Trong nhiều thập kỷ, thiết kế độc đáo của chiếc máy bay đã thu hút tâm trí của những người say mê lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Hình chụp chiếc Ho 229 V3 năm 1950 do Đại úy Richard Kik Jr thực hiện. Ảnh: Richard Kik Jr.
Hình chụp chiếc Ho 229 V3 năm 1950 do Đại úy Richard Kik Jr thực hiện. Ảnh: Richard Kik Jr.

Sau Đệ nhất Thế chiến (1914 – 1918), châu Âu và Bắc Mỹ bước vào một cuộc chạy đua phát triển kỹ thuật hàng không. Mặc dù bị những điều khoản trong Hòa ước Versailles (1919) cấm chế tạo, sản xuất máy bay quân sự, song các câu lạc bộ tàu lượn (glider) vẫn nở rộ trên khắp nước Đức.

Hai anh em Walter (1913 – 1998) và Reimar Horten (1915 – 1994), từ khi còn rất nhỏ (13 và 11 tuổi) đã tham gia sinh hoạt với câu lạc bộ tàu lượn Bonn (năm 1925). Bằng sự tò mò, đam mê cùng tài năng của mình, họ đã cải biến “con diều” thành một loại cánh bay (flying wing) không đuôi – về bản chất chính là một chiếc máy bay thuộc loại đầu tiên trên thế giới – có thể được dùng cho nhiều mục đích và ứng dụng tham vọng khác.

Trên thực tế, ý tưởng này không phải hoàn toàn là của hai anh em Horten. Năm 1910, Hugo Junkers (1859 – 1935), một kỹ sư người Đức đã xin cấp bằng sáng chế cho mẫu concept cánh bay với thiết kế gồm phần thân và đuôi, giúp kiểm soát ngang tốt, trong khi không tạo thêm gánh nặng cho lực nâng bởi khối lượng tăng thêm. Thiết kế vận dụng nhiều nguyên tắc khí động học như vậy, tuy khá đơn giản song có thể bay rất xa nhờ được điều khiển tốt.

Các cậu bé nhà Horten đã không ngừng mày mò, cải tiến và phát triển thành công một mẫu tàu lượn có cánh thực thụ vào năm 1932 – được làm phần lớn từ gỗ, vải lanh, và hoàn toàn có thể cất cánh mặc dù vẫn tồn tại đôi chút vấn đề liên quan đến sự ổn định.

Reimar Horten (trái) và Jan Scott (phải) trong một bức hình chụp tại Argentina hồi thập niên 1980. Nguồn: Lưu trữ của Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ.
Reimar Horten (trái) và Jan Scott (phải) trong một bức hình chụp tại Argentina hồi thập niên 1980. Nguồn: Lưu trữ của Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ.

Năm 1943, nguyên soái (Field Marshall) Hermann Göring (1893 – 1946) của Đức Quốc xã yêu cầu không quân chế tạo một loại máy bay ném bom thế hệ mới có khả năng mang 1.000 kg bom và bay xa 1.000 km ở vận tốc lên đến 1.000 km/h vào tận lãnh thổ của kẻ thù. Anh em Horten đã cho ông ta xem bản vẽ thiết kế của một loại cánh bay trang bị động cơ phản lực và do một phi công điều khiển. Phần khung thép của nó được bọc bằng gỗ dán và phủ thêm một lớp sơn bảo vệ màu xanh khi hoàn thiện.

Đích thân Göring đã ra lệnh cấp cho anh em Horten nửa triệu reichsmark (tiền Đức Quốc xã) để phát triển một mẫu máy bay ném bom tầm xa mang tên Ho 229. Nguyên mẫu đầu tiên của nó, một chiếc tàu lượn không động cơ, đã được thử nghiệm thành công vào năm 1944; còn chiếc thứ hai trang bị động cơ đã thực sự cất cánh trên bầu trời vào năm sau đó, khẳng định tính khả thi của một hệ thống cánh bay gắn động cơ có điều khiển. Những thử nghiệm thành công này hứa hẹn: chiếc Ho 229 V3 sẽ bay xa hơn bất cứ máy bay nào trong thời đại của nó.

