Hiện nay, phương pháp sản xuất lụa biển sắp biến mất do chỉ còn bà Chiara Vigo sống trên đảo Sardinia ở Italy biết cách dệt loại vải này.
Nghệ thuật dệt lụa biển
Trong khi lụa thông thường được làm từ kén của con tằm thì lụa biển (sea silk) được sản xuất từ một loại trai Địa Trung Hải gọi là pen shell. Tương tự lụa tơ tằm, lụa biển là mặt hàng sang trọng và xa xỉ, rất ít người có cơ hội chạm vào hoặc nhìn thấy nó.
Vào mỗi mùa xuân, bà Chiara Vigo 63 tuổi mặc một bộ trang phục màu trắng, đọc lời cầu nguyện sau đó lặn xuống vùng biển sâu khoảng 15 m ở ngoài khơi đảo Sardinia. Vigo sử dụng một con dao nhỏ cắt những sợi tơ chân (byssus) của trai pen shell [tên khoa học Pinna nobilis] có chức năng giúp con vật bám vào bề mặt rắn. Tơ chân hình thành khi nước bọt của loài nhuyễn thể pen shell tiếp xúc với nước mặn và đông lại thành sợi keratin. Vigo đã thành thạo kỹ thuật cắt đặc biệt cho phép bà thu hoạch nguyên liệu thô cần thiết để dệt vải mà không giết chết con trai biển. Sau khoảng 300 đến 400 lần lặn, Vigo có thể thu thập khoảng 200 gram nguyên liệu ít ỏi.
Loài trai biển pen shell được chính quyền Italy bảo vệ từ năm 1992. Do vậy, người dân không được tự ý đánh bắt hoặc lấy đi bất kỳ phần cơ thể nào của chúng. Công việc thu hoạch tơ của bà Vigo hiện nay được sự cho phép và bảo trợ của cảnh sát biển Italy.
Khi có đủ nguyên liệu trong tay, Vigo đem chúng về xưởng để bắt đầu quá trình dệt sợi. Bà ngâm nguyên liệu trong hỗn hợp tám loại tảo biển, sau đó phơi khô, kéo thành sợi trước khi dùng để dệt hoặc thêu.
Kết quả thu được là một loại vải sáng lấp lánh dưới ánh nắng Mặt trời giống như vàng. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự phổ biến và ưa chuộng của lụa biển trong giới nhà giàu và những người có quyền lực cao thời cổ đại. Ngoài ra, giá trị của lụa biển cũng đến từ tính chất cực kỳ nhẹ của nó khi so sánh với những loại vải thông thường khác, người mặc thậm chí không cảm nhận thấy nó chạm vào da mình.
“Tôi được bà ngoại chở ra biển trên một con thuyền mái chèo để học lặn từ năm ba tuổi. Đến năm 12 tuổi, tôi ngồi trên một chiếc gối và bắt đầu dệt lụa biển ở khung cửi. Kể từ đó, tôi đã gắn bó cả cuộc đời với biển “, Vigo chia sẻ.
Lụa biển trong nhiều nền văn hóa cổ đại
Theo Vigo, nghệ thuật dệt lụa biển hình thành cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Trung Đông cổ đại. Kiến thức về sản xuất lụa biển được Berenice of Cilicia mang đến đảo Sardinia vào thế kỷ thứ nhất. Berenice of Cilicia là một công chúa thuộc triều đại Herodian và là cháu gái lớn của Herod Đại đế.
Phụ nữ sống tại vùng Lưỡng Hà đã sử dụng lụa biển để may quần áo cho các vị vua của họ khoảng 5.000 năm trước. Nó cũng được dùng để làm áo choàng cho vua Solomon, vòng tay của nữ hoàng Nefertiti (Ai Cập), lễ phục thánh cho các vị mục sư, giáo hoàng và pharaoh. Kinh thánh đề cập gián tiếp tới lụa biển trong trích đoạn vua Solomon xuất hiện “tỏa sáng” trước dân chúng. Bộ trang phục ông mặc có màu nâu trong bóng tối nhưng lại phát sáng màu vàng dưới ánh nắng.
