Nọc độc của rết chứa độc tố peptide SsTx có khả năng làm phá vỡ hệ thống tim mạch, hô hấp, cơ bắp và thần kinh của con vật.

Khi một loài động vật tấn công con mồi, chúng thường chọn đối tượng nhỏ hơn để dễ dàng chinh phục. Tuy nhiên, những con rết sẵn sàng tấn công một con chuột lớn gấp 15 lần kích thước cơ thể của chúng với sự trợ giúp của một loại nọc độc nguy hiểm.

Rết đầu vàng tấn công một con chuột. Ảnh: Yasunori Koide.
Rết đầu vàng tấn công một con chuột. Ảnh: Yasunori Koide.

Theo kết quả nghiên cứu về nọc độc của rết được đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào tháng 12/2017, rết đầu vàng – còn được biết đến là rết đầu đỏ ở Trung Quốc – sử dụng nọc độc chứa độc tố peptide SsTx có thể chặn đứng dòng chảy của kali (K) ở bên trong và bên ngoài tế bào động vật có vú.

Kali là chìa khóa để duy trì nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể, chẳng hạn như duy trì nhịp tim, co thắt cơ để thở và một số chức năng khác. Qua đó, độc tố peptide SsTx làm tổn thương đến các hệ thống chính trong cơ thể.

"Nọc độc của rết có khả năng đồng thời làm phá vỡ hệ thống tim mạch, hô hấp, cơ bắp và thần kinh. Điều này không xuất hiện trong các động vật có nọc độc khác" - Shilong Yang - thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc), cho biết.

Yang và các đồng nghiệp của ông cho rằng, một loại thuốc chống co giật gọi là retigabine có thể mở lại các kênh kali đang bị tắc nghẽn. Mặt dù vết cắn của rết sẽ không làm chết người, nhưng việc cho các loài động vật nhỏ sử dụng thuốc retigabine đúng giờ có thể bảo vệ tính mạng của chúng sau khi bị rết cắn.

Nọc độc của rết giết chết con chuột trong khoảng 30 giây.