Nga vừa công bố đoạn phim bí mật về vụ thử nghiệm quả bom hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử mang tên Tsar Bomba nhân dịp lễ kỷ niệm 75 năm ngành công nghiệp hạt nhân của quốc gia này. Tsar Bomba có sức công phá khoảng 50 megaton, mạnh gấp hàng nghìn lần quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

Các nhà khoa học Liên Xô lắp ráp bom Tsar Bomba. Ảnh: Rosatom.
Các nhà khoa học Liên Xô lắp ráp bom Tsar Bomba. Ảnh: Rosatom.

Trong giai đoạn cao điểm của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thủ tướng Liên Xô Nikita Krushchev đã ra lệnh phát triển một loại vũ khí hạt nhân có sức công phá 100 megaton. Bốn nhà vật lý Victor Adamskii, Yuri Babaev, Yuri Smirnov, Yuri Trutnev và các kỹ sư chỉ có 15 tuần để chế tạo quả bom nhiệt hạch [hoặc bom H] Tsar Bomba với tên gọi chính thức là RDS-220. Cuối cùng, họ tạo ra quả bom có đương lượng nổ 50 megaton – tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT phát nổ cùng lúc.

Ngay cả với một nửa lượng chất nổ theo yêu cầu của Krushchev, Tsar Bomba vẫn có sức mạnh khó tin. Nó là quả bom H mạnh nhất từng được thử nghiệm trên thế giới, vượt xa quả bom H Castle Bravo mạnh nhất của Mỹ có sức công phá 15 megaton.

Trong bộ phim tài liệu dài 40 phút đăng tải trên YouTube vào cuối tháng tám, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những khoảnh khắc dẫn đến việc phát nổ quả bom Tsar Bomba vào ngày 30/10/1961. “Người xem có thể nhìn thoáng qua vào bên trong quả bom, mặc dù bộ phim không tiết lộ điều gì về kỹ thuật chế tạo nó”, Alex Wellerstein, nhà sử học hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ), cho biết.

Liên Xô thử nghiệm bom Tsar Bomba trên đảo Novaya Zemlya nằm ở phía Bắc của Vòng Bắc Cực. Chiếc máy bay Tu-95 đã thả quả bom nặng 27 tấn, dài bằng một chiếc xe buýt hai tầng xuống đất bằng dù để hãm tốc độ rơi của nó, giúp máy bay có đủ thời gian thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ. Do quả bom có kích thước khá lớn nên các kỹ sư phải sửa đổi thiết kế của chiếc máy bay. Cụ thể, họ loại bỏ cửa khoang chứa bom và một số thùng nhiên liệu nhằm tăng không gian chứa bom. Máy bay được sơn màu trắng để phản xạ các bức xạ nhiệt từ vụ nổ.

Vụ nổ thử nghiệm bom Tsar Bomba. Ảnh: Gloalsecurity.
Vụ nổ thử nghiệm bom Tsar Bomba. Ảnh: Gloalsecurity.

Quả bom Tsar Bomba phát nổ ở độ cao gần 4 km so với mặt đất, nhưng sóng xung kích do nó tạo ra đã khiến hòn đảo Novaya Zemlya bị san phẳng và mặt đất cháy xém. Vụ nổ hình thành quả cầu lửa màu cam khổng lồ và một đám mây hình nấm vươn tới rìa không gian, cao hơn khoảng bảy lần so với ngọn núi cao nhất thế giới Everest.

“Vụ nổ bom hạt nhân phát ra tia X – yếu tố làm ion hóa và đốt nóng bầu không khí xung quanh. Một khối cầu khí nóng [trông giống quả cầu lửa] nhanh chóng hình thành, vươn lên cao tới tận tầng trung lưu”, nhà vật lý David Dearborn tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ), cho biết.

Những người chứng kiến cuộc thử nghiệm bom Tsar Bomba có thể nhìn thấy chớp sáng từ khoảng cách hơn 960 km và cảm thấy sức nóng đáng kinh ngạc trong vòng bán kính 250 km. Vụ nổ mạnh đến mức khiến máy bay thả bom bị chao đảo, lao xuống độ cao 900 m trước khi phi công kịp kiểm soát lại nó. Trong vòng một giờ sau vụ nổ, tín hiệu radio bị nhiễu trong bán kính hàng trăm km do quá trình ion hóa khí quyển.

Cuộc thử nghiệm bom Tsar Bomba đã đi vào lịch sử với tư cách là vụ nổ nhân tạo lớn nhất trên Trái đất. May mắn là không có ai thiệt mạng do nơi thử nghiệm là một trong những vùng xa xôi nhất của Liên Xô. Sóng xung kích phát ra từ vụ nổ làm vỡ cửa kính và gây tiếng nổ lớn trên đảo Dikson, cách nơi thử nghiệm khoảng 800 km. Vụ nổ có khả năng gây bỏng độ ba ở khoảng cách tới 100 km.

Nếu mục tiêu là một thành phố lớn của Mỹ, thì câu chuyện sẽ rất khác. Trong trường hợp Tsar Bomba rơi xuống thủ đô Washington của Mỹ, nó sẽ giết chết 2,2 triệu người và lan truyền mức độ phóng xạ nguy hiểm đến tận bang Pennsylvania. Để so sánh, bom Tsar Bomba có sức công phá gấp 3.000 lần quả bom Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Theo tờ The Barents Observer của Na Uy, bụi phóng xạ từ vụ nổ đã được ghi nhận trên khắp bán đảo Scandinavia. Nhưng vì quả cầu lửa không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nên bức xạ này tương đối nhỏ.

Vụ thử nghiệm bom Tsar Bomba đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ. Nhờ đó, cuộc chạy đua vũ khí nhiệt hạch và nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân đã được ngăn chặn. Trước vụ nổ Tsar Bomba, Mỹ đã vươn lên dẫn trước trong cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh. Năm 1954, Mỹ thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch Castle Bravo có sức công phá 15 megaton.

Năm 1963, Mỹ, Liên Xô và Vương quốc Anh đã ký Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Vũ khí Hạt nhân Một phần – bao gồm quy định cấm các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân được chuyên chở bằng máy bay. Kể từ đó, các quốc gia thường tiến hành thử nghiệm vũ khí nguyên tử dưới lòng đất. Thay vì tạo ra những quả bom khổng lồ, họ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân theo hướng thu nhỏ kích thước, cho phép gắn chúng trên đầu tên lửa hoặc vận chuyển bằng xe tải và tàu ngầm.

Một vụ thử hạt nhân vào năm 2018 ở Triều Tiên đã khiến cả một ngọn núi đổ sập xuống cơ sở thử nghiệm. Sự kiện này là một lời nhắc nhở rằng thế giới có lẽ không cần một quả bom Tsar Bomba khác để gây ra thiệt hại hạt nhân tàn khốc.

Sau cuộc chạy đua giành ngôi vương về vũ khí hủy diệt vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô phần nào chuyển hướng sang cuộc đua chinh phục vũ trụ trong thập niên 1960, 1970. Đây là khoảng thời gian nhân loại chứng kiến nhiều thành tựu vũ trụ đột phá, chẳng hạn như sự kiện phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian trên tàu Vostok, hoặc phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.