Để sớm đạt tới vị thế của một cường quốc được cả thế giới kính nể, Nhật Bản đã từng trải qua một sự tự chuyển hóa mạnh mẽ, ghi dấu ấn của những cá nhân kiệt xuất làm nên lịch sử. Trong số đó, không thể không nhắc tới nhóm Trường Châu Ngũ Kiệt (Chōshū Five) thời Minh Trị.

Ngày 27/6/1863, giai đoạn suy tàn của chế độ Mạc phủ (Tokugawa), 5 samurai trẻ tới từ phiên Chōshū (Trường Châu, nay thuộc tỉnh Yamaguchi) bao gồm Itō Hirobumi, Inoue Kaoru, Yamao Yōzō, Inoue Masaru và Endō Kinsuke, nhờ sự sắp đặt ngầm của Thomas Clover (thương nhân, nhà môi giới súng đạn, tàu bè và các thiết bị công nghiệp người Scotland), bất chấp lệnh cấm tự ý xuất ngoại (ai vi phạm sẽ bị phạt tử hình) đã bí mật du hành tới Anh Quốc để theo học tại Đại học University College London (UCL) với khát vọng tiếp thu các kỹ thuật phương Tây và giúp nước Nhật trở nên hùng mạnh trước nguy cơ bị ngoại bang thôn tính.

Hình chụp nhóm Trường Châu Ngũ Kiệt tại London, cha đẻ của nội các, ngành ngoại giao, đường sắt, kỹ thuật và in tiền của Nhật Bản.
Hình chụp nhóm Trường Châu Ngũ Kiệt tại London, cha đẻ của nội các, ngành ngoại giao, đường sắt, kỹ thuật và in tiền của Nhật Bản.

Với vốn ngoại ngữ ít ỏi ban đầu, các chàng trai đã phải rất nỗ lực để học tiếng Anh và ghi danh vào khoa hóa phân tích tại UCL sau khi tham khảo nhiều cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, Itõ và Inoue đã quyết định bỏ dở và trở lại Nhật Bản chỉ sau vài tháng (đầu năm 1864), khi nghe tin Shimonoseki bị bắn phá bởi một lực lượng hải quân liên minh giữa Anh, Pháp, Hà Lan và Hoa Kỳ, những thế lực đang tìm cách kiểm soát eo biển này – Itõ và Inoue đã khuyến cáo các phiên tộc Chōshū nhẫn nhịn để tránh thảm họa nếu gây chiến. Ba samurai còn lại vẫn cố gắng theo đuổi việc học và say sưa với các bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật. Trong khi Endō về nước vào đầu năm 1866; Inoue Masaru là người duy nhất nhận được bằng tốt nghiệp của UCL và thường dành thời gian đi thăm quan sát các cơ sở đường sắt, hầm mỏ ở Anh; còn Yamao thì chuyển tới Glasgow (Scotland) để làm việc như một kỹ sư tập sự ở xưởng đóng tàu vào ban ngày và theo học ngành kỹ nghệ tại Anderson College vào ban đêm – đến đầu năm 1869, cả hai cùng lên tàu về nước sau 6 năm bôn ba hải ngoại.

Chính trị gia xuất chúng

Trở về nước sớm nhất, Inoue Kaoru và Itō Hirobumi đã có những bước thăng tiến mạnh mẽ trong hệ thống chính quyền Minh Trị, không phải chỉ bằng gốc gác Chōshū – một lực lượng góp công lớn nhất trong việc lật đổ chế độ Mạc Phủ, mà chủ yếu là nhờ biết vận dụng hiệu quả những gì học được ở nước ngoài cùng sự am hiểu trong lĩnh vực hoạch định chính sách, giúp chính quyền mới thiết lập nền móng quản trị cơ bản cho hệ thống tài khóa, thuế và nhân sự. Trong khi Inoue là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, đồng thời kiêm nhiệm thêm cả Bộ trưởng Nội vụ; thì Itō đã tham gia rất sâu vào các hoạt động cải cách, thiết kế lại hệ thống nội các và thậm chí còn trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước Nhật. Ngoài ra, hai ông cũng nhiều lần đưa ra những đề xuất mang tính đột phá, như xóa bỏ toàn bộ các phiên (lãnh địa thời phong kiến) để tổ chức nên chế độ hành chính đô – đạo – phủ – huyện (hiện vẫn đang thịnh hành), tham gia soạn thảo Hiến pháp Minh Trị (1889) và thành lập Nghị viện theo mô hình Wesminster (năm 1890).

