Liên Xô từng là một siêu cường khoa học kỹ thuật, quốc phòng, nguyên tử và vũ trụ, tuy nhiên các sản phẩm dân dụng của nước này lại không thật sự được đánh giá cao về cả kiểu dáng, mẫu mã lẫn chất lượng so với phương Tây. Và ti-vi (TV) chính là một ví dụ điển hình.
KVN–49 là loại TV đen trắng được sản xuất đại trà ở Liên Xô trong những năm 1950, với hơn 2,5 triệu chiếc được bán ra chỉ sau một thập kỷ. Điểm nổi bật nhất trong thiết kế của chiếc TV là một kính lúp lớn (làm từ nhựa, chứa đầy nước cất hoặc glixerin trong suốt) được đặt ngay phía trước màn hình – giải pháp nhằm khắc phục một số giới hạn về mặt kỹ thuật, và cả tài chính khi ấy.
Phần lớn người dân Liên Xô đều rất mong sở hữu TV, nhưng không phải ai cũng đủ tiền để mua, bởi một chiếc TV mới trong thập niên 1950 – 1960 thường có giá khoảng từ 850 đến 2.600 ruble, gấp nhiều lần lương tháng chuyên gia sống tại thành thị. Vì thế, những chiếc TV với màn hình có kích thước chỉ tương đương một tấm bưu thiếp đã trở thành lựa chọn chấp nhận được; và nhà sản xuất nghĩ ra cách gắn thêm kính lúp để phóng to hình ảnh và giúp nâng cao trải nghiệm người xem. Với cùng khoản tiền bỏ ra cho một chiếc TV như vậy, các hộ gia đình có thể mua sắm được rất nhiều tiện nghi hữu ích khác như máy hút bụi, tủ lạnh, … nhưng hàng triệu người, không kể thu nhập, trình độ học vấn, nghề nghiệp, đã chọn TV, mặc dù nội dung và chất lượng của các chương trình truyền hình khi ấy còn rất nghèo nàn.
Tuy nhiên, những chiếc hộp tưởng chừng “ngớ ngẩn” ấy lại là thứ rất được chính quyền khuyến khích, trong vai trò công cụ hữu hiệu, phục vụ đắc lực nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và quán triệt mọi đường lối, tư tưởng đến với người dân. Chẳng thế mà năm 1959, khi quyết định tăng giá các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, nhà chức trách đã loại TV ra khỏi danh mục, thậm chí còn đề xuất giảm giá; và hai năm sau, người mua tivi cũng không cần phải xin giấy phép để sở hữu nó nữa. Trong lúc đó, nhà nước cũng trợ cấp rất nhiều cho các chương trình truyền hình phát sóng.
TV xuất hiện lần đầu ở Liên Xô vào năm 1934, với sáng chế đầu tiên có chiều dài màn hình (tính theo đường chéo) xấp xỉ 10 cm, cho hình ảnh mang độ phân giải 30 dòng và tốc độ 12,5 khung hình trên giây (fps) – kém xa so với các chuẩn 30, 60, 120 hay 960 fps phổ biến hiện nay. Từ năm 1938, chính quyền Liên bang đã bắt đầu cho phát sóng một số chương trình truyền hình, nhưng phạm vi phủ chỉ giới hạn tại các thành phố lớn như Moscow và Saint Petersburg (mang tên Leningrad trong giai đoạn 1924 – 1991).
Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, thị trường TV tại Liên Xô đã phát triển nhanh chóng, và thật sự bùng nổ kể từ thập niên 1950. Nhiều người nước ngoài (phương Tây) đến thăm Liên Xô khi ấy, đã vô cùng ngạc nhiên trước mật độ sở hữu TV của nước này; trong đó có nhà báo Mỹ Marguerite Higgins, người đã mô tả cảnh tượng về những ngôi nhà gỗ lụp xụp gắn cột ăng-ten trên nóc ở ngoại ô Moscow, và cả gia đình chen chúc quanh không gian chật hẹp bên chiếc TV.