Tên gọi của lụa biển còn xuất hiện ở phiến đá Rosetta ở Ai Cập, được nhắc tới 45 lần trong Kinh Cựu ước của Thiên Chúa giáo. Một số đồ vật trong truyện thần thoại có thể là lụa biển. Đây là một cách giải thích về Bộ lông cừu vàng của Jason và Argonauts trong thần thoại Hy Lạp.
Thời cổ đại, nhiều địa danh xung quanh khu vực Địa Trung Hải có loài trai pen shell sinh sống được xem là trung tâm sản xuất lụa biển bao gồm: Italy, Sicily, Tây Ban Nha, Ai Cập, Tunisia, Dalmatia (Croatia), quần đảo Malta, quần đảo Mallorca.
Ngày nay, bà Vigo được tin là người duy nhất còn sót lại trên thế giới biết rõ cách tạo ra lụa biển. Không ai biết chính xác tại sao những người phụ nữ trong gia đình của bà Vigo bắt đầu dệt lụa biển. Nhưng hơn 1000 năm qua, những kỹ thuật phức tạp, mẫu dệt và công thức nhuộm tơ biển đã được truyền lại qua các thế hệ phụ nữ – từ bà đến mẹ đến con gái hoặc các cháu gái của gia đình Vigo.
Lời thề với biển cả
Dù có rất nhiều sản phẩm dệt được trưng bày tại Viện bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Anh và Vatican, nhưng Vigo không giữ lại một tấm lụa biển nào cho riêng mình. Hiện nay, bà sống cùng chồng trong một căn hộ nhỏ. Thu nhập chính của gia đình đều dựa vào lương hưu từ người chồng và những khoản đóng góp mà du khách ủng hộ trong mỗi lần ghé thăm xưởng dệt.
Giống như 23 vị tổ tiên của mình, Vigo chưa bao giờ kiếm tiền từ sản phẩm lụa biển mặc dù mỗi mảnh vải này ước tính trị giá hàng trăm nghìn USD. Các truyền nhân bị ràng buộc bởi một “lời thề biển” thiêng liêng rằng, không bao giờ được phép mua hoặc bán lụa biển để kiếm lời.
Cách duy nhất để sở hữu lụa biển là được trao tặng như một món quà. Vigo từng tạo ra các bộ trang phục cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI và nữ hoàng Đan Mạch, nhưng thường thì bà dệt lụa biển để tặng cho các cặp vợ chồng mới cưới, trẻ em tham gia lễ rửa tội, những người nghèo khổ, vô gia cư và phụ nữ mong muốn có thai.
Gần đây nhất, một doanh nhân người Nhật Bản đã tiếp cận Vigo với đề nghị mua lại tác phẩm nổi tiếng nhất của bà “The Lion of Women” với giá 2,5 triệu euro. Đây là tác phẩm có kích thước 45×45 cm, được Vigo hoàn thành trong suốt 4 năm nhằm dành tặng cho toàn bộ phụ nữ trên thế giới. Bà khẳng định sẽ không bao giờ chấp thuận yêu cầu này vì phụ nữ cần sự trân trọng chứ không phải để mua bán.
Trong cuốn sách “Những bậc thầy dệt lụa biển, lụa tơ tằm và vải lanh”, tác giả Małgorzata Biniecka cho biết, chỉ có hai nơi duy nhất vẫn tồn tại truyền thống sản xuất lụa biển cho tới thập kỷ 1930 là đảo Sardinia và thành phố Taranto (Italy). “Một phụ nữ tại Taranto dám từ bỏ lời thề với biển để cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất lụa biển. Nhưng một năm sau đó, doanh nghiệp đó bị phá sản và người phụ nữ này qua đời một cách bí ẩn”, Biniecka viết.