“Nghệ thuật yêu” (The Art of Loving) của Erich Fromm khám phá một chủ đề đặc biệt mà theo tác giả, là “giải pháp lành mạnh và thỏa đáng nhất cho vấn đề tồn tại người”: tình yêu.
Erich Seligmann Fromm (1900 –1980) là nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức. Ngày nay, Erich Fromm được coi là một trong những nhà phân tâm học quan trọng nhất của thế kỷ 20. Lý thuyết của Fromm có sự pha trộn giữa Freud - nhà thần kinh học, tâm lý học luôn nhấn mạnh vô thức, những thôi thúc sinh học - và Marx - nhà triết học nhìn nhận con người như những thực thể được định hình bởi xã hội, đặc biệt là bởi hệ thống kinh tế.
Cuốn sách “Nghệ thuật yêu” (xuất bản lần đầu năm 1956) của ông khám phá một chủ đề đặc biệt mà theo ông, là “giải pháp lành mạnh và thỏa đáng nhất cho vấn đề tồn tại người”: tình yêu. Trong tác phẩm này, Fromm không chỉ đề cập tình yêu lãng mạn giữa hai cá thể, ông còn đi sâu vào tình yêu đồng loại, tình yêu của cha/mẹ dành cho con cái, tình yêu bản thân [self love], và tình yêu Thượng đế.
Đúng như Fromm khẳng định: bất cứ ai trông đợi một chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc tác phẩm của ông. Đây không phải là cuốn sách hướng dẫn cách “bôi trơn” các mối quan hệ, mà nó buộc độc giả phải nhìn nhận lại thế nào là tình yêu. Fromm chỉ ra một lầm tưởng lớn nhất của chúng ta - “Ai cũng xem tình yêu căn bản là vấn đề được yêu [being love] hơn là yêu, là khả năng yêu thương một con người cụ thể.” Chúng ta tìm đủ mọi cách cốt để bản thân trở nên đáng yêu [lovable]: với đàn ông, “đáng yêu” đồng nghĩa với thành đạt, quyền lực, giàu có; với phụ nữ thì có nghĩa là sở hữu một ngoại hình hấp dẫn. Cả hai giới đều phấn đấu để biết đối nhân xử thế, hài hước, tinh tế, khiêm tốn và thân thiện,… - những nét cơ bản của tính cách “đáng yêu”. Điều đó có nghĩa, vấn đề của tình yêu nằm ở đối tượng [object], chứ không phải là một khả năng [faculty]. Chúng ta thường nghiễm nhiên cho rằng yêu là chuyện đơn giản, ai cũng có thể làm được, quan trọng là tìm ra đúng đối tượng để gửi đặt tình yêu của mình. Đó là một ảo tưởng lớn cần phải phá vỡ, ít nhất theo quan điểm của Erich Fromm.
Khi nhấn mạnh vai trò của đối tượng, Fromm cho rằng, đó cũng là khi ta coi tình yêu như một trao đổi hai bên cùng có lợi, ta đang tìm kiếm người yêu như tìm kiếm một món hàng đẹp đẽ, có những phẩm chất được ưa chuộng trên thị trường tính cách. Trong một nền văn hóa mà định hướng thị trường chiếm ưu thế và thành công vật chất được tán dương đặc biệt thì không thể tránh khỏi các mối quan hệ yêu thương của con người sẽ đi theo mô hình trao đổi như mô hình chi phối hàng hóa và thị trường lao động.
Erich Fromm cũng phân biệt rành rẽ giữa trải nghiệm ban đầu khi mới “sa vào” [falling in] tình yêu với việc đứng trong tình yêu [standing in love]. Khoảng thời gian mới mẻ thường tuyệt vời và kỳ diệu, đặc biệt với những kẻ quen cô đơn, sống khép kín và không có trải nghiệm tình yêu trước đó. Tuy nhiên độ mãnh liệt của cuồng si trong giai đoạn này không hề phản ánh chất lượng của mối quan hệ, nó chỉ đơn giản là bằng chứng cho thấy mức độ cô đơn của họ trước đó mà thôi.