Năm 1955, chưa đến 1 triệu người Liên Xô sở hữu TV, chủ yếu tập trung tại Moscow; đến năm 1960, con số này tăng lên gần 5 triệu, và gấp đôi vào năm 1963 lên mức 10 triệu; sang đến đầu thập kỷ 1970, khoảng 25 triệu hộ gia đình đã được trang bị tiện ích này. Mặc dù vẫn đang phải gồng gánh cho nhiều chương trình trong khối Hiệp ước Warszawa và Hội đồng tương trợ kinh tế SEV, Chính phủ Liên Xô đã không tiếc tiền đầu tư cho truyền hình đại chúng. Năm 1960, tháp truyền hình khổng lồ cao nhất thế giới Ostankino ở Moscow được khởi công xây dựng; trong lúc một phần ba số nông trang tập thể vẫn chưa được nối điện, và hàng triệu gia đình thì đang phải sống trong các khu chung cư chật chội. Thế nhưng, TV và truyền hình chưa bao giờ bị coi là sản phẩm xa xỉ. Trong suốt những năm 1950 và 1960, các nhà máy đã phải chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu về tivi. Thậm chí nhiều cửa hàng phân phối quốc doanh còn phải lên danh sách từ trước, và không ít khách mua phải đợi tầm 10 tháng mới có thể mang TV về nhà.
Có lẽ vì nhu cầu cấp bách, hoặc do công nghệ kém, nhiều chiếc TV được sản xuất vội vã tại các nhà máy của Liên Xô thường rất dễ hỏng hóc chỉ sau 6 tháng đầu sử dụng. Tệ hơn nữa, một số loại, nhất là TV màu (ra đời muộn hơn), còn gặp phải hiện tượng cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản. Tính đến năm 1980, trong tổng cộng 2,26 triệu TV được sản xuất và bán ra, có tới 2.126 vụ cháy đã được ghi nhận. Năm năm sau (1985), số vụ hỏa hoạn liên quan đến TV đã tăng lên 5.490 trường hợp (trên tổng số 4,2 triệu chiếc xuất xưởng) – báo Komsomolskaya Pravda (Sự thật Komsomol) đưa tin. Sau khi bị hỏng, những chiếc TV phần lớn sẽ nằm chết dí một góc bởi thiếu linh kiện thay thế và sửa chữa.
Trong thời kỳ đầu, ngay cả khi đã sở hữu TV thì hầu hết người dân Liên Xô cũng chẳng có mấy thứ để xem. Như Moscow TV, đài truyền hình chủ chốt của đất nước, cũng chỉ phát sóng với thời lượng bốn giờ một ngày. Nhưng theo thời gian, tình hình dần được cải thiện, với số lượng kênh truyền hình tăng vọt, từ 9 (năm 1955) lên 121 kênh (năm 1965).
Vladimjr Nakhak, một nhà phê bình truyền hình có ảnh hưởng nhất mọi thời đại (theo nhiều ý kiến đánh giá) đã mô tả sức cuốn hút của truyền hình đối với quần chúng Liên Xô theo cách rất thi vị:
“Thật khó để tách một người khỏi chiếc màn hình nhỏ bé khi họ đang chăm chú vào nó. Tại sao lại vậy? Chẳng ai có thể lý giải. Nếu tình cờ bật TV lên và thấy một bộ phim hoặc buổi diễn sân khấu đang được phát sóng, bạn có thể sẽ tắt đi ngay mà không hề do dự. Nhưng nếu đó là người dẫn chương trình quen thuộc đang đọc tin tức, một trận cầu (bóng đá) sôi nổi, bài học tiếng Anh, hoặc hình ảnh các em nhỏ vận sơ-mi trắng, thắt khăn quàng đỏ đang đọc những vần thơ được viết riêng cho dịp đặc biệt, tay bạn dường như lại trở nên do dự trên núm công tắc. Màn hình TV là thứ mà bạn có thể trông vào mỗi khi muốn, nhưng chẳng cần phải tìm hiểu quá nhiều về bản chất của những thứ nó đang phát. Đơn giản, đó chỉ là sự quan sát cuộc sống đang chuyển động trong giây lát, và hãy để sự lười biếng bên trong bạn trỗi dậy, để giương mắt ngắm nhìn chim đang bay, hay cỏ đang mọc … Có lẽ vì thế mà bàn tay ta dường như đã không nỡ ngăn lại sự sống động đó.”