Người chăm lo nền tảng kỹ thuật cho một quốc gia hiện đại

Năm 1870, một Chōshū Five khác là Yamao Yōzou gia nhập Bộ Các vấn đề phổ biến của Chính phủ và được giao phụ trách nhà máy đóng tàu ở Yokosuka (sau trở thành căn cứ lớn nhất của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, và nay là nơi đồn trú của Hạm đội 7 Hoa Kỳ). Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy thực hiện công nghiệp hóa trong thời kỳ này, do hạn chế vì thiếu vốn nên đã vấp phải nhiều chỉ trích và trở thành một mâu thuẫn chính trị lớn. Vì thế, Yamao đã đề xuất thành lập một Bộ Công nghiệp để có thể trở nên độc lập hơn và tập trung cho những dự án hiện đại hóa, cùng với một văn phòng đầu não chuyên giám sát các hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, khai mỏ, điện báo, đóng tàu …

Bằng tác phong làm việc linh hoạt, thường cố gắng bỏ qua những quy định hành chính cứng nhắc và tuyến mệnh lệnh khi ra quyết sách, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến tài chính, Yamao đã góp công rất lớn vào sự hoàn thiện của nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, liên lạc quan trọng như dịch vụ hỏa xa đầu tiên kết nối Tokyo với Yokohama (1872), hệ thống điện báo Tokyo – Nagasaki (1873). Chưa hết, ông còn rất quan tâm thiết kế những cấu trúc tổ chức có thể mang lại cơ hội cho người lao động, nhất là các tài năng, bên cạnh sứ mệnh đào tạo để phát triển đội ngũ kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật giỏi cho quốc nội khi sốt sắng thành lập ĐH Kỹ thuật Hoàng gia (nay là Khoa Kỹ thuật, ĐH Tokyo).

Cha đẻ ngành đường sắt

Năm 1869, Inoue Masaru được Chính phủ Minh Trị giao phụ trách hoạt động của ngành khai thác mỏ và đảm nhiệm thêm một vị trí tại nhà máy in tiền quốc gia Japan Mint (trụ sở đặt tại Osaka). Ở cả hai tổ chức này, các chuyên gia và cố vấn nước ngoài – được Chính phủ Nhật trả rất nhiều tiền để thuê về, đều đang nắm giữ vai trò hết sức quan trọng, cho nên Inoue được chọn là nhờ sở hữu vốn kiến thức và ngoại ngữ tốt để có thể cùng làm việc với họ. Năm 1871, ông chuyển sang lãnh đạo Cục đường sắt thuộc Bộ Công nghiệp và đã tạo ra nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực còn quá mới mẻ đối với nước Nhật này, khi liên tục khánh thành các tuyến hỏa xa trọng yếu kết nối Tokyo và Yokohama (1872), Osaka và Kobe (1874), Osaka và Kyoto (1877) …

Trong thời gian lãnh đạo ngành đường sắt, Inoue đã luôn ưu tiên tuyển dụng các nhân sự được đào tạo bài bản ở nước ngoài và chú trọng công tác giáo dục nhằm đưa Nhật Bản ngày càng độc lập hơn về công nghệ. Theo đó, số lượng các chuyên gia phương Tây (thường đòi hỏi mức đãi ngộ rất cao) đã dần giảm xuống và nhường chỗ cho thế hệ kỹ sư ra lò từ ĐH Kỹ thuật Hoàng gia – những người đã tự mình xây dựng các tuyến Tōkaidō (từ Shinbashi ở Tokyo đi Kobe) vào năm 1889 và tuyến Shin’etsu (nối Takasaki với Naoetsu) dọc bờ biển Nhật Bản vào năm 1893; đó thực sự đều là những dự án rất khó thực hiện, đòi hỏi phải áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến khi thi công cầu bắc qua sông lớn và làm đường sắt răng cưa để neo các toa tàu trên những rặng núi cao.

Cha đẻ của ngành in tiền

Khi vừa từ Anh trở về, Endō Kinsuke đã không thể ngay lập tức tạo ra sự đóng góp, mà phải đợi tới năm 1868 mới được giao phụ trách trụ sở hải quan ở tỉnh Hyōgo, sau đó trở thành một viên chức cấp cao chuyên quản lý lĩnh vực hậu cần và thương mại. Năm 1870, ông chuyển sang làm quản lý tại Japan Mint. Với các máy móc hoàn toàn phải nhập khẩu từ phương Tây, trong vai trò của một nhà kỹ trị xuất sắc, Endō đã miệt mài làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài để sản xuất một loại tiền mới, mang phong cách hiện đại.

Tháng 8/1874, trước khi tạm thời luân chuyển công tác, ông đã tự mình chấm dứt hợp đồng với nhiều cố vấn phương Tây khi nhận thấy không còn cần đến họ nữa, bởi các kỹ sư Nhật Bản (do ĐH Kỹ thuật Hoàng gia đào tạo) giờ đây đã có thể nhanh chóng nắm vững và làm chủ những kỹ thuật của quy trình in tiền tiên tiến. Tháng 11/1881, Endō quay lại lãnh đạo Japan Mint cho đến lúc nghỉ hưu (tháng 6/1893) và thường được xem là cha đẻ của đồng Yên hiện đại.

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho quá trình công nghiệp hóa thành công và nhanh chóng của Nhật Bản trong thời Minh Trị, nhưng chắc chắn, sự hiện diện của những con người đầy tài năng và nhiệt huyết với đất nước như Trường Châu Ngũ Kiệt – bằng cách này hay cách khác đã tạo ra nhiều đóng góp to lớn trên các lĩnh vực khác nhau – phải là một nhân tố hàng đầu.