Bao lâu nay, giới khoa học vẫn tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của thuỷ quái hồ Loch Ness. Mới đây, một dự án đã được tiến hành để truy tìm chuỗi ngoại DNA – được cho là do sinh vật này để lại.

Truyền thuyết về con quái vật nổi tiếng Nessie của người Scotland đã khơi mào câu chuyện đầy bí ẩn của hồ Loch Ness (chu vi 35km và độ sâu tối đa lên đến 230m). Và cũng nhờ huyền thoại này mà mỗi năm hồ đã thu hút được hàng ngàn du khách, những người vì tò mò và mong muốn được chiêm ngưỡng thủy quái.

Bức ảnh được cho là của Nessie do một bác sĩ phẫu thuật người Anh chụp vào năm 1934 hóa ra chỉ là trò bịp bợm. Ảnh: AP/REX/Shutterstoc

Bức ảnh được cho là của Nessie do một bác sĩ phẫu thuật người Anh chụp vào năm 1934 hóa ra chỉ là trò bịp bợm. Ảnh: AP/REX/Shutterstoc

Trong khi nhiều người cho rằng Nessie chỉ là một sinh vật tưởng tượng, một số khác tin rằng nó có thật và là một con khủng long có họ hàng gần với plesiosaur – hay hổ mang biển, mà bằng cách nào đó nó đã sống sót được đến tận ngày nay.

Theo truyền thuyết của người Công giáo, con quái vật đã xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ thứ 6 SCN, khi thánh St. Columba xuất hiện và ngăn cản nó tấn công một người đàn ông. Tới khoảng năm 1934, một bác sĩ phẫu thuật từ London đã chụp được ảnh một bóng đen kỳ lạ giống với chiếc cổ dài nhô lên khỏi mặt nước. Bức ảnh sau đó được đăng tải trên nhật báo Daily Mail, làm dấy lên những câu chuyện được thổi phồng về con quái vật. Phải mất hàng thập kỷ sau, người ta mới phát hiện đó thực ra chỉ là tin vịt hay trò bịp bợm, không hơn không kém. Mặc dù còn rất nhiều người hứng thú, khẳng định đã nhìn thấy Nessie, nhưng con quái vật dường như vẫn lẩn trốn thành công khỏi ống kính của các máy quay kỹ thuật số, fly-cam, thiết bị phát hiện tàu ngầm lẫn định vị vệ tinh.

Ngoài ra, còn rất nhiều đồn đại về chuỗi DNA do con thủy quái để lại. Thông thường, động vật vẫn hay làm rơi rớt DNA ở môi trường sống của chúng, dưới dạng da, nước tiểu hoặc phân, … Các nhà khoa học gọi đó là những dữ liệu DNA môi trường, và thường có thể được tìm thấy trong không khí, đất, nước và cả băng.

Vì vậy, một nhóm nghiên cứu quốc tế sớm đã lên kế hoạch để lần đầu tiên thu thập các mẫu DNA môi trường này tại hồ Loch Ness. Theo dự kiến, họ sẽ lấy khoảng 300 mẫu nước tại ba độ sâu khác nhau để chiết xuất các mẩu DNA, xâu chuỗi chúng lại và so sánh với cơ sở dữ liệu của những loài được cho là có liên quan.

“Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được nhiều thông tin mới, nhưng cũng không dám chắc sẽ tìm ra manh mối để giải thích cho truyền thuyết về con quái vật” - GS. Neil Gemmell tới từ Đại học Otago (New Zealand), trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết. Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng dự án này sẽ giúp khám phá thêm nhiều loài mới.

Nhưng chắc chắn các thành viên trong nhóm của Gemmell sẽ kiểm chứng một số giả thuyết về Nessie, đầu tiên là xem xem nó có phải là một loài bò sát cổ đại hay không. Để làm được điều đó, chuỗi DNA thu thập từ hồ Loch sẽ được đem ra đối chiếu với các loài bò sát ngày nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu trên cũng sẽ hỗ trợ xác minh một số thuyết khác, như Nessie thực chất là một loài cá, hay thậm chí là một sinh vật đặc biệt mà chỉ duy nhất hồ Loch Ness mới có.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên Science Advances mới đây, các DNA môi trường đã giúp các nhà khoa học tìm ra thêm các loài cá mập tại khu vực Tân Đảo (New Caledonia) trên Thái Bình Dương, nhiều hơn 44% so với các phương pháp trước đây. Theo Gemmell, “đây thực sự là một công nghệ rất mạnh để tìm hiểu về thế giới tự nhiên”

Tuy nhiên, ông cũng nghĩ rằng, dù các nghiên cứu có thể sẽ không tìm thấy dấu vết của Nessie, nhưng vẫn sẽ có nhiều người tiếp tục tin vào sự tồn tại của nó, bằng những lý do kiểu như “Nessie đang đi nghỉ lễ rồi” hay “Nessie là sinh vật ngoài hành tin cho nên không có DNA”