Đất nước nằm ở vùng Trung Á xa xôi không chỉ có nền thể thao khá mạnh ở châu lục mà còn được biết đến như một ngã ba của Con đường tơ lụa cổ xưa kia và sở hữu một mỏ vàng trữ lượng lớn nhất thế giới.
Trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á giữa đội tuyển Việt Nam và Uzbekistan vào ngày 26/1 bỗng khiến Uzbekistan trở thành mối quan tâm của nhiều người Việt Nam.
Đất nước nằm ở vùng Trung Á xa xôi này không chỉ có nền thể thao khá mạnh ở châu lục mà còn được biết đến như một ngã ba của Con đường tơ lụa cổ xưa và sở hữu một mỏ vàng trữ lượng lớn nhất thế giới.
Quốc gia không tiếp giáp với biển và từng là một phần của Liên Xô cũ này còn có trữ lượng lớn đồng, bạc, kẽm, urani và molypden. Ngành khai khoáng là động lực kinh tế chính của đất nước và nguồn thu đáng kể nhất là từ vàng.
Theo thống kê của Cục khảo sát địa chất Mỹ, Uzbekistan sở hữu khoảng 5.300 tấn vàng, mức trữ lượng lớn thứ 5 thế giới. Hầu hết các mỏ vòng tập trung ở Kyzylkum, miền trung đất nước, với trữ lượng khoảng 3.200 tấn. Ngoài trữ lượng đã được xác định, vùng sa mạc Kyzylkum được tin là còn khoảng 3.200 tấn vàng nữa chưa được khám phá.
Nếu tính theo trữ lượng riêng từng mỏ, Muruntau (nghĩa là “Núi Mũi”) nằm ở Uzbekistan là mỏ vàng lộ thiên lớn nhất thế giới.
Mỏ vàng Muruntau, dài khoảng 3,5km, rộng 2,5km và sâu khoảng 560m, được phát hiện năm 1958. Khu vực này là nguồn cung cấp ngọc lam trong thời kỳ Con đường Tơ lụa vẫn được sử dụng để giao thương hàng hóa. Dần dần vàng được khai thác một cách hệ thống. Đến nay đã khai thác được hàng trăm triệu tấn và ước tính có thể khai thác được đến năm 2032.
Một mẫu hóa địa hóa bất thường được phát hiện trong quá trình lấy mẫu hệ thống và vẽ bản đồ địa chất cho khu vực này đã giúp tìm ra mỏ vàng khổng lồ ở Muruntau. Các mạch thạch anh chứa vàng sau đó được tìm thấy ngay trên lớp bề mặt của mỏ vàng lộ thiên. Hoạt động khai thác vàng ở Muruntau bắt đầu từ năm 1967 và được duy trì liên tục cho đến nay.
Tuy nhiên, nguồn gốc của trữ lượng vàng khổng lồ này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho rằng sự hiện diện của thành phần có nguồn gốc từ lớp phủ trên bề mặt Trái đất trong cấu trúc quặng vàng cho thấy mỏ vàng này có thể được hình thành từ quá trình hình thành đá mắc-ma.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Muruntau bắt đầu được cộng đồng tình báo Mỹ chú ý từ năm 1964. Vào năm đó, báo chí Liên Xô bắt đầu đưa tin về trữ lượng vàng khổng lồ được tìm thấy ở Muruntau. Lúc đầu các báo này nói rằng đây là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất ở Liên Xô, nhưng các bài viết sau đó nói rằng đây là mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Theo Tiền Phong