Không chỉ “mọt sách” mới hay lang thang trong thư viện, loài dơi cũng thích cư trú ở đó. Trải qua hàng thế kỷ, chính những con dơi đã góp phần bảo vệ các bản thảo cổ quý giá trong văn khố thư viện Lâu đài Mafra (ở Mafra) và Biblioteca Joanina (ở Coimbra).
Biblioteca Joanina nằm ngay giữa khuôn viên của Đại học Coimbra, do vua John V (1689 – 1750)1 sáng lập từ thế kỷ 18 (năm 1717), thường được ca ngợi như một trong những thư viện đẹp nhất thế giới, hiện đang lưu trữ hơn 250.000 cuốn sách, bao gồm nhiều tài liệu lịch sử vô giá và ấn bản gốc. Tòa nhà có chức năng như một hầm chứa, với những bức tường bao dày hơn 2 m, cửa chính được đóng bằng gỗ tếch – nhằm giữ cho nhiệt độ bên trong luôn ổn định ở mức 18 – 20oC. Hầu hết các giá sách đều được làm từ gỗ sồi – có khả năng sinh ra một mùi hương đặc biệt giúp xua đuổi côn trùng, và ẩn nấp đằng sau là những con dơi – chỉ ra ngoài vào ban đêm để săn tìm các loài côn trùng gây hại. Không ai biết chính xác dơi bắt đầu cư trú trong thư viện từ bao giờ, nhưng chắc chắn là trước thế kỷ 19. Hằng đêm, trước khi đóng cửa thư viện, người thủ thư thường phủ khăn lên đồ nội thất (nguyên bản từ thế kỷ 18) để ngăn không cho phân dơi dính vào và cẩn thận lau dọn lại vào mỗi sáng sớm. Họ xem đó là cái giá nhỏ phải trả cho dịch vụ đặc biệt mà loài dơi cung cấp.
Thư viện Biblioteca Joanina. Ảnh: xiquinhosilva/Wikimedia
Phòng đọc lộng lẫy bên trong Biblioteca Joanina. Ảnh: xiquinhosilva/Wikimedia
Một thư viện khác nằm trong Lâu đài Mafra – cách Lisbon 125 dặm về phía Nam, là kiến trúc nổi bật nhất của nơi này với phần mái vòm cao và sàn lát đá cẩm thạch lộng lẫy. Những giá sách bằng gỗ được đóng theo phong cách Rococo2 và sắp xếp thành hai dãy, ngăn cách bởi ban công và lan can (cũng làm từ gỗ). Nơi này hiện đang cất giữ khoảng 36.000 tập sách bìa da, bao gồm nhiều bản thảo cổ quý hiếm (incunabula) – được xuất bản từ kỷ 16, trước khi máy in ra đời, chẳng hạn cuốn Biên niên sử Nuremberg (ra mắt năm 1493). Đó là minh chứng cho trình độ tri thức ở châu Âu thời Phục hưng3 và Khai sáng4. Cũng như Biblioteca Joanina, việc xác định niên đại của đàn dơi ở thư viện Lâu đài Mafra rất khó, nhưng chắc chắn là chúng đã ở đó hàng thế kỷ. Và để tri ân công lao của loài thú có cánh này, người quản lý thư viện đã cho đóng một tủ kính nhỏ trưng bày hài cốt của ba con dơi – chết vì già yếu.
Thư viện Lâu đài Mafra. Ảnh: Vitor Oliveira/Wikimedia
Vì dơi là loài sống về đêm nên du khách tới thăm quan Biblioteca Joanina và Lâu đài Mafra thường khó nhìn thấy chúng vào ban ngày. Nhưng một số người cho biết: nếu biết kiên nhẫn chờ đợi trên các bậc thềm, nhất định bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng những con dơi bay ra bay vào những tòa nhà.
Chú thích
1. Người cai trị Bồ Đào Nha và Algarve trong nửa đầu thế kỷ 18, còn có danh xưng khác là Vua Mặt trời (o Rei-Sol Português). Trong giai đoạn nắm quyền của mình, vua John V đã có công đưa vị thế của Bồ Đào Nha tại châu Âu được nâng cao nhờ vào nguồn thu nhập khổng lồ từ các thuộc địa, nhất là Brazil ở Nam Mỹ (rất giàu tài nguyên). Tuy nhiên, ông cũng đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc cho những công trình kiến trúc đầy tham vọng (như Cung điện Mafra) và tác phẩm nghệ thuật quý giá.
2. Rococo một phong cách kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế nội thất nổi tiếng ở Pháp từ thế kỷ 18. Từ Rococo là sự kết hợp giữa rocaille (mang nghĩa là vỏ) trong tiếng Pháp và barocco trong tiếng Ý. Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi nhưng Rococo vẫn được thừa nhận đóng vai trò quan trọng đối với lịch sử phát triển kiến trúc của châu Âu.
3. Phục Hưng là một phong trào văn hóa có tác động sâu sắc đến đời sống trí thức tại châu Âu trong thời sơ kỳ hiện đại (thế kỷ 15, 16). Bắt nguồn từ Ý, phong trào đã lan rộng ra khắp châu Âu, ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực: văn học, triết học, mĩ thuật, âm nhạc, chính trị, khoa học, tôn giáo, và nhiều khía cạnh khác của đời sống tinh thần. Điểm nhấn của thời Phục hưng là phương pháp nhân văn được các học giả, trí thức sử dụng trong nghiên cứu để khai thác hiện thực đời sống và cảm xúc con người.
4. Phong trào Khai sáng, hay Phong trào Duy lý là một cuộc cách mạng về tri thức chi phối khía cạnh tư tưởng ở châu Âu vào thế kỷ 17 và 18. Các học giả thời Khai sáng chủ trương lấy lý trí, mục tiêu theo đuổi hạnh phúc và sự nhận biết của giác quan làm nền móng; họ cổ vũ sự tiến bộ, tinh thần tự do, khoan dung, bình đẳng, bác ái, chính phủ lập hiến và xu hướng thế tục (tách rời thần quyền hay sự chi phối của tôn giáo ra khỏi nhà nước). Thời kỳ Khai sáng cũng liên hệ mật thiết với cuộc Cách mạng Khoa học kỹ thuật do đều nhấn mạnh vào vai trò của lý tính. Phong trào đã góp phần đặt nền móng tư tưởng cho hai cuộc Cách mạng Mỹ (1776) và Pháp (1789), phong trào đòi độc lập ở Mỹ Latinh vào cuối thế kỷ 18 – đầu 19, góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tư bản. Mặc dù diễn ra chủ yếu tại Đức, Pháp, Anh, và Tây Ban Nha, nhưng tầm ảnh hưởng của nó trên thực tế rộng lớn hơn nhiều.
Theo Amusing Planet