Con người, từ đông tây - kim cổ, đều khao khát vượt qua cảm giác cô đơn, chia cách, để đạt được sự hòa hợp với tha nhân, với nhân loại và vũ trụ. Fromm đã liệt kê rất nhiều cách thức mà con người thi triển để tìm kiếm sự hòa hợp - cả những cách thức giả tạo, kém hiệu quả hay mang tính chất tạm thời - nhưng hết thảy đều chỉ là những giải pháp phiến diện. Ông cho rằng, “giải đáp trọn vẹn nhất nằm ở việc đạt được sự gắn bó giữa các cá nhân, sự hòa hợp người này với người khác, trong tình yêu”. Tình yêu ở đây hàm ý tình yêu đã chín muồi, là sự hợp nhất trong điều kiện bảo tồn sự toàn vẹn và tính cá biệt của mỗi người chứ không phải những gắn bó cộng sinh, những hợp tác đôi bên cùng có lợi. Gắn với thứ tình yêu này luôn là sự quan tâm, trách nhiệm, sự tôn trọng và hiểu biết.
Cuốn sách thuyết phục người đọc rằng mọi cố gắng trong tình yêu chắc chắn đều thất bại, trừ phi anh ta nỗ lực hết mình nhằm phát triển toàn bộ nhân cách. Việc thỏa mãn trong tình yêu cá nhân sẽ bất khả nếu không có khả năng phát triển tình yêu thương đồng loại cộng thêm nhiều phẩm chất khác như đức khiêm hạ, lòng can đảm, đức tin và kỷ luật. Vì thế, tình yêu không phải mối quan hệ với một người riêng biệt, đó là một thái độ, một định hướng của tính cách. Không tồn tại một tình yêu duy nhất với một người trong khi không quan tâm đến mọi người khác. “Nếu tôi có thể nói với người khác rằng, “tôi yêu bạn”, tôi ắt hẳn có thể nói, “tôi yêu mọi người ở trong bạn, qua bạn tôi yêu cả trần gian này, yêu cả chính tôi trong bạn” - Fromm viết. Tình yêu, theo nghĩa toàn hảo nhất, là một dự án sáng tạo kéo dài cả đời người.
Fromm dành hẳn một chương trong cuốn sách để phân tích và chỉ ra rằng cấu trúc xã hội của nền văn minh phương Tây hiện đại không phải là mảnh đất màu mỡ để tình yêu triển nở. Con người hiện đại bị xa lạ với chính mình, với đồng loại và với thiên nhiên. Họ khao khát tình yêu nhưng nhìn nhận về tình yêu của họ thường bị bóp méo. Hành trình tìm đối tượng để yêu của họ thường phản ánh những dục vọng, nỗi sợ hãi và âu lo của riêng họ. Nhưng tình yêu thực sự nằm ngoài tất cả những thôi thúc vị kỷ đó, nó là mong muốn “cho đi” thay vì “nhận lại”. Dù nhấn mạnh hơn một lần rằng nguyên lý nền tảng của xã hội tư bản không tương thích với nguyên lý của tình yêu, Fromm đồng thời tin rằng đó là cấu trúc phức tạp và thay đổi liên tục, cho phép rất nhiều sự bất tuân phục và phạm vi tự do cá nhân tồn tại. Giữa những kẽ hở đó, rất có thể chúng ta tìm được cách phát triển khả năng yêu của mình.
Trong chương cuối của cuốn sách, Fromm đã chỉ ra những cách thức rèn giũa nghệ thuật yêu. Bất chấp nền văn hóa hiện đại chống lại tình yêu, Fromm cho rằng việc theo đuổi nghệ thuật yêu nên trở thành mục tiêu tối hậu của tất cả chúng ta, thay vì đặt sau những ưu tiên khác như tiền bạc, danh vọng,... Giống như mọi bộ môn nghệ thuật, nghệ thuật yêu đòi hỏi kỷ luật, sự tập trung, kiên nhẫn và thực hành thường xuyên. Nghệ thuật yêu gắn liền với những thực hành tập trung, nghĩa là sống trọn vẹn trong hiện tại, rèn khả năng nhạy cảm với bản thân và người khác, chế ngự thái độ vị kỷ, sống khiêm nhường, khách quan và lý tính… Phát triển khả năng yêu đồng nghĩa với phát triển khả năng trưởng thành, phá bỏ ranh giới bản ngã [ego] chật hẹp để chạm tới mọi người.
Yêu còn gắn với việc đặt lòng tin vào người khác mà để có được lòng tin thì phải can đảm, thậm chí sẵn sàng chấp nhận đau khổ và thất vọng. “Yêu là hiến dâng bản thân mà không cần bảo đảm, trao hết tình yêu với hy vọng tình yêu của mình sẽ sinh ra tình yêu ở người mình yêu. Yêu là một hành động của đức tin, người nào có ít đức tin sẽ ít tình yêu” - Fromm viết. Có vẻ như với ông, người tinh thông nghệ thuật yêu chính là người luôn sống trong bao dung và tỉnh giác.