Hoàng tử, công chúa triều Nguyễn được dạy dỗ rất nghiêm khắc bởi những thầy danh tiếng, ai lười biếng sẽ bị giảm bổng lộc, thậm chí phạt bằng roi mây.
|
Lầu Tứ Phương Vô Sự, nơi các hoàng tử, công chúa học hành. Ảnh: Võ Thạnh. |
Vào thời Nguyễn, việc học của các hoàng tử, công chúa rất được coi trọng. Năm 1817 thời vua Gia Long, Tập Thiện Đường nơi dạy dỗ các hoàng tử được thành lập. Đến khi lên ngôi, vua Minh Mạng chọn những thầy dạy học có đức hạnh như Ngô Đình Giới, Nguyễn Đăng Tuân, Thân Văn Quyền để chỉ dạy hoàng tử.
Theo quy định của triều Nguyễn, vào ngày lẻ các hoàng tử sẽ được giảng Ngũ Kinh, trước giảng chính văn, sau đến lời giảng chú, lại giảng chư sử; ngày chẵn giảng Tứ Thư, trước giảng chính văn, sau giảng Tính lý đại toàn cho rộng kiến thức. Trong đó, Tứ Thư, Ngũ Kinh thì đến ngày học kế tiếp phải thuộc lòng chính văn, thuộc kỹ Chư sử và Tính lý thì phải thông suốt.
Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ vào năm 1870 vua Tự Đức dụ: "Phàm học tất phải hành, nếu không chăm làm sao mong sớm tiến bộ. Lệnh giao Nguyễn Chính vào các ngày mồng 1,11, 21 mỗi tháng ra đề làm văn cho các hoàng tử làm cho xong, nếu chậm hạn 3 ngày chưa nộp bài thì các hoàng tử có lỗi. Nguyễn Chính và 3 viên giảng tập không gia tâm đôn đốc khuyên răng cũng khó tránh thoát tội".
Cũng năm 1870 vua Tự Đức dụ: "Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng". Hoàng tử Ưng Chân học 3-4 năm không thấy tiến bộ, vua Tự Đức liền ban roi mây cho 2 thầy giáo dạy hoàng tử để làm giáo hình.
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép lời vua Tự Đức dụ vào năm 1872: “Cha mẹ đối với con cái, yêu thương mà không bắt cho con chịu khó sao. Roi vọt là vật răng dạy ngày xưa để tạo uy nghiêm. Lệnh cho lấy chiếc roi mây vốn trước kia ban cho giảng đường Chấn Hanh giao lại cho vị giáo đạo làm giáo hình".
|
Dấu tích của Tôn Học Đường. Ảnh: Võ Thạnh. |
Không chỉ thành lập Tập Thiện Đường, triều Nguyễn còn lập Tôn Học Đường để làm nơi cho các hoàng tử, hoàng thân học. Bộ máy quản lý Tôn Học Đường gồm: một hoàng thân công đôn đốc, hai hàn lâm viện thị giảng học sĩ làm tổng quản, một thị giảng học sĩ, một thị độc, một chánh cửu phẩm thư lại, hai vị nhập lưu thư lại. Các quan một phần được tuyển từ giám sinh của Quốc Tử Giám.
Sau khi Tôn Học Đường trở thành trụ sở Bộ Học vào thời vua Duy Tân, năm 1923 vua Khải Định cho xây dựng lầu Tứ Phương Vô Sự ở trong cung để làm nơi cho các hoàng tử công chúa học. Hiện nay dấu tích về Tôn Học Đường, lầu Tứ Phương Vô Sự vẫn còn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, từ nhỏ các hoàng tử, công chúa chịu sự dạy dỗ của các phi tần và thầy dạy học. Sau này, khi các công chúa, hoàng tử được 15-16 tuổi thì được cho lập phủ ở riêng và mời thầy về phủ dạy.
Giống như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng lúc nhỏ được mẹ là bà Thục Tân dạy những chữ đầu tiên trong cung. Còn Tuy Lý Vương Miên Trinh cũng được mẹ là bà Tiệp Dư dạy. Sau này, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trình đều trở thành nhà thơ nổi tiếng. Các công chúa Vĩnh Trinh, Trinh Thận, Tĩnh Hòa con vua Minh Mạng cũng trở thành nhà thơ, trong đó công chúa Trinh Thận (Mai Am) nổi tiếng nhất.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, sau khi Tùng Thiện Vương Miên Thẩm lập phủ bên bờ sông An Cựu ngày nay, công chúa Mai Am cùng mẹ là bà Thục Tân Nguyễn Khắc Thị Bửu dọn về ở. Công chúa Mai Am được dạy dỗ và trở thành nhà thơ. Năm 1886, công chúa cho ra tập thơ với tên gọi “Diệu Liên thi tập”.