Tháng 4/1945, Quân đoàn 3 của Đại tướng Đồng minh George Patton (1885 – 1945) đã chiếm được một chiếc V3 trong chiến dịch Paperclip (Kẹp giấy) – nỗ lực bắt giữ tình báo Đức và không để họ lọt vào tay Liên Xô. Hai anh em Horten cũng bị đưa tới London để tra hỏi.

Kết thúc chiến tranh, Reimar làm việc cho một số công ty [hàng không] ở Anh song không ở yên tại một vị trí nào, sau đó ông trở về Đức, lấy bằng tiến sỹ (PhD) toán và giành phần lớn quãng đời còn lại ở Argentina với niềm đam mê chế tạo máy bay. Còn người anh Walter, sau khi trở lại Đức đã tham gia và phục vụ Luftwaffe (lực lượng không quân) mới được thành lập lại.

Chiếc Ho 229 V3 theo thiết kế của anh em nhà Horten được trưng bày bên cạnh một số mẫu bay khác của Đức Quốc xã tại Mỹ. Nguồn: Tobias Hutzler.
Chiếc Ho 229 V3 theo thiết kế của anh em nhà Horten được trưng bày bên cạnh một số mẫu bay khác của Đức Quốc xã tại Mỹ. Nguồn: Tobias Hutzler.

Nguyên mẫu Ho 229 V3 đã trải qua một hành trình dài, từ Đức sang Pháp, đến Mỹ, tới Bảo tàng Smithsonian rồi trở thành đối tượng của sự bàn tán và ngưỡng mộ trong nhiều thập niên. Một số người say mê lĩnh vực hàng không còn cho rằng: nếu cuộc chiến kéo dài hơn, có thể Đức Quốc xã đã tận dụng được thiết kế của Horten để hoàn thiện loại máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới.

Sở dĩ họ có suy nghĩ này, không phải chỉ vì V3 có kiểu dáng sleek (gọn, tinh tế) – theo cách nào đó khá giống với máy bay tàng hình ngày nay, mà chính Reimar Horten hồi thập niên 1980 cũng khẳng định [thiếu căn cứ khoa học] rằng ông từng định bổ sung thêm một lớp than chì vào phần vỏ của V3 để nâng cao hiệu quả tránh phản xạ sóng radar – ý tưởng sau đó đã bị nhiều thử nghiệm bác bỏ.

Mặc dù chưa từng tham gia không chiến, nhưng chiếc Ho 229 V3 vẫn được hồi sinh trong văn hóa đại chúng. Chẳng hạn, một mẫu cánh bay mang phong cách Horten đã từng xuất hiện trong phân cảnh giao tranh của bộ phim Raiders of the Lost Ark (Indiana Jones và chiếc rương thánh tích).

Trong công nghiệp, thiết kế Ho 229 V3 lại càng được nghiên cứu nghiêm túc và tỉ mỉ hơn nhiều. Một nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ là Jack Northrop (1895 – 1981), ngay từ những năm 1930 đã vô cùng hứng thú với ý tưởng tàu lượn cánh bay của anh em Horten, và tìm cách tự chế tạo mẫu máy bay có cánh của riêng mình từ thập niên 1940. Trong khoảng 30 năm sau đó, tập đoàn Northrop Grumman đã nổi lên như một nhà thầu chủ lực, chuyên cung cấp máy bay tàng hình (có hình dạng khá giống với những chiếc cánh bay) cho Quân lực Hoa Kỳ.

Các kỹ sư Mỹ đã mổ xẻ và tìm hiểu V3 rất kỹ ngay sau khi nó vừa cập bến. Russell Lee – phụ trách quản lý Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ, người từng tham gia dự án phục chế chiếc máy bay (năm 2011) cho biết: “Khi gỡ những miếng gỗ dán khỏi phần đáy khoang lái trung tâm, chúng tôi phát hiện thấy dấu vết cháy ở đó. Điều này ám chỉ việc động cơ máy bay đã từng hoạt động. Tuy nhiên, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy chiếc Ho 229 V3 thử nghiệm này đã từng rời khỏi mặt đất, mặc dù điều đáng kinh ngạc là sau ngần ấy năm nó vẫn có thể khởi động được.”