng phân lập các thành phần hoạt tính từ thiên nhiên để điều trị bệnh phong.

Vào thời điểm đó, các bệnh nhân phong người Mỹ thường được đưa đến một khu biệt lập ở Hawaii nhằm ngăn chặn sự lây lan cho cộng đồng. Không chỉ tại Mỹ, căn bệnh này đã gây ra tổn thương thần kinh và tổn thương da nghiêm trọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Gerhard Henrik Armauer Hansen, một bác sĩ người Na Uy, lần đầu tiên xác định vi khuẩn Mycobacterium leprae là thủ phạm gây ra bệnh phong vào năm 1873. Do đó, bệnh phong còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh Hansen.

Loại thuốc điều trị bệnh phong phổ biến nhất vào đầu thế kỷ XX là dầu chiết xuất từ hạt của cây chaulmoogra (đại phong tử), một loại cây thường xanh nhiệt đới. Người ta sẽ bôi dầu bên ngoài da, uống hoặc thậm chí tiêm vào tĩnh mạch. Mặc dù sức khỏe của những bệnh nhân trải qua phương pháp điều trị này đôi khi được cải thiện, nhưng nó thường gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn và áp xe bên dưới da. Nguyên nhân là do ở dạng chưa tinh khiết, dầu chaulmoogra không tan trong nước và có thể gây ra một số phản ứng bất lợi đối với cơ thể.

Từ lời đề nghị của Hollmann, Ball đã phát triển một kỹ thuật mới để phân tách các thành phần hoạt tính trong dầu của hạt chaulmoogra, bao gồm các axit béo. Sau đó, cô biến đổi chúng về mặt hóa học để tạo thành những phân tử este etylic có thể hòa tan trong nước, dễ dàng được cơ thể hấp thụ thông qua phương pháp tiêm trong khi vẫn giữ nguyên tác dụng điều trị bệnh.

Hợp chất tiêm do Ball điều chế là loại thuốc điều trị hiệu quả đầu tiên cho những người mắc bệnh phong mà không gây ra tình trạng áp xe trên da hoặc các tác dụng phụ không mong muốn khác.

Thật đáng tiếng, Ball qua đời một cách đột ngột sau khi gặp biến chứng do hít phải khí clo trong một tai nạn giảng dạy ở phòng thí nghiệm vào năm 1916. Khi đó cô chỉ mới 24 tuổi và chưa công bố những thành quả nghiên cứu mang tính cách mạng của mình.

Sau này, Arthur Dean – một người bạn đồng nghiệp của Ball và là hiệu trưởng của Đại học Hawaii – đã công bố kết quả nghiên cứu của Ball và bắt đầu chiết xuất một lượng lớn các thành phần hoạt tính từ hạt chaulmoogra để điều chế thuốc tiêm. Tuy nhiên trong các bài báo, Dean lại khẳng định đây là công lao nghiên cứu của riêng mình mà không đề cập đến Ball, thậm chí còn gọi quá trình điều chế thuốc là “Phương pháp Dean”.

Cuối cùng, Hollmann – người ban đầu khuyến khích Ball phân lập các thành phần hoạt tính từ thiên nhiên để điều trị bệnh phong – đã lên tiếng về vấn đề này. Năm 1922, ông xuất bản một bài báo đề cập đến các nghiên cứu của Ball. Ông nêu rõ Ball mới là người đầu tiên điều chế thành công loại thuốc tiêm chữa bệnh phong thay vì Dean.

Năm 1918, tổng cộng 78 bệnh nhân phong tại Bệnh viện Kalihi đã hết tổn thương và xuất viện sau khi điều trị bằng thuốc tiêm của Ball. Kết quả thử nghiệm được công bố chi tiết trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ. Kể từ đó, loại thuốc này dần trở thành phương pháp điều trị bệnh phong tiêu chuẩn trong nhiều thập kỷ cho đến khi các loại thuốc sulfonamide xuất hiện vào những năm 1940.

Năm 2000, Đại học Hawaii đã treo một tấm bảng bằng đồng trên cây chaulmoogra duy nhất ở trong khuôn viên trường để tôn vinh cuộc đời của Ball và công trình nghiên cứu khoa học quan trọng của cô. Cùng lúc đó, Mazie Hirono – Thống đốc bang Hawaii – tuyên bố ngày 29/2 là “Ngày Alice Ball” và lễ kỷ niệm được tổ chức bốn năm một lần. Năm 2007, Hội đồng Quản trị Đại học Hawaii đã truy tặng cho cô Huân chương Xuất sắc. Tháng 3/2016, tạp chí Hawaii đưa Ball vào danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Hawaii.

Năm 2017, Paul Wermager, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii, đã thành lập học bổng mang tên “Alice Augusta Ball” để hỗ trợ những sinh viên xuất sắc theo đuổi chuyên ngành hóa học, sinh học, hóa sinh hoặc vi sinh.

“Ball không chỉ vượt qua rào cản về chủng tộc và giới tính trong thời đại của mình để trở thành một trong số rất ít phụ nữ Mỹ gốc Phi hoàn thành chương trình thạc sĩ hóa học, cô ấy còn phát triển phương pháp điều trị hiệu quả đầu tiên cho bệnh phong. Đáng tiếc là cuộc đời của cô quá ngắn ngủi, nếu không cô ấy có thể tiến hành thêm nhiều nghiên cứu mang tính đột phá và có tính ứng dụng cao cho nhân loại”, Wermager cho biết.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố loại bỏ bệnh phong ra khỏi danh sách các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Câu chuyện về cuộc đời và hành trình tìm kiếm phương pháp chữa bệnh phong của Ball được mô tả lại một cách sống động và chân thực trong bộ phim ngắn có tựa đề The Ball Method (2020).

Trong nhiều năm qua, con người từng nỗ lực thử nghiệm các loại vaccine nhằm phòng ngừa bệnh phong nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, bệnh phong hoàn toàn có thể được chữa khỏi với liệu trình điều trị bằng nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để ngăn ngừa biến chứng.

Theo Live Science, Scientific Women