Các nghiên cứu di truyền về cây chè ngày nay đã đem đến một cái nhìn đầy thú vị về lịch sử thuần hóa loài cây đem lại những tách trà nóng mỗi ngày cho 2 tỷ người trên khắp hành tinh.

Theo những gì chúng ta biết được từ truyền thuyết thì vào khoảng năm 500 sau Công nguyên, Bồ Đề Đạt Ma đã âm thầm thiền định trong vòng 9 năm. Có lần, ông ngủ gật nên khi tỉnh dậy, ông tức giận với chính mình đến nỗi xé toạc mí mắt và ném chúng xuống đất. Từ mảnh mí mắt này, một loài cây đã lớn lên và được các đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma hái và chế biến thành một thứ đồ uống đặc biệt vừa có khả năng kích thích tâm trí, vừa làm dịu thần kinh. Đó là cây trà đầu tiên, và những tách trà là “thứ đồ uống hoàn hảo” cho các nhà sư thiền định.

Lịch sử xuất hiện cây chè ở các nước.
Lịch sử xuất hiện cây chè ở các nước.

Tuy nhiên việc giải trình tự hệ gene của trà lại cho thấy một câu chuyện hoàn khác với truyền thuyết mà trong đó, các nhà khoa học kể lại một câu chuyện hợp lý hơn về việc cây chè từ một loại cây mọc hoang ở Trung Quốc, sau đó được trồng đại trà ở hơn 60 quốc gia và mang lại một vụ thu hoạch hằng năm với hơn 5 triệu tấn lá, và cung cấp 3 tỷ tấn trà thành phẩm cho người yêu trà.

Việc con người thuần hóa và lai giống cây chè có một thông tin thú vị. Colin Orians, một nhà sinh thái học tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts, cho biết: Nếu cho rằng ở thời điểm đầu thuần hóa, việc có được những cốc trà ngon, kích thích vị ngọt đầu lưỡi là chủ tâm của con người thì bạn đã nhầm. Trên thực tế, đây là kết quả của quá trình sinh hóa của chính cây chè nhằm giúp chúng tồn tại được trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Xác định nguồn gốc cây chè

Cuộc hành trình của cây chè được phản ánh ngay ở cái tên của nó, Camellia sinensis, trong đó Camellia cho thấy chè là một loại cây thân gỗ và sinensis biểu thị nguồn gốc Trung Quốc. Trong nhiều tài liệu, Trà được một nhà sư đưa đến Nhật Bản vào khoảng năm 1200 còn người Hà Lan mang trà đến châu Âu vào năm 1610, sau đó vào khoảng 50 năm sau thì người Anh bắt đầu tiêu thụ và sản xuất chè. Cho đến giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc là nguồn cung cho phương Tây, nhưng sau nhiều thập kỷ căng thẳng, dẫn đến cuộc chiến tranh nha phiến, Anh đã tìm cách tự trồng trà ở Ấn Độ. Từ đó, nghề trồng chè lan rộng khắp đế quốc Anh và mở rộng hơn nữa.

Nhưng khó xác định hơn là khi nào, ở đâu và tại sao trà được thuần hóa lần đầu tiên. Ở Trung Quốc, trước khi trở thành một loại đồ uống được yêu thích bởi hương vị tinh tế thì cây chè chỉ được coi như một loại thảo dược có tính kích thích thần kinh nhẹ. Ước tính nó được sử dụng lần đầu vào khoảng 3.500 đến 4.000 năm trước nhưng “văn bản đề cập đến một cách rõ ràng đầu tiên về trà xuất phát từ một ‘hợp đồng lao động’ chỉ từ khoảng 2.000 năm trước, trong đó ghi lại một trong những điều người hầu phải làm là đi chợ và mua chè cho chủ”, Lawrence Zhang, nhà nghiên cứu lịch sử tại Đại học KH&CN Hồng Kông, tiết lộ với Nature.

