Trung Quốc tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu chất thải nhựa, động thái đó đã tạo ra một vấn đề lớn đối với phần còn lại của thế giới. Lệnh cấm sẽ buộc các quốc gia phải tìm ra cách thức mới để đối phó với rác thải của chính họ.
Từ năm 1988 đến 2016, Trung Quốc nhập khẩu 171 triệu tấn rác với tổng giá trị thương mại là 81 tỷ USD, chiếm 72% tổng lượng chất thải nhựa được nhập khẩu trong khoảng thời gian này.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét số chất thải nhựa mà Trung Quốc nhập vào mỗi năm từ 1988, từ khi cơ sở dữ liệu của Liên Hợp Quốc lần đầu tiên ghi lại việc trao đổi chất thải nhựa. Họ thu thập thông tin về mọi chất liệu nhựa có thể tìm thấy, từ PVC cứng sản xuất đường ống đến PE mỏng làm túi ni lông và nhận thấy Trung Quốc chiếm hơn 45% chất thải nhựa của thế giới kể từ năm 1992.
Riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã nhập hơn 7 triệu tấn rác, góp thêm vào 61 triệu tấn rác mà bản thân nước này thải ra.
Hoa Kỳ xếp thứ hai trên bảng xếp hạng với con số ít hơn nhiều lần so với vị trí số một, tổng khối lượng nhập khẩu khoảng 8.5 triệu tấn, chiếm 3.6% và giá trị giao dịch đạt 5.1 tỷ USD (từ năm 1988 đến 2016).
Một phương án trước mắt để giải quyết vấn đề rác thải được các quốc gia đã phát triển tính đến, đó là xuất khẩu rác sang các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là châu Á.
Ấn Độ hiện đứng cuối danh sách với 3.1 triệu tấn rác nhập trong 28 năm và ước tính khối lượng rác thải nhập của quốc gia này sẽ tăng dần trong những năm tới.
Mặc dù gần đây chính phủ một số nước kêu gọi giảm tiêu thụ hàng hóa từ nhựa, nhưng quy mô chất thải nhựa của thế giới vẫn còn rất lớn và sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong một khoảng thời gian nữa. Trước khi có sự thay đổi trong việc tiêu thụ và xử lý, nhiều quốc gia sẽ cần có chiến lược mới để xử lý rác thải hoặc lập kế hoạch khác để lấp đầy khoảng trống lớn trên thị trường nhập khẩu rác thải nhựa do Trung Quốc để lại.
Công Nhất tổng hợp