Trong gần hai năm, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã tìm cách trò chuyện với nhiều bạn trẻ, làm bạn với họ để có thể dò sâu vào thế giới của những người đang ở độ tuổi mang tính chất bản lề.
Anh dùng những câu chuyện đặc biệt đó để viết nên cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, không quên đặt ra những vấn đề về gia đình, giáo dục, nhận thức xã hội, các căn bệnh tâm lý,…
“Giới trẻ ngày nay là như thế đấy!” Bao lần chúng ta được nghe những nhận xét như vậy về người trẻ: nào là thiếu nhạy cảm, ăn nói bỗ bã, sống theo bản năng, ích kỷ... Trong cuốn sách, chúng ta cũng bắt gặp những biểu hiện bề ngoài như thế, nhưng đồng thời lại có thể dò ra những nguyên nhân như sóng ngầm cuộn trào dưới đáy: họ đang đứng giữa ngã ba cuộc đời, rơi vào cuộc khủng hoảng căn tính và dễ dàng lạc lối trong hành trình “tìm mình”. Nhiều người chọn phương pháp thử và sai, kiếm tìm những cơ hội trải nghiệm tình yêu, tình dục; nhiều người chọn bỏ học như một cơ hội để đối thoại với bản thân, vẽ lại sơ đồ cho cuộc đời mình… Tất cả đều loay hoay, đơn độc. Không có người lớn nào ở đó giúp họ, hoặc sự giúp đỡ đó là vô ích đối với họ, hành trình trở nên đặc biệt khó khăn, họ không biết làm gì với cuộc đời mình.
“Tôi không thấy hòa nhập với những việc tôi đang làm, tôi cứ như đứng cạnh chúng, không thuộc về chúng, không tìm được ý nghĩa từ chúng. Chúng không làm tôi thấy đầy đủ, trọn vẹn, không làm tôi thấy hạnh phúc” (Hà An - 20 tuổi).
“Tuổi mười tám của tôi là một đống hỗn độn, một sự mắc kẹt và thất vọng về chính mình” (Huy - 18 tuổi).
Lại có những bạn trẻ từ chối trưởng thành, trù trừ trước cái mù mờ và vô định của tương lai, trong nỗi bất an vô bờ bến. Trong đầu họ nảy sinh biết bao câu hỏi, đó là những băn khoăn muôn thuở, nhưng ở độ tuổi của họ, chúng trở nên riết róng hơn bao giờ hết: Bao giờ thì tôi được nghỉ ngơi, để không còn tương lai hay quá khứ, không còn cô đơn, chỉ còn yêu thương và hạnh phúc trong hiện tại?
Cần biết mình là ai, muốn gì và có trong tay một tấm bản đồ phù hợp để điều hướng đời sống, thế nhưng trong nhiều tình huống, xã hội và gia đình lại trao cho những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi những tấm bản đồ cuộc đời mà họ cảm thấy xa lạ. Cuộc sống của họ chỉ còn là vai diễn không chút mong muốn và hứng thú, chạy theo yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ đến kiệt sức. Họ gặp khó khăn khi lộ diện: cá tính thực và mặt nạ, những lời nói thật lòng và những lời nói giả trá, rập khuôn đôi khi lẫn lộn vào nhau. Dần dần, người trẻ cảm thấy xa lạ với chính mình, và gặp vô vàn khó khăn để xây dựng những quan hệ lành mạnh.
Độc giả sẽ thấy trong cuốn sách của Đặng Hoàng Giang không chỉ có những đứa trẻ trong quãng thời gian “hậu tuổi thơ” bị mắc kẹt, bị o bế giữa ngã năm ngã bảy cuộc đời; chính bậc phụ huynh cũng bị gông cùm với những ẩn ức của tuổi thơ thiếu thốn yêu thương và sẻ chia, những định kiến, gánh nặng nghĩa vụ gia đình,… Chúng như những sợi dây gai trói chặt và cào xước họ từng ngày để rồi họ vô tình phóng chiếu nỗi đau ấy lên những người họ yêu thương nhất. Một người mẹ có tuổi thơ thiếu thốn, không được đáp ứng các nhu cầu tình cảm rất có thể sẽ trở thành một người luôn “tham vọng” trong nghĩa vụ làm mẹ, sắp đặt từng chi tiết trong cuộc đời người con vì mong muốn bù đắp cho con những gì cô ấy khuyết thiếu, khiến không gian sống của người con trở nên ngột ngạt. Trong nhiều trường hợp, sau khi thất bại trong các lĩnh vực khác như hôn nhân hay sự nghiệp, cha mẹ sẽ trở nên ám ảnh, coi con cái là dự án lớn nhất đời mình, một mặt bóc lột bản thân để phục vụ con cái, một mặt điều kiện hóa tình mẫu tử phụ tử, gây áp lực nặng nề lên con cái, thậm chí để lại cho chúng những chấn thương tâm lí to lớn.
Các nhân vật trong cuốn sách đều khao khát một giải pháp, một lối ra khỏi những mê cung đau khổ hiện tại, vài người đã thực sự bước trên hành trình chữa lành nhờ sự thấu cảm và đối thoại cùng trợ lực của thời gian…
Mỗi câu chuyện là một cơ hội cho chúng ta phản tỉnh và suy tư, để trở nên có ý thức hơn, nhân ái hơn, khoan hòa hơn, nhạy cảm hơn với những nỗi đau của tha nhân. Đặng Hoàng Giang không hề can dự vào câu chuyện của từng người, chỉ lắng nghe với sự chú tâm bi mẫn, đó là cách anh bước vào khu vườn bí mật của những câu chuyện sâu kín.