Khi đặt tiêu đề phụ cho cuốn sách, “Lịch sử đẫm máu và bi hùng của Việt Nam Quốc dân Đảng”, tác giả Tạ Thu Phong có lẽ muốn tập trung minh định bằng những dẫn chứng và phân tích cụ thể thay vì phong thanh, thậm chí là tạo nên những màn sương mơ hồ, huyền thoại về cuộc khởi nghĩa Yên Bái cách đây tròn 90 năm.
Cuộc khởi nghĩa đã từng chấn động Đông Dương và những yếu nhân lẫm liệt khi bước lên đoạn đầu đài năm 1930, theo từng trang mô tả và tái dựng của cuốn sách, có độ chân thực và chi tiết đến ngỡ ngàng.
Nhưng khởi nghĩa Yên Bái, sự kiện mà tác giả dành nhiều công sức khảo cứu, chỉ là đỉnh điểm trong giai đoạn đầu hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng. Cần quay lại thời điểm cuối năm 1926, khi Nam Đồng thư xã thành lập và trở thành nơi chốn gặp gỡ, bàn luận thời thế của những trí thức trẻ. Từ địa chỉ này, khoảng một năm sau, ngày 25/12/1927, Việt Nam Quốc dân Đảng ra đời, đánh dấu sự xuất hiện quan trọng của lực lượng trí thức tiểu tư sản tham gia vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Dựa trên nhiều tư liệu và bằng thao tác so sánh, đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, thời điểm đã có Đảng Tân Việt và Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên hoạt động khá mạnh, tác giả đưa ra một số nhận định mà theo tôi là khá thuyết phục.
Chẳng hạn, về tư tưởng chính trị, “những người đứng đầu Việt Nam Quốc dân Đảng chưa rõ ràng, chưa dứt khoát theo khuynh hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa hay cách mạng quốc gia”. Cho dù bị hấp dẫn bởi Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn thì đảng này vẫn tỏ ra nuôi chí hướng xây dựng chính thể cộng hòa như Cách mạng Pháp. Sự lúng túng ban đầu, dẫu có nhiều nguyên nhân khách quan và đã được chỉnh sửa, nhưng sẽ là nguyên cớ sâu xa khiến các bước đi tiếp theo của Việt Nam Quốc dân Đảng có phần “ngẫu hứng”, không những không vươn lên như một tổ chức cách mạng tiên phong đủ sức lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện công cuộc giành tự do, mà còn dẫn đến sự hụt hơi nhanh chóng khi gặp phải trấn áp, tiêu diệt thẳng tay của giặc Pháp.
Theo Tạ Thu Phong, Việt Nam Quốc dân Đảng “thành công khi thu hút tầng lớp trí thức, sinh viên và binh lính nhưng không thành công khi phát triển đảng trong giới thợ thuyền, nông dân” và với việc kết nạp tất cả các thành phần xã hội theo trình tự tương đối lỏng lẻo, tùy tiện, đảng này tự làm khó mình khi không thể kiểm soát chặt chẽ nội tình các nhóm, chi bộ và thành viên cấp dưới. Không dựa được vào sức mạnh quần chúng, Việt Nam Quốc dân Đảng, như cảm nhận đầy kính trọng nhưng cũng mang giọng điệu ngậm ngùi của hậu thế, “chỉ còn trông cậy vào nhiệt huyết và lòng dũng cảm của cá nhân […] hành động của đảng này thường sa vào chủ nghĩa anh hùng cá nhân mà không tính đến chiến lược lâu dài”.
Chủ nghĩa anh hùng cá nhân, điều đẹp đẽ và có thể nói là lưu danh thiên cổ, rõ ràng, bộc lộ tính cách trẻ trung, trong sáng và cũng khá hồn nhiên của tầng lớp thanh niên tiểu tư sản khi đi làm cách mạng. Nói lịch sử Việt Nam Quốc dân Đảng “bi hùng” thì phẩm cách bi hùng đáng cảm kích này, theo tôi, chỉ thực sự chói sáng trong giai đoạn đầu, khoảng 4 năm, từ 1928-1932, và gắn liền với những thân danh làm nên khởi nghĩa Yên Bái. Tuổi trẻ, lòng yêu tổ quốc và tinh thần sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng cách mạng, tất cả, không làm cho Việt Nam Quốc dân Đảng bền vững hơn, nhưng chắc chắn làm cho khí thế đánh đuổi giặc Pháp của thời đại trở nên bùng nổ hơn, và đặc biệt, làm chúng ta hôm nay thấm thía hơn những giá trị tuy dở dang nhưng có sức lay động xuyên thời gian.