Bằng chứng khảo cổ sớm nhất về việc uống trà rơi vào một khung thời gian tương tự. Năm 2016, người ta đã tìm thấy sự tương đồng giữa các thành phần phân tử đặc biệt của cây chè với nhiều loài thực vật ở phía đông bắc Trung Quốc, Tây Tạng và niên đại của các thành phần này được xác định là mới vào khoảng 2.100 năm tuổi. Nhưng để đi xa hơn nữa về lịch sử sớm nhất của cây chè, các nhà sinh học đang tìm kiếm manh mối trong DNA của cây chè ngày nay.

Điều đó nghĩa là việc ước tính mới chỉ là ước tính, các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng trong tay về nguồn gốc của cây chè.

Gene kể chuyện tiến hóa

Trong 20 năm qua, các nhà di truyền học đã cố gắng xác định mối quan hệ giữa các chủng chè. Hiện tại trên thế giới có khoảng 1.500 giống chè. Sự phân chia rõ ràng nhất là giữa chè Trung Quốc (C. sinensis var. Sinensis) và chè Assam (C. sinensis var. Assamica), được đặt theo tên của vùng Assam ở Ấn Độ nơi nó được trồng lần đầu tiên. Chè Trung Quốc có lá nhỏ hơn chè Assam và chịu được khí hậu lạnh hơn. Chè Assam chỉ chiếm một phần nhỏ trà được trồng ở Trung Quốc nhưng được trồng rộng rãi ở Ấn Độ và các nước khí hậu nhiệt đới khác.

Theo nghiên cứu của Lian-Ming Gao, một nhà di truyền học tiến hóa thực vật tại Viện Thực vật Côn Minh (Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc) sử dụng dữ liệu di truyền để ước tính thời điểm ba dòng chè này phân tách ra từ một nguồn gốc chung, họ đã tính toán được thời điểm cuối cùng các chủng còn có chung một tổ tiên, qua đó nhận thấy dòng chè Trung Quốc và chè Assam đã phân tách cách đây 22.000 năm. Ngày chia tách dòng Assam Vân Nam Trung Quốc và Assam Ấn Độ thì muộn hơn, vào khoảng 2.770 năm trước.

Năm 2016, Xiao-Chun Wan, một nhà hóa sinh tại Phòng thí nghiệm sinh học chè tại Đại học Nông nghiệp An Huy, Trung Quốc còn đi xa hơn và đã công bố một nghiên cứu về mối quan hệ tiến hóa của trà, và đi đến kết luận: chúng phân tách sớm hơn nhiều so với đề xuất của nhóm của Gao đưa ra, ước tính 380.000 đến 1.500.000 năm trước.

Việc các giống chè Trung Quốc và Assam cũng liên quan các sự kiện lịch sử thế kỷ 19, khi Anh lần đầu tiên tìm cách trồng trà ở Ấn Độ. Vào thập niên 1840, Robert Fortune, một nhà thực vật học đến từ Scotland, đã đánh cắp các cây chè từ Trung Quốc để bắt đầu trồng ở Ấn Độ - và mang theo những người nông dân trồng chè Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế vào thời điểm này, người Anh đã trồng một số loại chè ở Ấn Độ. Năm 1823, Robert Bruce, cũng đến từ Scotland, đã đi dọc Thung lũng Assam và biết được một loại chè hoang dã được người bản địa thu hoạch và tiêu thụ. Bởi vì cây có lá lớn hơn chè Trung Quốc nên Bruce không chắc đó có phải là chè thật hay không. Sau khi ông chết, anh trai của ông, Charles Bruce, bắt đầu trồng chè Assam ở Ấn Độ - hơn một thập kỷ trước vụ trộm chè của Fortune.

Rõ ràng để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các giống chè, các nhà nghiên cứu cần có thêm thời gian cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu kết hợp các phân tích di truyền với các bằng chứng lịch sử và khảo cổ.

Nguồn:www.nature.com