Nạn thủy triều đỏ trải dài nhiều dặm từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ - với điểm đến hiện tại là vùng biển bang Florida, Mỹ và nhiều thành phố ven biển Chile - đang gây thảm họa tự nhiên khủng khiếp cho vùng biển không chỉ ở những quốc gia này.
Theo Reuters, từ 7/4, tại Mỹ, những bãi biển tươi đẹp của bang Florida bị thủy triều đỏ xâm lấn gây tình trạng cá chết hàng đàn tại Vịnh Mexico. Ngay lập tức, lệnh khẩn cấp cấm ăn cá được ban bố tại các địa phương có bờ biển của bang Florida. Hành động này của chính quyền bang cho thấy độ nguy hiểm của thảm họa.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết đây là đợt thủy triều đỏ lớn nhất từ năm 2006, kéo dài từ vùng "cán xoong" Alaska đến Vịnh Tampa, bang Florida với chiều dài lên đến 130km và chiều rộng là 80km. Còn tại Chile, ngày 27/4, hàng nghìn động vật thân mềm (nhuyễn thể) gồm các loài sò và trai vừa được phát hiện bị mắc kẹt bên bờ biển thuộc quần đảo Chiloé, miền Nam Chile, do ảnh hưởng của thủy triều đỏ.
Hiện tượng thủy triều đỏ khiến hàng loạt động vật dưới biển chết ở nhiều quốc gia.
Lực lượng hải quân Chile được huy động theo dõi những "con sóng đỏ" cũng đã phát hiện các nhuyễn thể tương tự ở các đảo Playa Grande de Cucao, Huentemo và Chanquin, tất cả đều thuộc quần đảo Chiloé. Ngoài ra, hải quân Chile còn phát hiện thêm nhiều cua chết tại một khu vực rộng khoảng 5km2. Điều này khiến chính quyền cảng Chonchi buộc phải khẩn trương kiểm tra các khu vực ven biển khi nhận được thông tin này.
Sau khi phân tích, cơ quan y tế Chile kết luận các động vật thân mềm vớt được và các xác nhuyễn thể đã chết do ô nhiễm; đồng thời cảnh báo người dân không ăn chúng. Tuần trước, các nhà chức trách bờ biển của Chile cũng đã phải tuyên bố tình trạng môi trường khẩn cấp. Thủy triều đỏ đang khiến môi trường ở khu vực thêm tồi tệ. Năm 2009, một đợt thủy triều đỏ cũng đã tàn phá các bờ biển phía Nam Chile, khiến 2 người thiệt mạng trong vòng 15 ngày.
Thủy triều đỏ là thuật ngữ chỉ hiện tượng tảo đồng loạt nở hoa, gây hại cho các loài sinh vật như san hô, các loài rong biển, động vật và cả con người. Sự "nở hoa" của tảo khiến nước biển vốn tồn tại với các gam màu xanh thường chuyển thành màu đỏ. Nhưng, đôi khi nó cũng có màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo… Mặc dù được gọi là "thủy triều đỏ", song hiện tượng này không liên quan tới các chuyển động thủy triều và nước biển cũng không nhất thiết phải đổi màu khi mật độ tảo "nở hoa" dày hay mỏng. Do đó, các nhà khoa học thường chọn cách gọi tên chính xác hơn là: Tảo nở hoa gây hại.
Đây là một hiện tượng tự nhiên trên đại dương hết sức nguy hiểm. Theo Cục Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), hiện tượng này có thể gây hại cho con người, các loài sinh vật biển, động vật có vú, các loài chim sống nhờ cá... Những sinh vật chết vì thủy triều đỏ rất nguy hiểm với sức khỏe con người và không thể làm thực phẩm.
Với con người, các nhà khoa học cho biết nếu ăn hải sản chết do thủy triều đỏ, có thể bị tê lưỡi và miệng, sau đó có thể bị liệt các chi, ngừng thở và suy tim. Năm 1976, trường hợp đầu tiên ngộ độc liệt cơ do ăn sinh vật chết do thủy triều đỏ là ở bang Sabah của Malaysia, nơi 202 nạn nhân đã được báo cáo có cùng tình trạng và 7 người đã tử vong. Rõ ràng, thủy triều đỏ không chỉ tác động tới sức khỏe con người mà còn tàn phá hệ sinh thái biển và gây hại trực tiếp cho nền kinh tế địa phương và khu vực nó tràn qua.
Nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ rất đa dạng. Theo The weather Network, thủy triều đỏ ở một số nơi có thể là do sự chuyển động của dòng hải lưu. Hiện tượng này cũng có thể do lượng nitrat trong nước hay sự chuyển động thay thế của những dòng nước nóng hoặc lạnh từ đáy đại dương. Dù có nhiều nguyên nhân nhưng các nhà khoa học về biển đều có chung nhận định rằng thủy triều đỏ xảy ra thường xuyên và rộng khắp trong những thập kỷ qua một phần do tác động của con người.
Nước thải từ các thành phố, khu dân cư, trang trại nông nghiệp mang theo lượng lớn chất hữu cơ chảy ra sông, biển. Quá trình nuôi cá và các loài sinh vật khác trên biển cũng tạo ra hiện tượng tương tự. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho tảo, giúp chúng sinh sôi và phát triển mạnh hơn. Tảo thường xuất hiện gần bờ, nơi nước thải trực tiếp đổ xuống. Hiện tượng nóng lên toàn cầu và El Nino liên tục đạt đỉnh khiến nước biển nóng hơn cũng là điều kiện lý tưởng cho tảo phát triển và nở hoa.
Với mức độ nguy hiểm như vậy, để đối phó với thủy triều đỏ là không dễ dàng. Nhất là với mức độ bao phủ khá rộng của hiện tượng này có thể lên tới hơn 25.000km2 và độ sâu từ tầng đáy biển cho đến mặt nước (theo các nhà khoa học về các động vật hoang dã bang Florida). Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể lập bản đồ dự đoán chính xác vị trí xảy ra hiện tượng tảo nở hoa. Biện pháp này giúp người dân có kế hoạch ứng phó tốt nhất, giảm thiểu tác động của nó tới môi trường. Về lâu dài, thay đổi nhận thức của con người nhằm ngăn biến đổi khí hậu mới là mấu chốt của vấn đề.