Trong cuốn sách “Cỗ máy tri thức” pha trộn giữa khoa học, triết học, lịch sử, Michael Strevens trả lời những câu hỏi đầy thách thức như vì sao phải mất thời gian nhiều đến vậy - hai nghìn năm sau khi triết học và toán học ra đời, nhân loại mới bắt đầu sử dụng khoa học để học hỏi và nghiên cứu những bí mật của tự nhiên, vũ trụ.


Tác giả Michael Strevens. Ảnh: INT

Khoa học hiện đại đã và đang khám phá nhiều bí ẩn vĩ đại của tự nhiên, vũ trụ, đồng thời mang lại nhiều thay đổi vô cùng tích cực cho cuộc sống. Tuy nhiên, xét trên chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại, có thể dễ dàng nhận thấy, khoa học xuất hiện vô cùng muộn mằn. Cho tới đầu thế kỷ XVII, tia sáng của nó mới bắt đầu le lói xuất hiện.

Tại sao phải mất thời gian nhiều đến như vậy – hai nghìn năm sau khi triết học và toán học ra đời, nhân loại mới bắt đầu sử dụng khoa học để học hỏi và nghiên cứu những bí mật của tự nhiên, vũ trụ? Điều gì tạo nên khoa học hiện đại ngày nay, chi phối và thúc đẩy nó phát triển?... Những câu hỏi này đã thôi thúc Micheal Strevens, giáo sư Triết học tại Đại học New York, đi tìm câu trả lời và mang đến cho độc giả những hiểu biết của ông trong cuốn sách “Cỗ máy tri thức – Tính phi lý đã tạo nên khoa học hiện đại như thế nào”.

Trước ông đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, triết gia quan tâm tìm hiểu vấn đề này, tiêu biểu như Karl Popper, Thomas Kuhn… Tuy nhiên, Strevens đã phân tích kỹ lưỡng và chỉ ra trong phần đầu cuốn sách của ông: những nguyên tắc được các triết gia kể trên đưa ra chưa giải thích được thấu đáo nguyên tắc, phương pháp hoạt động vĩ đại của khoa học. Theo ông, phương pháp chi phối khoa học hiện đại là một điều hoàn toàn mới mẻ: nguyên tắc lý giải sắt (Iron rule of explanation) - còn được gọi tắt là “nguyên tắc sắt”.

Nguyên tắc sắt khuyến khích, định hướng và bắt buộc các nhà khoa học đang cạnh tranh với nhau chỉ được đưa ra các dữ liệu có thể quan sát. Nhờ vậy, nguyên tắc này giúp kiềm chế cảm xúc, dẫn dắt giới nghiên cứu chuyển sự chú ý vào quá trình và chi tiết, từ đó mang đến cho khoa học sức mạnh phi thường trong việc sàng lọc và loại bỏ các ý tưởng sai lầm.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2020 và vừa được dịch sang tiếng Việt.Ảnh: Thu Trang

Nguyên tắc sắt biến tranh luận khoa học trở thành một đấu trường nơi các giả thuyết được bảo vệ và tấn công. Ở cuộc đấu đó, chỉ có một kiểu nước đi được xem là hợp lệ: nước đi thực nghiệm. Như vậy, một giả thuyết sẽ bị phủ định biện chứng nếu không thể lý giải các hiện tượng thực tế, và được bảo vệ nếu nhà khoa học có thể chứng minh rằng thiếu sót đó rõ ràng do thiết bị gặp trục trặc, điều kiện không thuận lợi hoặc giả định sai lầm. Chiến thắng không thể giành được bằng những lời hoa mỹ sáo rỗng, bằng nghiên cứu siêu hình, lập luận đạo đức hay bất kỳ lời hay ý đẹp, tư tưởng lớn lao nào khác.

Cho đến tận đầu thế kỷ 17, các nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng vẫn luôn tin rằng các học thuyết tôn giáo thực sự tác động đến thế giới vật chất lẫn tinh thần và dĩ nhiên cả lĩnh vực sinh vật. Bởi vậy, họ thấy nguyên tắc sắt thật dã man, phi lý khi cấm ngặt việc sử dụng tư duy thần học, triết học vào giải thích và nghiên cứu khoa học. Đây cũng chính là lý do khiến khoa học không thể được khai sinh trước thời điểm này.

