Đó là một chú búp bê tự động hóa rất dễ thương có thể viết thư trên giấy đến 40 chữ! Mắt cậu bé theo dõi những gì mình viết. Nghe nói cậu có thể chấm cây bút lông ngỗng của mình vào bình mực và rẩy rẩy y như người thật.

Tác phẩm búp bê của Pierre Jaquet-Droz
Tác phẩm búp bê của Pierre Jaquet-Droz

Chú búp bê này là tác phẩm độc đáo của Pierre Jaquet-Droz, một nhà chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ. Tác phẩm nay vẫn còn tồn tại và được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật và Lịch sử tại Neuchtel, Thụy Sĩ.

Tác phẩm này được làm bởi ông, và con trai ông vào những thập niên cuối thế kỷ 18, cũng là thời gian của cuộc Cách mạng công nghiệp bùng nổ ở Anh. Búp bê được cấu tạo bởi 6.000 thành phần, components, tất cả đều được mài dũa và lắp ráp rất tinh tế ăn khớp chặt chẽ với nhau rất lôgic từng ly từng tí. Thật khó hình dung được một công trình rất đồ sộ của sự chính xác, tinh tế, logic, và công phu có tính nghệ thuật như thế. Làm sao thời đó người ta đã mài dũa những bánh răng rất nhỏ và rất chính xác trong đồng hồ? Có lẽ cần có một viện bảo tàng trưng bày công nghệ cơ khí tinh xảo thời đó, chúng ta mới có thể hình dung được. Những sản phẩm sứ của Trung Quốc tuy rất đẹp, nhưng tôi nghĩ, làm sao tinh vi, chính xác và công phu bằng một chiếc đồng hồ? Sản phẩm sứ là tĩnh, trong khi đồng hồ là động. Tĩnh-Động có lẽ cũng là hai cực khác biệt giữa Đông và Tây.

Sau Newton, các nhà khoa học ví Chúa như một clockmaker, nhà chế tạo đồng hồ, với những định luật cơ học chính xác như chiếc đồng hồ. Dĩ nhiên, đồng hồ của Ngài là bao gồm cả vũ trụ vĩ đại, nhưng vận hành theo các quy luật rất chính xác như chiếc đồng hồ, giống như các định luật Newton vậy.

Chú búp bê kia có thể nói là công trình đầu tiên của trí tuệ nhân tạo của con người, được lập trình trước. Jaquet-Droz còn có vô số công trình khác, đặc biệt là những chiếc đồng hồ đẹp mê hồn.

Khách hàng của ông là giới thượng lưu, quí tộc và vua chúa Trung Hoa... Sứ giả của vua Anh, Macartney, khi tiếp kiến vua Càn Long năm 1793, đã mang theo đồng hồ làm quà, không biết có một chiếc đồng hồ nào của Jaquet-Droz hay không. Các vua Trung Quốc rất mê món quà độc đáo này. Họ không học khoa học phương Tây, nhưng tìm cách chế tạo đồng hồ, và súng đạn.

Châu Âu nổi tiếng với đồng hồ. Thời gian là nhân tố quan trọng, không phải chỉ để biết giờ chung chung, hay làm đẹp qua những chiếc đồng hồ, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển khoa học tự nhiên, và của công nghiệp. Galilei không thể phát hiện ra định luật rơi tự do nếu ông không sử dụng đồng hồ đo thời gian cho các thí nghiệm của ông. Các nhà máy không thể quản lý công nhân tốt, nếu không có thời gian chính xác.

Ở Việt Nam thời gian được đo bằng gì? Canh 1, canh 2, giờ dần, giờ tí,.... Đồng hồ đến Việt Nam với người Pháp. Tôi còn nhớ hơn nửa thế kỷ trước, người Việt Nam nào có một chiếc đồng hồ đeo tay là bảnh lắm. Họ thường nhìn đồng hồ để xem giờ đồng thời áp nó vào tai để nghe, xem nó còn chạy hay không.

Chúng ta chỉ có thợ sửa đồng hồ. Nhưng chắc chưa ai nghĩ làm ra chiếc đồng hồ. Bởi lấy đâu ra nền cơ khí chính xác, tỉ mỉ và tinh vi kia? Người Nhật học làm những dụng cụ đàn như violin, piano, rất tinh vi và có tiếng, nhưng không biết họ đã học làm đồng hồ lúc nào, và những chiếc đồng hồ đầu tiên của họ ra sao?

Từ năm 1738 đến năm 1747, Pierre Jaquet-Droz đã sản xuất một loạt đồng hồ longcase (hay “grandfather”), áp dụng các nguyên lý cơ học đã giúp ông đưa âm nhạc và sự tự động vào bộ chuyển động cơ khí, do đó thu hút được sự chú ý của những khách hàng giàu có và đòi hỏi cao.