Các nhà khoa học đã phát hiện đồ trang sức cổ xưa nhất thế giới trong một hang động ở Maroc. Chúng là sản phẩm của người Aterian sinh sống tại châu Phi cách đây hàng trăm nghìn năm.
Con người đã đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai và các loại trang sức khác từ rất lâu đời. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 9/2021, các nhà khoa học đã phát hiện hàng chục hạt trang sức làm từ vỏ ốc biển thời tiền sử tại một hang động ở phía Tây Maroc (một quốc gia ở khu vực Bắc Phi) có niên đại cách đây từ 142.000 đến 150.000 năm, khiến chúng trở thành đồ trang sức lâu đời nhất từng được biết đến. Điều này cho thấy thói quen đeo trang sức xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì các nhà khảo cổ từng dự đoán trước đây.
Nhóm nghiên cứu tiến hành khai quật hang Bizmoune ở phía Tây Maroc.
Ảnh: Steven L. Kuhn.
Hợp tác với Viện Di sản và Khoa học Khảo cổ Quốc gia Maroc, nhà nhân chủng học Steven Kuhn tại Đại học Arizona (Mỹ) đã tiến hành một loạt các cuộc khai quật từ năm 2014 đến 2018 tại hang Bizmoune (Maroc), nằm cách bờ biển Đại Tây Dương khoảng 16km. Trong quá trình đào bới, nhóm nghiên cứu tìm thấy 33 vỏ ốc biển cổ xưa với chiều rộng hơn 1cm và có các lỗ tròn được khoét ở phần trung tâm. Chúng có dấu hiệu bị mòn phía bên trong. Đây là bằng chứng cho thấy người tiền sử đã xâu các vỏ ốc lại với nhau – tương tự các hạt trang sức – để tạo thành vòng cổ hoặc vòng tay và sử dụng nó thường xuyên.
Các vỏ ốc được khai quật tại Maroc là đồ trang sức lâu đời nhất thế giới. Ảnh: Science Advances.
Một số hạt trang sức tương tự làm từ vỏ ốc cũng được phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ khác ở miền Bắc và miền Nam châu Phi. Tuy nhiên, hạt lâu đời nhất trong số chúng chỉ khoảng 130.000 năm. Thông qua phương pháp xác định niên đại bằng chuỗi phóng xạ uranium, các nhà khoa học xác nhận vỏ ốc trong hang Bizmoune lâu đời hơn chúng ít nhất 12.000 năm.
Tất cả các hạt trang sức vỏ ốc được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác nhau ở Bắc Phi là hiện vật còn sót lại của nền văn hóa Aterian – những người đã sinh sống tại khu vực này hơn 100.000 năm, trong thời kỳ đồ đá giữa (Middle Stone Age). Các di chỉ lâu đời nhất của nền văn hóa Aterian có niên đại cách đây 150.000 năm, và họ xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ cho đến khoảng 20.000 năm trước.
Xét về khía cạnh giải phẫu học, người Aterian cũng là người hiện đại (Homo sapiens) giống như chúng ta. Họ có khả năng chế tạo vũ khí, các công cụ bằng đá, và sống chủ yếu bằng nghề săn bắt các loài động vật phổ biến ở Bắc Phi trong thời tiền sử như linh dương gazen, tê giác, ngựa vằn, linh dương đầu bò,... Họ cũng khai thác động vật biển và các nguồn tài nguyên khác từ Đại Tây Dương gần đó, bao gồm việc sử dụng vỏ ốc biển để làm đồ trang sức giống như những gì nghiên cứu mới đã tiết lộ.
Theo tác giả Kuhn, đồ trang sức làm từ vỏ ốc mà người Aterian chế tạo và đeo trên cổ hoặc tay có khả năng được sử dụng như một hình thức giao tiếp không lời. Các nhà nhân chủng học không chắc chắn về thời điểm loài người phát minh ra ngôn ngữ, vì vậy có thể người Aterian chỉ dựa vào các phương pháp không lời để chia sẻ thông tin.
Kuhn tin rằng thông điệp hoặc ý nghĩa của các hạt trang sức rất quan trọng và trường tồn với thời gian, bởi vì người Aterian đã chọn cách tạo ra những vật trang trí có thể tồn tại lâu dài để truyền tải thông điệp đó. Người tiền sử cũng thường trang điểm khuôn mặt và cơ thể của họ bằng than hoặc đất son để phục vụ cho mục đích nghi lễ hoặc giao tiếp, nhưng kiểu trang trí này chỉ mang tính chất tạm thời.
Kuhn và các cộng sự thừa nhận không biết chính xác những thông điệp mà người Aterian đang muốn truyền tải thông qua đồ trang sức của họ. Tuy nhiên, họ đề xuất một số giả thuyết nhiều khả năng xảy ra nhất.
Giả thuyết đầu tiên là các hạt trang sức đóng vai trò như một bảng tên hoặc huy hiệu nhận dạng. Các cá nhân, gia đình, thị tộc hoặc làng mạc có thể muốn phân biệt mình với những người hoặc cộng đồng khác, đặc biệt là khi dân số trong khu vực ngày càng tăng lên vào thời kỳ đồ đá.
“Trang sức vỏ ốc có thể là một trong số những cách người xưa thể hiện danh tính của mình thông qua trang phục”, Kuhn cho biết. “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng cho thấy các đặc điểm của con người thời cổ đại. Đồ trang sức xuất hiện từ hàng trăm nghìn năm trước, và người cổ đại đã quan tâm đến việc giao tiếp với những cộng đồng người lớn hơn, ngoài gia đình và bạn bè thân thiết của họ”.
Theo giả thuyết thứ hai, đồ trang sức là một biểu tượng cho địa vị. Tùy thuộc vào thiết kế của từng món đồ cụ thể, trang sức bằng vỏ ốc có thể giúp các nhân vật quyền lực về chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, tâm linh hoặc y tế trở nên khác biệt so với những người bình thường.
Một khả năng khác là người Aterian đeo đồ trang sức vì lý do giống như hầu hết chúng ta ngày nay, đó là họ thích kiểu dáng của các đồ trang sức và tin rằng chúng giúp tôn lên vẻ ngoài của họ.
Theo Ancient Origins, các nhà khảo cổ và nhân chủng học gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cụ thể về hoạt động văn hóa, xã hội và tâm linh của các dân tộc thời tiền sử, bao gồm người Aterian. Họ không để lại bất kỳ tài liệu ghi chép bằng chữ viết nào, do đó các nhà khoa học đôi khi phải có nhiều hướng suy nghĩ mới trong lúc suy đoán về những vấn đề liên quan đến họ.
Các xã hội săn bắn hái lượm vẫn có nhiều điểm tương đồng với nhau trong suốt tiến trình lịch sử. Do đó, các nhà nhân loại học có thể đưa ra một số dự đoán về những người săn bắn hái lượm thời cổ đại, dựa trên kiến thức của họ về các nhóm săn bắn hái lượm vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Nhưng cuối cùng, những chi tiết cụ thể tiết lộ bản chất thực sự của các hệ thống tín ngưỡng cổ đại vẫn sẽ là một bí ẩn. Chúng dần bị mai một theo thời gian, cũng như việc thiếu các tài liệu chữ viết cho phép các dân tộc đã tuyệt chủng từ lâu cung cấp thông tin cho chúng ta bằng ngôn ngữ của họ và từ quan điểm của riêng họ.