Ngay cả một nhà tư tưởng hiện đại đời đầu như Rene Descartes, sống ở giai đoạn bình minh của cuộc cách mạng khoa học, cũng không thể chấp nhận sự phân biệt rạch ròi giữa nghiên cứu thực nghiệm với lý thuyết thần học mà nguyên tắc lý sắt đã đặt ra. Quyền năng và sự cai trị của Chúa được đan cài vào triết lý tự nhiên của Descartes theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy trong các tác phẩm của Descartes cũng như những người đi trước, chúng ta không thể tìm được bất cứ sự ủng hộ nào đối với lệnh cấm độc tài của nguyên tắc sắt.

Đến những năm 1640, bất chấp nỗ lực hết mình của Francis Bacon và một vài nhà tư tưởng chủ quan cấp tiến khác, khoa học mới miễn cưỡng được phát minh.

Tuy nhiên, Strevens cũng chỉ ra: nguyên tắc sắt ẩn chứa nhiều điều phi lý với ngay cả các nhà khoa học hiện đại. Ví dụ, bất cứ nhà nghiên cứu hiện đại nào tin rằng các đặc trưng thẩm mỹ (sự đối xứng và vẻ đẹp hoàn hảo của các vật thể trong tự nhiên) có thể dẫn dắt chúng ta tìm đến chân lý, thì họ đều phải chấp nhận rằng nguyên tắc sắt không cho sử dụng những lập luận này. Tác giả Strevens thậm chí còn dành cả một chương sách để phân tích kỹ hơn cuộc chiến giữa nguyên tắc sắt với cái đẹp.

Nêu lên những mặt phi lý của nguyên tắc sắt, Strevens đồng thời chỉ ra sự phi lý này có tính hệ thống, và chính nó là một điều kiện tiên quyết để khoa học hiện đại có được sự phát triển đáng kinh ngạc như ngày nay.

Sự nhất trí về quy trình do nguyên tắc sắt tạo nên đã truyền sức mạnh cho cỗ máy tri thức. Đầu tiên, sự nhất trí này đảm bảo tính liên tục. Trong điều kiện đầy đủ nguồn lực và ý chí, các nhà khoa học sẽ không bao giờ đi đến tình cảnh căng thẳng tới mức không thể đàm phán được với nhau. Sẽ luôn có một việc mà ngay cả những kẻ thù không đội trời chung với nhau vẫn có thể đồng thuận: cùng làm tiếp một thử nghiệm khác.

Lợi ích thứ hai cũng là hệ quả của lợi ích đầu tiên, quy tắc sắt sẽ chuyển hóa tất cả các cảm xúc hy vọng, tức giận, đố kỵ, tham vọng, oán ghét thành một mục tiêu duy nhất: tạo ra bằng chứng thực nghiệm.

Thứ ba, những hành động được xem là hợp lệ đều bất di bất dịch đối với mọi thời đại. Điều này mang đến cho các nhà khoa học một nền tảng đơn giản mà vững chắc để tiến hành nghiên cứu, một cơ sở trí tuệ và đạo đức ổn định để xây dựng các công trình thực nghiệm vĩ đại, căn cứ theo yêu cầu về tài chính, tình cảm và thể chất của họ.

Tất cả những yếu tố nêu trên đem đến cho khoa học một nền tảng mà không hình thức nghiên cứu nào trước đó làm được. Nó cung cấp một tập hợp quan sát thực nghiệm mà khi mang ra so sánh đã khiến cho mọi thành tựu của các nhà triết học tự nhiên thời Cổ đại hay Trung cổ đều trở nên nhỏ bé về tầm vóc, phạm vi, độ tinh vi lẫn độ chính xác.

Tựu trung, “Cỗ máy tri thức” giúp độc giả nắm bắt nguồn gốc, nguyên tắc chân lý trong khoa học, cũng như vai trò và hy vọng khoa học có thể mang lại cho nhân loại. Cuốn sách cũng bao gồm các khái niệm đột phá được trình bày bằng những hình ảnh minh họa thú vị, những tư tưởng tái cấu trúc lại phần lớn những gì con người nghĩ rằng mình đã biết về nguồn gốc của thế giới hiện đại theo một cách dễ tiếp cận nhất có thể.

Nhận xét về cuốn sách, Manjit Kumar, tác giả cuốn Quantum, viết: “Nếu không có những lợi ích của khoa học thì cuộc sống hiện nay của chúng ta không khác gì thời Trung cổ. Khi Michael Strevens bảo vệ sức mạnh và hiệu quả của phương pháp khoa học nhằm phát hiện bản chất thực sự của vạn vật và phủ định những người bác bỏ sự tồn tại của chúng, ông đã theo đuổi một nhiệm vụ đầy tham vọng là khám phá cách vận hành thực sự của khoa học. Cỗ máy tri thức là cuốn sách hấp dẫn không thể bỏ qua nếu bạn muốn tìm hiểu về những điều đặc biệt trong khoa học.”