Bắt đầu nổ ra từ ngày 9/2/1930, khởi nghĩa Yên Bái (đồng loạt diễn ra ở Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội) là sự cụ thể hóa chủ trương bạo động của Việt Nam Quốc dân Đảng. Không thành công thì cũng thành nhân, tâm niệm mà lãnh tụ Nguyễn Thái Học gửi gắm vào cuộc khởi nghĩa ấy, rút cuộc, đã được bộc lộ theo cái cách không thể bi tráng hơn: Hội đồng Đề hình của chính quyền thực dân đã hành quyết 34 người, trong đó có các yếu nhân như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Như Liên, Lê Hữu Cảnh, Đoàn Trần Nghiệp,...; kết án khổ sai chung thân 147 người; hàng trăm người chịu án từ một năm đến 20 năm khổ sai hoặc phát lưu chung thân; hàng ngàn người chịu hệ lụy.
Cảnh tượng hành quyết các chiến sĩ cách mạng ở pháp trường Yên Bái, Hỏa Lò, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương trở thành tâm điểm thời sự của báo chí, gây rúng động xã hội và có lẽ là một “đại tự sự” bất tận cho đến mai sau. Lần theo thông tin trên nhiều tờ báo, nhất là Hà Thành ngọ báo,Tạ Thu Phong đã có một tổng thuật lớp lang và cố gắng cụ thể nhất về diễn biến của khởi nghĩa Yên Bái, các phiên xử của Hội đồng Đề hình.
Đây cũng là lần đầu tiên, độc giả có cơ hội tiếp cận nhiều tư liệu lịch sử quan trọng như tiểu sử các thành viên cốt yếu của Việt Nam Quốc dân Đảng, danh sách đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng tại các phiên Hội đồng Đề hình. Nhờ danh sách này mà độc giả được biết thêm rất nhiều tên tuổi khác, tuy không được chính sử nhắc đến nhưng cũng chịu chung kết cục đầy nghĩa khí như các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng. Thật khó để nắm rõ họ là ai và rất có thể họ sẽ chìm vào lãng quên mãi mãi nếu cuốn sách này không đề cập đến. Tập trung đọc cuốn sách và lần theo những cái tên quá lạ lẫm, với tôi, như phần nào vơi bớt cảm giác nặng nề rằng phải chăng chúng sinh hầu hết đều vô danh trong những cuộc cách mạng long trời lở đất? Rõ ràng, họ không vô danh, chỉ là thời đại có đủ chứng nhân để ghi lại không mà thôi.
Thật ra, ngoài công phu xử lí thông tin trên báo cũ, Tạ Thu Phong cũng đã tỉnh táo đối chiếu với các tư liệu khác, để ngõ hầu vượt qua thử thách vào hàng khó nhất của bất kì một khảo cứu lịch sử nào là độ chân xác.
Hẳn nhiên, cũng như tác giả, tôi chờ đợi các bổ sung khác để Việt Nam Quốc dân Đảng không chỉ dừng lại ở trên mặt báo và chỉ xoay quanh khởi nghĩa Yên Bái. Bản thân những trạng thái từ mà chúng ta đã quen dùng cho sự kiện này, như “bi thương”, “oanh liệt”, chỉ thực sự trọn vẹn ý nghĩa khi tất cả các cá nhân và câu chuyện, bất luận trái chiều và từng bị mặc định thế nào, đều cần được tái dựng với thái độ khách quan nhất. Chính vì thế, tôi tin độc giả đều hiểu chủ hướng của tác giả khi đặt khởi nghĩa Yên Bái trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, vượt qua khuôn khổ một cuộc bạo động bất như ý của một tổ chức đảng, nhìn chung, chưa thể coi là hoàn chỉnh về mọi phương diện.